Câu chuyện khởi nghiệp của Tôn Như xuất hiện lần đầu trong cuốn sách “Rạng danh tài trí Việt năm châu” tại Việt Nam, kể về hành trình đầy trông gai, nhưng nhiều trải nghiệm và mở ra một kết thúc đẹp, truyền cảm hứng cho hàng triệu người trẻ có khát khao khởi nghiệp.
Lưu lạc nước Mỹ
Trước khi rời Việt Nam, Tôn Như theo học chuyên ngành Thương mại và Du lịch tại trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM. Ngay từ những năm đầu đại học, Như đã luôn khao khát được đi du học để thỏa đam mê khám phá. Tuy nhiên, vì không đủ tiền nên cô đành tìm kiếm cơ hội thông qua các chương trình tài trợ.
Năm 2012, khi đang là sinh viên năm cuối, cơ hội đã mỉm cười với Như khi cô suất sắc vượt qua các kỳ phỏng vấn, với sự cạnh tranh khốc liệt, để giành chiến thắng trong một chương trình thực tập tại Crowne Plaza, mở ra cánh cửa đến với nước Mỹ. Có thể nói, với cô đó như một giấc mơ đã thành hiện thực.
Nhưng niềm vui kéo dài không lâu, Như nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy của sự nghiệp, gánh nặng cơm áo gạo tiền tại vùng đất hứa. Sau thời gian chật vật vượt qua kỳ thực tập tại Baton Rouge, một vùng quê hẻo lánh tại Mỹ, với số tiền tiết kiệm ít ỏi, cô bắt đầu hành trình tìm kiếm cơ hội tại đất nước cờ hoa.
![]() |
Tôn Như |
Tôn Như khẽ rùng mình, nhớ lại: “Khi mới đến New York, tôi nói được rất ít từ tiếng Anh, vì vậy, không ai hiểu được những gì tôi nói. Mọi người luôn nghĩ tôi rất thô lỗ. Không tiền, không quan hệ, đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối, những tuần đầu tiên, tháng đầu tiên đối với tôi thật kinh khủng”.
Mọi chuyện sau đó ổn hơn, nhưng để sống tiếp với ước mơ, cô phải chấp nhận sống trong một căn nhà trọ rộng chưa đầy 15 m2, ẩm thấp, chật chội, đầy rệp. Công việc mới với mức lương 35 USD/ngày tại một thành phố đắt đỏ như New York khiến cô liên tục bị đẩy vào tình thế khó khăn.
Cùng quẫn, nhưng rồi nhớ lại hình ảnh cha mẹ ở quê nhà, cô quyết tâm bước tiếp. Như từng là tiểu thư của một gia đình giàu có, nhưng vì phá sản nên bố phải chạy xe ba gác, mẹ phải đi bán vé số để lo cơm áo cho cả gia đình.
Từ một gia đình giàu có đến cảnh phải chạy ăn từng bữa, bố mẹ đã quá nửa đời người cũng chưa bao giờ từ bỏ, thì Như, một cô gái trẻ, đầy ước mơ, hoài bão, không thể gục ngã. Cô tìm đến cộng đồng người Việt ở New York để học hỏi và tìm kiếm sự giúp đỡ.
Gặp được quý nhân
Sau thời gian khó khăn, mọi chuyện dần ổn hơn, Như tìm được một công việc với mức lương không cao nhưng ổn định, đủ để cô có thể trang trải cuộc sống, chuẩn bị cho những mục tiêu tiếp theo.
“Mỗi ngày tôi thức dậy từ 6 giờ sáng, tham gia một lớp dạy tiếng Anh, sau đó đi làm tới 2 giờ sáng hôm sau, có hôm nhỡ tàu, về đến nhà thì đã 3 - 4 giờ sáng. Cuộc sống cứ quay cuồng như vậy, ngày này qua ngày khác, mệt nhưng những cơ hội đã dần hiện ra trước mắt tôi”, Tôn Như kể lại.
Qua những cuộc gặp gỡ, cô đã tìm thấy những “quý nhân” làm thay đổi cuộc đời mình. Đầu tiên là bà A.T Nguyen và ông Robert P Pollock - từng là CEO của Assurant, 1 trong 500 công ty có doanh thu lớn nhất nước Mỹ, theo Fortune. Cả hai đều là những người tốt bụng, hay làm từ thiện và giúp đỡ những bạn trẻ có khát khao khởi nghiệp.
![]() |
Nhà hàng Cơm Tấm Ninh Kiều |
Năm 2016, A.T và Robert giới thiệu Như cho Chip Charles Seelig - một “già gân” từng có 17 năm kinh nghiệm làm việc tại vị trí Managing Director cho Goldman Sachs (một ngân hàng đa quốc gia tại New York). Chip lúc đó cũng là chủ của The Seelig Group - công ty sản xuất nhiều bộ phim nổi tiếng như The Shape of Water, Three Billoards Outside Ebbing, Gone girl, Xmen…
Việc liên tục gặp gỡ, được giúp đỡ, học hỏi từ những người đầy trí tuệ, tài năng và nhân ái đã mở ra hướng đi mới cho Như. Các mối quan hệ mới cũng giúp cô thức tỉnh, tự tin hơn, biết chắc chắn mình muốn gì và phải làm gì để viết tiếp ước mơ tại vùng đất bên kia đại dương.
Chinh phục nước Mỹ
Cuối năm 2017, sau gần 5 năm lưu lạc nước Mỹ, trải nghiệm đủ nghề, tích lũy đủ kinh nghiệm, tiền bạc và tìm được người bạn đời của mình, Như bắt tay vào khởi nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng.
Như chia sẻ, nhận thấy tiềm năng của đồ ăn Việt tại Mỹ, vợ chồng cô đã quyết định mua lại một nhà hàng vắng khách tại quận Bronx để thực hiện ý tưởng của mình. Để khởi nghiệp ở Mỹ, trước hết phải nắm vững luật, vì vậy, cô và chồng đã tìm hiểu và thuê cố vấn luật riêng.
Những món ăn thuần Việt đẹp mắt, giàu hương vị, bổ dưỡng nhanh chóng gây tiếng vang cho người bản địa và khách du lịch tại New York. Bên cạnh 95% menu phục vụ món ăn truyền thống, 5% menu được Như dành cho các món mới, để các đầu bếp thử những ý tưởng sáng tạo.
![]() |
“Phở và bánh mì đương nhiên là món ăn Việt Nam nổi tiếng nhất ở Mỹ, nhưng có những ngày bún bò Huế và cơm tấm còn đắt khách hơn. Khách nước ngoài nhiều người cũng rất thích thịt kho tộ, bún mắm, mắm ruốc, mắm nêm… Ẩm thực luôn là sợi dây kết nối mọi người, vượt qua rào cản ngôn ngữ, quốc gia”, Như vui vẻ nói.
Nhờ chất liệu rất riêng, chỉ sau hơn 1 năm, nhà hàng Việt mang tên Cơm tấm Ninh Kiều của Tôn Như đã trở thành một tên tuổi có chỗ đứng vững chắc tại thành phố New York, lọt top 5 nhà hàng Việt tốt nhất New York, theo Machelin Guide và top 1 Vietnamese restaurant, do Eater New York bình chọn.
Những thành công hiện tại, theo Như, chính là kết quả của những chuyến hành trình lưu lạc nhiều năm trên đất Mỹ. Việc trải qua nhiều vị trí khi đi làm phục vụ giúp cô hiểu được từng vị trí, từng khó khăn của nhân viên để kịp thời có sự điều chỉnh, đồng thời, có đủ kinh nghiệp để quản lý, tương tác với khách hàng.
Như cùng chồng đang trong quá trình chuẩn bị mở nhà hàng thứ hai. Cùng với Cơm tấm Ninh Kiều, nhiều cửa hàng ẩm thực Việt cũng đang xuất hiện tại New York và nhiều bang nước Mỹ, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhưng với Như, cơ hội và thách thức luôn song hành, may mắn sẽ mỉm cười với những người làm tốt hơn, chẳng có gì phải lo lắng.
Hưng Nguyên