Báo cáo do ví điện tử Payoo công bố mới đây cho thấy, hoạt động thanh toán không tiền mặt tiếp tục được phổ biến rộng rãi trong nửa đầu năm. Tổng giá trị thanh toán không tiền mặt qua Payoo ghi nhận tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.
“Đây là kết quả của quá trình nỗ lực từ Chính phủ, ngân hàng, tổ chức tài chính và sự hưởng ứng từ phía người dùng”, báo cáo nêu.
Theo thống kê, thanh toán QR vẫn đi đầu về tốc độ tăng trưởng với mức tăng 2,5 lần. Thanh toán QR qua Payoo đã tăng trưởng đều đặn và liên tục, trung bình tăng gấp 3 lần/năm trong vòng 3 năm qua.
Hình thức thanh toán qua quét mã QR ngày càng phổ biến. |
Tỷ trọng thanh toán QR trong các hình thức thanh toán ở nhiều lĩnh vực vượt hơn 30%. Trong đó, top 5 lĩnh vực có số lượng giao dịch QR nhiều nhất theo thứ tự là: Dịch vụ ăn uống; siêu thị và cửa hàng tiện lợi; thời trang, mỹ phẩm; giải trí (vé xem phim/xem kịch/âm nhạc…), nội thất và đồ dùng gia đình; cửa hàng bán lẻ khác.
Mức độ phổ biến thứ hai sau QR là thanh toán thẻ quốc tế với mức tăng trưởng 64% so với cùng kỳ. Thanh toán qua thẻ nội địa tăng trưởng 7%. Trong đó, hình thức thanh toán không tiếp xúc qua NFC được ưa chuộng hơn, chiếm hơn 65% trong tổng số giao dịch qua thẻ.
Nửa đầu năm, Payoo ghi nhận mức chi tiêu tăng cao với nhóm F&B. Số lượng và giá trị giao dịch lĩnh vực F&B qua hệ thống tăng tương ứng 38% và 54%. Hình thức thanh toán qua thẻ quốc tế vẫn thống trị nhưng giảm nhẹ với 65% số lượng giao dịch, tiếp đến là quét mã QR với 30% và thẻ nội địa với 5%.
Ngoài ăn uống, du lịch cũng là mảng phục hồi mạnh mẽ với số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế liên tục tăng cao. Ghi nhận của Payoo cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng thẻ quốc tế phát hành tại nước ngoài qua nền tảng thanh toán Payoo tăng 2,6 lần về số lượng và 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở các mảng: ăn uống, mua sắm tại trung tâm thương mại.
Bên cạnh lượt khách quốc tế chi tiêu cho du lịch kể trên, dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4 và 1/5 vừa qua đã trở thành động lực khiến lượng khách trong nước tích cực mua các tour du lịch nội địa. Thanh toán không tiền mặt cho dịch vụ mua tour cho riêng tháng 4 vừa qua đã tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến thời điểm sắp tới sẽ là cao điểm du lịch hè, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ tiếp đà để có mức tăng bùng nổ hơn nữa.
Với ngành bán lẻ, mức tăng bứt phá được ghi nhận trên nền tảng thanh toán Payoo. Đơn vị này cho rằng nguyên nhân do sức mua năm nay đã quay lại sau mấy năm khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch và sự ưa chuộng với thanh toán không tiền mặt.
Nhóm ngành hàng ghi nhận mức tăng lớn nhất là vàng bạc đá quý và trang sức, tăng 2,5 lần về số lượng và 4 lần về giá trị so với cùng kỳ.
Hai quý đầu năm nay, do giá vàng tăng cộng hưởng với nhu cầu trang sức của người dân tăng lên trong những dịp lễ 14/2, 8/3 nên kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp mảng này khá khả quan. Báo cáo tài chính của PNJ trong quý I vừa qua ghi nhận mức tăng doanh thu kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này, với kết quả doanh thu thuần tăng gần 30% cùng kỳ năm trước.
Những báo cáo gần đây của Payoo cho thấy, nhu cầu “đẹp bên ngoài, khỏe bên trong” của người dân đã hình thành và tăng trưởng khá đều đặn thể hiện qua số lượt bán vé giải chạy, đạp xe, số lượng giao dịch tại nhà thuốc, đơn vị bán thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe tăng cao. Trên hệ thống Payoo, mảng bán lẻ dược phẩm ghi nhận mức tăng 2 lần về số lượng và 2,4 lần về giá trị giao dịch.
Bán lẻ các thiết bị công nghệ sau một năm sụt giảm mạnh, năm nay cũng có đà hồi phục tốt. Các “ông lớn” ngành bán lẻ điện thoại, điện máy đã đặt mục tiêu doanh số quay trở lại thông qua nhiều biện pháp tăng chất lượng dịch vụ và tối ưu những điểm bán hiệu quả. Trên nền tảng Payoo, số lượng và giá trị giao dịch ở các doanh nghiệp thuộc mảng này đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn giữ đà ổn định với mức tăng trưởng 50% số lượng và 30% giá trị. Đặc biệt, nhóm trung tâm thương mại – nơi tập trung các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm và F&B cũng ghi điểm với kết quả kinh doanh nửa đầu năm khả quan, tăng 30% số lượng và 15 % giá trị so với cùng kỳ.
Với số liệu tăng trưởng của các lĩnh vực kể trên, Payoo cho rằng bên cạnh nguyên nhân thị trường hồi phục, tiêu dùng trở lại thì phần lớn tăng trưởng đến từ sự chuyển dịch của người dùng từ tiền mặt sang thanh toán điện tử.
Đỗ Kiều