Cụ thể, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Đề án là nỗ lực đầu tiên ở quy mô quốc gia về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm các giải pháp, hoạt động nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo hiện đang từng bước hoàn thiện. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã quy định các nội dung chính về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập DN đối với nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và có cơ chế cho phép địa phương đối ứng đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo với các quỹ đầu tư tư nhân.
Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 11/3/2018 về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đã cho phép việc thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời, quy định việc sử dụng ngân sách địa phương cùng đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017 cũng đã quy định nội dung cho phép sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại DN để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
|
Ảnh minh họa |
Từ đó, thị trường vốn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang ngày càng sôi động với sự tham gia của các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài.
Theo thống kê của Tổ chức Topica Founder Institute (TFI), năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016. Trong số này có 8 thương vụ thoái vốn thành công thông qua mua bán và sáp nhập (M&A) trị giá 128 triệu USD.
Đến hết năm 2017 cũng đã có khoảng 40 quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam với phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài.
Theo đó, năm 2016 - 2017 chứng kiến sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế Việt Nam trong việc đầu tư cho startup như Quỹ đầu tư của FPT (FPT Ventures), Quỹ đầu tư của Viettel (Viettel Ventures)…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng nguồn vốn đầu tư cho DN khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với khu vực và trên thế giới. Số lượng thương vụ đầu tư vào Việt Nam tuy gia tăng nhưng hầu hết là các thương vụ nhỏ dưới 1 triệu USD, rất ít thương vụ nhận được đầu tư với số vốn hơn 10 triệu USD. Số lượng thương vụ M&A còn rất nhỏ, chưa có startup nào tiến hành được bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Vũ Trọng