Được biết, tỏi là cây màu truyền thống thế mạnh của An Thịnh, chiếm hơn 50% diện tích sản xuất vụ đông với 80ha. Do vậy, ngay từ đầu vụ mùa, xã chủ động triển khai đến các thôn quy hoạch vùng trồng màu, từ đó bố trí các giống lúa ngắn ngày gieo ở các chân ruộng sẽ trồng hành, tỏi, trồng cây vụ đông đúng khung thời vụ với phương châm “sáng thu hoạch lúa, chiều trồng cây vụ đông”.
Tư duy canh tác quy mô lớn
Để đẩy nhanh tiến độ, các HTX tích cực đưa cơ giới vào các khâu làm đất, lên luống, phun tưới… kết hợp với áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất. Khác với các địa phương gặp nhiều khó khăn để hoàn thành kế hoạch sản xuất cây màu, An Thịnh luôn vượt kế hoạch đặt ra. Năm 2017, diện tích cây màu vụ đông của địa phương đạt 158ha/150ha kế hoạch.
Ngoài cây tỏi đã trở thành nông sản hàng hóa, nông dân còn trồng các loại hành, cà rốt, khoai lang, súp lơ xanh… Nhờ vậy, thu nhập bình quân sản xuất cây màu ở địa phương đạt 7 - 8 triệu đồng/sào, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.
Theo ông Nguyễn Tăng Cường - Chủ tịch UBND xã An Thịnh, với 530 ha đất canh tác, khi bắt tay xây dựng NTM, An Thịnh là xã thuần nông có xuất phát điểm rất thấp, ngành nghề hạn chế. Vì vậy, Đảng ủy, chính quyền xã xác định để phát triển kinh tế, phải phát huy thế mạnh cây màu chủ lực gắn với tư duy canh tác hàng hóa quy mô lớn.
Nhờ đó, đời sống dần khấm khá lên, người dân tích cực tham gia đóng góp để cùng chính quyền địa phương xây dựng các hạng mục NTM. Đường giao thông từ trong làng ra đến ngoài đồng đều bê tông hóa, thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Các công trình trường học, văn hóa được tu bổ thường xuyên… Khắp các xóm, làng, những ngôi nhà cao tầng, biệt thự mọc lên san sát. Nhiều người dân đã mua sắm được các phương tiện đắt tiền phục vụ cuộc sống. Nhờ vậy, từ 6 tiêu chí ban đầu, đến nay, An Thịnh đạt 16/19 tiêu chí NTM.
Sản xuất tỏi ở An Thịnh góp phần cải thiện đời sống của người dân |
Về đích NTM đúng tiến độ
Hiện, An Thịnh vẫn còn 3 tiêu chí chưa đạt chuẩn là trường học, tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn 2,09%, thu nhập mới đạt 36 triệu đồng/người/năm.
Mục tiêu đến cuối năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1 - 1,5%, thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm; hoàn thiện một số hạng mục công trình trường tiểu học, trường mầm non, trường THCS và nâng cấp các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa…
Nguồn vốn để triển khai các nội dung này khá lớn, khoảng 96,7 tỷ đồng đã đặt ra thách thức không nhỏ với chính quyền và người dân địa phương.
Để thực hiện nhiệm vụ này, ngoài sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian tới, chính quyền xã sẽ bám sát kế hoạch chung của huyện và chỉ đạo quyết liệt trong sản xuất vụ đông nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và tạo ra nguồn lực tại chỗ cho các hạng mục còn lại.
Xã cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng các loại cây có giá trị kinh tế cao, khuyến khích tích tụ ruộng đất, đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn; phối hợp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.
Đặc biệt, xã đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tạo thương hiệu riêng cho cây tỏi An Thịnh, từ đó nâng vị thế và giá trị cây màu này trên thị trường, tạo đầu ra ổn định.
Chính việc tổ chức sản xuất hiệu quả, giúp người dân an tâm làm kinh tế ngay trên quê hương, chính quyền xã An Thịnh hy vọng sẽ là động lực để người dân đồng lòng, quyết tâm cùng với địa phương thực hiện các nhiệm vụ về đích NTM đúng tiến độ đề ra.
Song Giang