Doanh nhân Trần Bá Dương sinh năm 1960 tại Huế, ông tốt nghiệp với bằng kỹ sư cơ khí tại Đại học Bách Khoa Tp.HCM. Sinh trưởng trong gia đình nghèo khó nhưng với tinh thần nghị lực vươn lên, ông đã xây dựng được một cơ đồ mà nhiều người phải mơ ước.
Khởi nghiệp trong gian khó, chàng trai trẻ sáng đi học, chiều về nhặt củi giúp mẹ. Nghị lực và sự vất vả của cuộc sống cơ hàn đã hun đúc lên ý chí và khát vọng của chàng trai xứ Huế là sau khi ra trường sẽ có một gara sửa xe cho riêng mình.
Tấm áo chật không phủ trọn giấc mơ
Sau khi tốt nghiệp đại học, Trần Bá Dương làm việc cho một xưởng sửa chữa ôtô nhỏ tại Đồng Nai, ước mơ lớn nhất lúc này của anh là có được một xưởng sửa chữa của riêng mình. Mong ước và nghị lực đã biến ước mơ đó sớm thành hiện thực.
Tuy nhiên, không chịu dừng bước, chàng thanh niên trẻ bắt tay vào ngành kinh doanh xe tải cũ đầy rủi ro và thách thức để giúp người dân quê mình bớt khổ. Với cách tính khôn ngoan, năm 1997, ông đã có trong tay một công ty ôtô nhỏ.
“Tấm áo chật không phủ trọn giấc mơ”, Trần Bá Dương quyết tâm thành lập công ty sản xuất lắp ráp xe tải nhỏ. Nhưng thời điểm đầu, với số vốn ít ỏi, cộng với quỹ đất ít tại Đồng Nai, nếu phát triển quy mô DN phải đi thuê đất đắt đỏ, Trần Bá Dương quyết định khăn gói đi xin đất làm dự án.
Tại vùng đất nắng cháy da, gió rát mặt Chu Lai (Quảng Nam), nơi người ta chạy đi không được, nơi trên gió dưới cát, Trần Bá Dương quyết định sinh cơ lập nghiệp. Vốn đất đi xin làm dự án được Quảng Nam cho 30ha để xây dựng nhà máy sản xuất xe tải nhỏ từ năm 2003.
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Thaco Trần Bá Dương
Có trong tay hơn 30ha đồng đất khô cằn, nơi khắc nghiệt nhất xứ Quảng, Trần Bá Dương bắt đầu với sự nghiệp của mình. Tại đây, một nhà máy sản xuất và lắp ráp xe tải nhỏ ra đời, quy mô vốn ít ỏi nhưng 4 năm sau (2007), Thaco đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 200 tỷ đồng và là một trong những DN có đóng góp ngân sách lớn nhất cho tỉnh Quảng Nam.
Trần Bá Dương là một trong những doanh nhân đặc biệt, hy hữu tại Việt Nam. Ông khởi nghiệp từ nghèo khó với hai bàn tay trắng tại vùng đất khô cằn, hoang hóa, lại đi thẳng vào công nghiệp, công nghệ cao, trong khi nền tảng phát triển của đất nước chưa hẳn đã có sẵn như nhiều quốc gia phát triển. Tuy nhiên, với những bước đi của mình, Trần Bá Dương đã gặt hái được thành công trông thấy.
Không tự nhận mình là người giỏi về tài chính, không tham vọng xây dựng riêng cho mình một dòng xe ôtô Việt, nhưng ông lại là người biết đưa thương hiệu xe hơi danh tiếng Hàn Quốc là Kia được nảy nở, đơm hoa và thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam dùng sản phẩm trong nước.
Kia Motor là một trong những tập đoàn xe hơi danh tiếng tại Hàn Quốc, Chủ tịch của Kia vốn là một người nông dân, quá trình phát triển Kia đã xây dựng cho mình thương hiệu Hyundai nổi tiếng tại Hàn Quốc và thế giới hiện nay.
Nắm bắt được xu thế toàn cầu hóa, chuyên môn hóa và phân công lao động quốc tế, Trần Bá Dương nhiều lần đặt chân đến Hàn Quốc để hợp tác, nhận chuyển giao các dây chuyền, nhà máy của Kia nhằm đưa về Việt Nam những máy móc tốt nhất, hiện đại nhất.
Thời điểm những năm 2000, nội địa hóa ôtô còn chưa được nhiều người nhắc đến, sự bắt tay hợp tác với “đại gia” nước ngoài để lắp ráp của Trần Bá Dương không được đánh giá cao, khi trong nước đã có những tổ hợp liên doanh xe hơi lớn của Toyota hay một số công ty ôtô trong nước khác. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của mình, Trần Bá Dương sớm xây dựng đường hướng riêng và ông đã thành công.
Tình đất nghĩa người
Chủ tịch Thaco từng tâm sự: “Tôi lớn lên giữa thời bao cấp đầy gian khó, cha mất sớm, nhà nghèo lại đông anh em, mẹ tôi tần tảo sớm hôm bươn chải, nhọc nhằn nuôi anh em tôi khôn lớn. Bao vất vả, bao tình thương mẹ dành cho anh em tôi, để chúng tôi mỗi khi gian khó nghĩ về mẹ thêm vững tin, có thêm động lực.
Chính từ tình yêu bao la của người mẹ nghèo xứ Huế tần tảo, đã nuôi dưỡng trong chàng kỹ sư trẻ ý chí và khát vọng biến những đồng đất cát trắng và những người con xứ Quảng “hay cãi” từ bỏ tay cuốc, tay cày, nắm lấy những chiếc máy; biến đồi cát trắng thành “vàng”…
Theo Thaco, hiện nay, toàn nhà máy tại khu phức hợp Chu Lai có khoảng trên 8.000 lao động, chủ yếu là con em địa phương Quảng Nam và các vùng phụ cận. Đời sống gắn bó với Thaco đã giúp bao mảnh đời, bao con người nơi Chu Lai cát, nắng và gió đổi thay từng ngày.
Đầu năm 2017, sự cố cháy nhà máy ThacoBus xảy ra đã gây thiệt hại cho công ty hơn 250 tỷ đồng. Nhưng giữa lúc lửa cháy, rất đông công nhân, người lao động và bà con nhân dân đã không quản sống chết chiến đấu với bà hỏa, lao vào cứu nhà máy… Ông Nguyễn Một, Giám đốc truyền thông của Trường Hải, tâm sự: Chính sự mất mát do giặc lửa với ThacoBus đã giúp chúng tôi thấy được tấm lòng của con người xứ Quảng nghĩa tình đến nhường nào. Bất chấp giặc lửa, bất chấp hiểm nguy, người dân Chu Lai đã vào nhà máy cùng anh em công nhân cứu thiết bị giữa lúc sự sống và cái chết đan xen nhau.
Sau sự cố cháy nhà máy, có điều tôi cảm phục là người phụ nữ bán bánh mì quanh năm tại cổng công ty đã “biếu không” hơn 1.000 ổ bánh mì cho anh em công nhân Thaco. Tình đất, nghĩa người không phải ai cũng có, không phải nơi đâu cũng được. Như thế đã là một thành công.
Hiện nay, quy mô của khu phức hợp Thaco – Trường Hải đã được mở rộng lên hơn 600ha. Khu phức hợp này đang mở rộng về phía cảng Chu Lai, nơi có khu kinh tế mở đầu tiên của tỉnh, của Nam Trung Bộ…
Cát, gió và biển mặn mà không phụ công người. Bằng biết bao nỗ lực của ông Trần Bá Dương và các cộng sự, đồng đất cát trắng ven biển Chu Lai thay đổi từng ngày.
Từ những đồi cát trắng ngút ngàn với gió, nay đến Trường Hải, người ta ngỡ ngàng trước biết bao đổi thay của người, của đất, của công nghệ, của cây xanh.
Thảm thực vật tại Tổ hợp Chu Lai – Trường Hải tưởng chừng chỉ có những cây phi lao, rặng xương rồng mới sống sót được dưới cái nắng hè hơn 40 độ C, giờ đây được thay thế với hàng loạt cây công nghiệp xanh mát, được chăm sóc quanh năm.
Nhật Linh