Các HTX đang đóng vai trò dẫn dắt nông dân sản xuất theo hướng bền vững tại Việt Yên (Ảnh Tư liệu) |
HTX khẳng định vai trò dẫn dắt
Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều HTX trên địa bàn huyện Việt Yên đang đẩy mạnh đầu tư tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.
Có thể kể đến những điểm sáng như HTX công nghệ cao Sông Thương, HTX nông nghiệp Hoài Long, HTX rau an toàn Việt Yên, HTX công nghệ cao Khang Thịnh, HTX dược liệu Khánh Linh, HTX nông nghiệp Lý Nhân…
Đơn cử như HTX rau an toàn Việt Yên (xã Hoàng Ninh) hiện đang là đơn vị đi đầu của tỉnh trong xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Năm 2017, HTX được UBND huyện hỗ trợ 50% giá giống, thuốc bảo vệ thực vật với kinh phí 500 triệu đồng để triển khai 5 ha vùng rau an toàn và 150 triệu đồng để xây dựng 1.000 m2 nhà lưới ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Thế Chuyền – Giám đốc HTX cho biết: “Bên cạnh vùng rau của HTX, chúng tôi đang liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nhiều vùng rau chuyên canh ở các xã Việt Tiến, Tự Lạn, Bích Sơn… với tổng diện tích trên 10ha”.
100% diện tích sản xuất của HTX đang được áp dụng quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm, có thị trường tiêu thụ ổn định, tạo thu nhập cao cho thành viên, nông dân liên kết.
Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân, thôn Chùa, xã Minh Đức được thành lập từ năm 2016. Đến nay, HTX có 8 thành viên tham gia với tổng diện tích sản xuất hơn 5 ha, trong đó có 4.000 m2 nhà màng.
Qua nghiên cứu nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, HTX lựa chọn phát triển các cây trồng chủ lực là dưa hấu, dưa chuột và các loại rau vụ đông như su hào, súp lơ, bắp cải.
Nhờ sản xuất khoa học, năng suất các loại cây trồng của thành viên HTX cao hơn các hộ trồng đơn lẻ theo phương thức cũ 15 – 30%, thị trường tiêu thụ ổn định và giá bán cao.
Các mô hình liên kết sẽ tiếp tục được huyện đầu tư nhằm khơi thông thị trường cho nông sản (Ảnh TL) |
Sản xuất đến đâu, bán hết đến đó
Trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản luôn là khâu quan trọng. Chính vì thế, từ năm 2017 đến nay, HTX Dịch vụ và Thương mại nông nghiệp công nghệ cao Khang Thịnh (xã Tự Lạn) đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm chủ lực là khoai tây.
Bà Nguyễn Thị Kim Quyên – Giám đốc HTX cho biết, cuối năm 2017, HTX được cấp chứng nhận rau an toàn VietGAP. Thương hiệu được khẳng định, sản phẩm của HTX “sản xuất đến đâu bán hết đến đó”.
“Kể từ năm 2017 đến nay, sản phẩm khoai tây VietGAP của HTX được doanh nghiệp thu mua với giá ổn định với khoảng 7.000 – 8.000 đồng/kg. Theo đó, lợi nhuận mỗi ha canh tác của thanh viên HTX đạt 27 – 30 triệu đồng”, bà Quyên phấn khởi.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Việt Yên, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi được huyện triển khai từ năm 2015 với một số sản phẩm chính như: Cây dược liệu; các loại rau, củ, quả; hoa, cây cảnh.
Toàn huyện hiện có 10 mô hình liên kết theo chuỗi, chủ yếu là HTX nông nghiệp.
Các hộ liên kết sản xuất trong các HTX cho biết tuỳ loại cây trồng, việc tham gia chuỗi liên kết có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%/ha và sản lượng tăng từ 20-25% so với sản xuất truyền thống.
Qua sản xuất, cái được rõ nét nhất của hình thức sản xuất này là nông dân được cung ứng giống, tập huấn khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm đầu ra và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Để tiếp tục nâng cao giá trị các mô hình, thời gian tới huyện Việt Yên sẽ tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ về hạ tầng, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh từng địa phương, từ đó, tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nhật Minh