Mobile Money là phương thức thanh toán dùng tài khoản viễn thông, cho phép khách hàng có thể nạp, rút, thanh toán, chuyển tiền trên mọi thiết bị di động, đặc biệt là không cần có tài khoản ngân hàng. Trong năm 2023, mục tiêu cả nước sẽ có khoảng 10 triệu tài khoản Mobile Money.
Dịch vụ Mobile Money được Ngân hàng Nhà nước cấp phép triển khai thí điểm trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 2 năm, từ 18/11/2021 - 18/11/2023, với 3 doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng ra thị trường (Viettel, VNPT-Media, MobiFone).
Hết tháng 8/2023, tổng số tài khoản Mobile Money được mở là 5,2 triệu, trong đó có 3,6 triệu tài khoản mở ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. |
Sau gần 2 năm thí điểm triển khai Mobile Money, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết tháng 8/2023, tổng số tài khoản Mobile Money được mở là 5,2 triệu, trong đó có 3,6 triệu tài khoản mở ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, với hàng chục nghìn điểm kinh doanh và hàng trăm nghìn điểm chấp nhận thanh toán Mobile Money.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị cho phép tiếp tục triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money từ sau ngày18/11/2023 đến hết 31/12/2025. Mục đích là để các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện, phát triển dịch vụ, cung cấp tới khách hàng, với mục tiêu đem lại tiện ích cho người dân, xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Nguyễn Quang Khánh, Phó Phòng phát triển dịch vụ, Tổng công ty dịch vụ số MobiFone cho biết: "Sau 2 năm thí điểm MobiFone Money, chúng tôi đang có tổng kết để gia hạn thêm việc thí điểm và có những điều chỉnh phù hợp. Trong Quyết định 316 của Chính phủ đã ưu tiên triển khai dịch vụ MobiFone Money ở vùng sâu vùng xa, chưa ưu tiên triển khai ở thành phố".
Nói rõ hơn về việc triển khai MobiFone Money, ông Khánh cho hay, tại các tỉnh thành lớn, đa phần mọi người đều có tài khoản ngân hàng dùng SmartBanking nên lượng phủ sóng của MobiFone Money ít phổ biến hơn. Ngược lại, việc phủ sóng của MobiFone Money tại các vùng nông thôn ngày càng lan rộng. Với hạn mức 10 triệu đồng/tháng rất phù hợp với thu nhập của bà con nông dân, người dân vùng sâu, vùng xa.
"Nơi nào chưa có ngân hàng thì chúng tôi đều phủ sóng để người nông dân có thể tiếp cận dịch vụ thanh toán, chuyển tiền qua MobiFone Money. Hiện nay, chúng tôi phấn đấu hơn nữa làm sao tối ưu hơn để bà con nông dân thuận tiện sử dụng dịch vụ”, ông Khánh cho hay.
Còn ông Nguyễn Văn Thắng, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chia sẻ, VNPT tham gia lĩnh vực tài chính số với 2 giấy phép hoạt động của Ngân hàng Nhà nước cấp cho về thanh toán và giấy phép về Mobile Money. Với VNPT, tổng kết đến 30/9 đã có 71% tài khoản đến từ nông thôn, vùng sâu xa hải đảo.
Đồng thời, ông Thắng cho biết, VNPT cũng là đơn vị đầu tiên đưa Mobile Money lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Mô hình này giúp người dân có tài khoản Mobile Money hoàn toàn có thể thanh toán dịch vụ công. “Trong đầu tháng 8 vừa qua, chúng tôi cũng đưa được VietQR lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Có thể nói, trong 2 năm vừa qua khi VietQR ra đời đã phủ sóng rất lớn tới các vùng sâu, vùng xa đi vào các ngõ ngách, đời sống của người dân. Đến tháng 9 vừa qua, giao dịch trên VietQR chiếm tới 29%", ông Thắng thông tin.
Thanh Hoa