Nếu mua thành công WePay, Gojek Việt Nam sẽ giải quyết những hạn chế của thanh toán bằng tiền mặt hiện nay mà khách hàng đang sử dụng dịch vụ này gặp phải. |
Theo công bố mới nhất, từ giữa tháng 8, Công ty TNHH Dịch vụ thanh toán WePay có người đại diện pháp luật mới là ông Phùng Tuấn Đức và ông Pablo Malay (Chủ tịch công ty, quốc tịch Úc).
Thời điểm ngày 4/8/2020, WePay có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, ông Phùng Tuấn Đức là đại diện góp vốn. Ông Phùng Tuấn Đức hiện đang giữ chức vụ Tổng giám đốc Gojek Việt Nam.
Trước đó, người đại diện pháp luật của WePay là ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp.
Kể từ tháng 3/2017, WePay đã xin được giấy phép hoạt động ví điện tử tại Việt Nam, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thanh toán và hiện đã hợp tác với 4 nhà phát hành thẻ quốc tế, 24 ngân hàng bản địa và hơn 1.000 người bán hàng trên nền tảng của WePay.
Trong khi đó, kể từ khi đổi tên, Gojek Việt Nam đã đưa ra kế hoạch phát triển “siêu ứng dụng” giải quyết các nhu cầu khác nhau ngoài 3 dịch vụ Gobike, GoFood, GoSend.
Với vai trò là giải pháp thanh toán di động, nếu mua thành công WePay, Gojek Việt Nam sẽ có điều kiện hoàn thiện hệ sinh thái ở Việt Nam, giải quyết những hạn chế của thanh toán bằng tiền mặt hiện nay mà khách hàng đang sử dụng dịch vụ này gặp phải như khó thanh toán những cuốc xe giá trị nhỏ...
Với WePay, người dùng có thể thanh toán không tiền mặt cho các dịch vụ đặt xe, giao nhận thức ăn và tiến tới một loạt dịch vụ khác mà Gojek đang có kế hoạch triển khai ở Việt Nam thời gian tới.
Trước Gojek, năm 2018, ứng dụng Grab cũng chọn con đường M&A với một ví điện tử địa phương để xúc tiến hoạt động thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam. Grab đã mua lại cổ phần và hợp tác chiến lược với ví điện tử Moca. Sau đó, hai bên ra mắt ví điện tử GrabPay by Moca, đánh dấu sự hiện diện chính thức của Grab trong thị trường ví điện tử, trung gian thanh toán Việt Nam.
Huyền Anh