Báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết toàn tỉnh hiện có 64 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 24,3% tổng số xã), 32 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 105 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 50 xã đạt 6 - 9 tiêu chí. Bình quân toàn tỉnh đạt 13 tiêu chí/xã (tăng 0,7 tiêu chí/xã so với năm 2016).
Đẩy mạnh xây dựng NTM
Trong lộ trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến hết năm 2018 có 104 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM, trong đó có tối thiểu 10 xã đạt chuẩn. Với mục tiêu đề ra, tỉnh đang đẩy mạnh vận động toàn hệ thống, từ chính quyền đến người dân, chung tay xây dựng NTM cả về chiều rộng và chiều sâu.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến cho người dân về vai trò của xây dựng NTM, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
Với những bước đi mạnh mẽ, nhiều địa phương của tỉnh đã và đang tiến sát đích NTM. Điển hình như huyện Thanh Thủy hiện đã đủ điều kiện trình công nhận huyện NTM, với bình quân tiêu chí toàn huyện đạt 13,5 tiêu chí/xã.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, cho biết 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh đã công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn NTM gồm: Hoàng Xá, Bảo Yên, Tân Phương (huyện Thanh Thủy) và Vực Trường (huyện Tam Nông).
“Sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tình hình kinh tế, xã hội tại nhiều xã của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn miền núi dần thay đổi. Hầu hết các xã đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương điển hình phát triển kinh tế”, ông Tuấn chia sẻ.
Phú Thọ đặt mục tiêu có 104 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM trong năm 2018 |
Thêm nguồn lực hỗ trợ HTX
Đang có thành tích tốt, tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu đề ra từ nay đến năm 2020, tỉnh Phú Thọ cần giải quyết nhiều khó khăn, trong đó có những vướng mắc ở tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất), quy định mỗi xã cần có tối thiểu 1 HTX hoạt động hiệu quả.
Khu vực HTX của tỉnh, nhất là các HTX nông nghiệp có phát triển về số lượng, tuy nhiên về chất lượng, hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ, hiện tỉnh chưa có liên hiệp HTX, gần đây chỉ có 10% HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, 60 - 70% HTX đang trong đoạn phát triển.
Để giải “bài toán” trên, tỉnh Phú Thọ đang thực hiện đồng thời nhiều chính sách để tạo điều kiện cho các HTX trên địa bàn phát triển, nâng tầm quy mô, gia tăng giá trị, đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên, người nông dân, đóng góp chung vào quá trình xây dựng kinh tế, xã hội tại từng địa phương.
Mới đây, Tỉnh ủy Phú Thọ đã đưa ra 12 nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh "tam nông" trong thời gian tới, trong đó giải pháp số 8 "Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất" được đặc biệt chú trọng, để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Văn Nguyễn