Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 192/NQ-CP về việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Cụ thể, gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) tại Quyết định số 316/QĐ- TTg ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money.
Theo đó, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ được thực hiện thí điểm đến hết ngày 31/12/2024.
Tiếp tục triển khai thí điểm Mobile - Money đến hết năm 2024. |
Đồng thời, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ Mobile Money trước tháng 5/2024.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money trong 2 năm tính từ ngày 9/3/2021 trên phạm vi toàn quốc.
Dịch vụ Mobile Money cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp - rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch của nhà mạng trên toàn quốc... mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng điện thoại thông minh, không cần kết nối Internet.
Sau gần 2 năm thí điểm triển khai Mobile Money, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết tháng 8/2023, tổng số tài khoản Mobile Money được mở là 5,2 triệu, trong đó có 3,6 triệu tài khoản mở ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, với hàng chục nghìn điểm kinh doanh và hàng trăm nghìn điểm chấp nhận thanh toán Mobile Money.
Nói rõ hơn về việc triển khai Mobile Money, ông Nguyễn Quang Khánh, Phó Phòng phát triển dịch vụ, Tổng công ty dịch vụ số MobiFone cho hay, tại các tỉnh thành lớn, đa phần mọi người đều có tài khoản ngân hàng dùng SmartBanking nên lượng phủ sóng của MobiFone Money ít phổ biến hơn. Ngược lại, việc phủ sóng của MobiFone Money tại các vùng nông thôn ngày càng lan rộng. Với hạn mức 10 triệu đồng/tháng rất phù hợp với thu nhập của bà con nông dân, người dân vùng sâu, vùng xa.
"Nơi nào chưa có ngân hàng thì chúng tôi đều phủ sóng để người nông dân có thể tiếp cận dịch vụ thanh toán, chuyển tiền qua MobiFone Money. Hiện nay, chúng tôi phấn đấu hơn nữa làm sao tối ưu hơn để bà con nông dân thuận tiện sử dụng dịch vụ”, ông Khánh nói.
Mặt khác, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi một số quy định tại Quyết định số 316/QĐ-TTg để phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc khi phát triển dịch vụ.
Thanh Hoa