Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội nhưng chưa tìm được việc làm, Tuấn Anh bươn chải sang Nga làm việc. Trong thời gian lao động tại Nga, Tuấn Anh làm nông nghiệp trong một trang trại của người Việt. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, anh về nước và đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao (CNC).
Giấc mơ nông nghiệp CNC
Ban đầu, Tuấn Anh tiếp quản công việc làm mạ khay, máy cấy, máy gặt lúa của gia đình. Khi tích lũy được vốn và hơn nửa ha đất gần nhà, năm 2016, Tuấn Anh quyết định khởi nghiệp và thực hiện giấc mơ ấp ủ bấy lâu nay của mình là làm nông nghiệp CNC.
Anh cho biết công việc lao động xuất khẩu tuy ổn định nhưng thu nhập không hơn làm công nhân ở Việt Nam là bao. Ngày còn ở Nga, anh cũng làm nông nghiệp, nhưng là nông nghiệp CNC, chủ yếu sản xuất rau trong nhà kính.
Áp dụng những kinh nghiệm khi còn lao động ở Nga vào thực tế, anh đầu tư vốn xây dựng khu nhà lưới, tiến hành trồng các loại cây như: Dưa Kim hoàng hậu, hoa Ly, hoa Đồng tiền, cà chua ghép, tùy vào mùa vụ.
Ưu điểm của việc sản xuất trong nhà lưới là hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân bón hóa học. Đó cũng là tiêu chí hàng đầu khi Tuấn Anh quyết định dấn thân vào làm nông nghiệp sạch.
Nhờ có những kinh nghiệm và biết cách ứng dụng CNC vào sản xuất nên mỗi năm, mô hình nông nghiệp của Tuấn Anh đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không chỉ đem lại thu nhập cao cho bản thân và gia đình, mô hình của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thời vụ cho hơn 15 lao động khác.
Để tăng nguồn lực đầu tư, năm 2017, Tuấn Anh vận động bạn bè thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp CNC Lâm Anh. Để giảm lượng nước tưới, công chăm sóc và tiết kiệm nhân công, nhà lưới được đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel.
Mô hình của Tuấn Anh đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm |
Sản xuất an toàn, bền vững
Hàng năm, từ khoảng tháng 2 đến tháng 10, HTX Lâm Anh tổ chức sản xuất hai vụ dưa Kim hoàng hậu với sản lượng khoảng 21 tấn, thu về khoảng hơn nửa tỷ đồng. Thời gian còn lại trong năm thì trồng cà chua ghép, hoa Ly, hoa Đồng tiền cũng mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng.
Có những thời điểm, giá cà chua trên thị trường chỉ khoảng 7 - 8 nghìn đồng/kg nhưng HTX Lâm Anh vẫn được các cửa hàng, tư thương thu mua tại vườn với giá khoảng 15 nghìn đồng/ kg. Có được thành công đó, theo Tuấn Anh, là nhờ HTX đã tìm được một lượng khách hàng tiềm năng, luôn tin tưởng vào sản phẩm của nhà sản xuất.
Để có thể sản xuất bền vững và tạo niềm tin cho người tiêu dùng, HTX chú trọng đến yếu tố an toàn. Trong quá trình sản xuất, các thành viên HTX chủ yếu bón phân mục, phân bò ủ men vi sinh, phân ủ từ cá cho cây trồng, không phun các hóa chất độc hại nên sản phẩm thực sự đem đến sự yên tâm cho người tiêu dùng.
HTX Lâm Anh còn tham gia thêm lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, đồng thời kinh doanh các mặt hàng rau, củ, quả. Nhờ bảo đảm an toàn nên nguồn nông sản được sản xuất trong nhà lưới của HTX đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng hợp đồng mua. Dự định trong năm nay, HTX Lâm Anh sẽ tiến hành tích tụ thêm đất đai và trồng thêm 0,5 ha đào cảnh để cung cấp cho thị trường dịp Tết.
Ông Nguyễn Đình Giới - Chủ tịch UBND xã Đông Yên, đánh giá trong việc chuyển đổi mô hình, địa phương có đưa ra chương trình phát triển kinh tế thì anh Tuấn Anh có đăng ký tham gia. “Ban đầu, Tuấn Anh chỉ làm khoảng 1.500 m2, sau khi đi vào thực hiện, có hiệu quả, năm 2017 Tuấn Anh tiếp tục đầu tư mở rộng lên hơn 4.000 m2 nhà màng. Đồng thời, có chính sách thu hút, tích tụ ruộng đất để trồng hoa, khoai tây. Như Tết Kỷ Hợi vừa qua, Tuấn Anh thu nhập được hàng trăm triệu tiền hoa”, ông Giới nói.
Từ thành công của mô hình trên, xã Đông Yên đang có chính sách nhân rộng mô hình, giao cho Hội Nông dân tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, đồng thời có chính sách tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để Tuấn Anh tích tụ được ruộng đất, tạo việc làm cho nhân dân. Ngoài lao động gia đình, mô hình HTX Lâm Anh thu hút được hàng chục lao động nông thôn.
Hoàng Lê