Bắc Bình là huyện miền núi với địa hình phức tạp, xen kẽ nhiều đá sỏi, cùng điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khiến việc phát triển sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Để khắc phục, huyện chủ động đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học – công nghệ, nâng cao trình độ nhân lực.
Đổi mới sản xuất
Trên mảnh đất cằn đầy sỏi đá, HTX nông nghiệp công nghệ cao Bình Minh, xã Hòa Thắng, đang gặt hái thành công bằng mô hình dưa lưới công nghệ cao, với những giá trị vượt trội về kinh tế và môi trường sinh thái.
Giá trị trồng trọt sẽ được nâng lên nhờ ứng dụng công nghệ cao (Ảnh TL). |
Xuất phát điểm với 7 thành viên, đến nay HTX đang sản xuất trên tổng diện tích hơn 60 ha, thí điểm trồng 5 loại dưa lưới chất lượng cao của Nhật Bản và Hà Lan. HTX đang có hệ thống 60 nhà màng hiện đại được thiết kế theo công nghệ Israel, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ông Phạm Văn Minh – thành viên sáng lập HTX Bình Minh, cho biết: “Hòa Thắng là một trong những địa phương có điều kiện khí hậu khô hạn bậc nhất tỉnh. Trong hoàn cảnh đó, ứng dụng công nghệ Israel, tưới nhỏ giọt là hướng đi tất yếu, mang lại giá trị bền vững”.
Không chỉ tiết kiệm nước, công nghệ Israel giúp HTX giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái. Cụ thể, canh tác trong nhà màng giúp thành viên HTX loại bỏ hoàn toàn các loại phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại.
Nguồn đất, nguồn nước được HTX tuyển chọn kỹ lưỡng, được xử lý vi sinh để loại bỏ tạp chất. Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học được ưu tiên, qua đó đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh các cây trồng mới như dưa lưới, cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực ở Bắc Bình. Để thích nghi với thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và thâm canh.
Sau nhiều năm gặp khó với các giống lúa cũ, năm 2018, anh Lê Xuân Hòa, xã Bình An được hỗ trợ chuyển đổi sang các giống mới như OM 406, Đài thơm 8, ST 24, ST 25.
Theo anh Hòa, từ khi ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ, anh tiết kiệm bình quân 50 - 100 kg lúa giống/ha, đồng thời giảm lượng nước tưới, chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu và rất ít sâu bệnh.
Tạo đà bứt lên
Không chỉ đối với cây lúa hay dưa lưới, nhiều nông dân Bắc Bình còn thực hiện chuyển đổi trồng thanh long theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Ngoài ra, bưởi da xanh cũng đang được đánh giá là phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Cần thêm những động lực để nông nghiệp huyện Bắc Bình bứt lên (Ảnh TL). |
Dù đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng tình hình phát triển ngành trồng trọt tại Bắc Bình vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Điển hình, sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm bị phân tán, khả năng cạnh tranh chưa cao.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, cây trồng trên địa bàn huyện diễn ra còn chậm, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất giống, làm đất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến chưa đồng bộ.
Trước thực tế trên, Bắc Bình xác định trong thời gian tới, phải tiếp tục tranh thủ thời cơ thuận lợi, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy trồng trọt công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với quan điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp là quá trình thường xuyên liên tục, lâu dài, huyện sẽ thúc đẩy trồng trọt theo hướng phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh và có thị trường tiêu thụ.
Vai trò của các HTX, tổ hợp tác cũng sẽ được ngành nông nghiệp huyện tiếp tục nâng tầm, nhằm liên kết thành viên phát triển sản xuất lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định giá bán, gia tăng lợi nhuận.
Hưng Nguyên