Xuất thân từ vùng đất thuần nông, mỗi lần về quê, Liêm lại thấy người nông dân chân lấm, tay bùn, làm rất nhiều nhưng thu chẳng được bao nhiêu. Rồi công nghiệp hóa xuất hiện, nhiều người không thiết tha với sản xuất nông nghiệp, thanh niên trẻ đi làm công nhân, ở nhà chỉ còn người già gắn với ruộng đồng một cách cầm cự. Nhiều diện tích đất bồi, đất bãi ngày xưa là cả cánh đồng xanh ngút ngát giờ vụ trồng, vụ bỏ.
Vừa tiếc, vừa nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng “khát” thực phẩm sạch nhưng không biết tìm mua ở đâu, Liêm quyết định bỏ việc về nhà làm trang trại.
Dấn thân để thử sức
Năm 2015, Liêm từ bỏ mức lương 10 triệu đồng tại một công ty chế biến nông sản, thực phẩm để về quê phát triển sự nghiệp, làm chủ chính mình. Quyết định đó khiến gia đình và bạn bè không khỏi lo ngại. Nhưng theo Liêm “chưa dấn thân, thì chưa biết sức mình”.
Anh bắt đầu khai phá lại khu trang trại hơn 1,3 ha của gia đình, trong đó chủ yếu là những dãy chuồng cũ kỹ, ẩm thấp mà nhiều năm trước gia đình dùng để chăn nuôi bò sữa. Sau gần 1 năm đầu tư, thuê máy móc cải tạo, dùng chế phẩm sinh học để xử lý đất, Liêm chia thành 3 khu sản xuất: Ao vừa nuôi cá vừa trữ nước tưới rau; chuồng trại chăn nuôi bò, gà và phần lớn diện tích trồng rau sạch.
Dù đã có kiến thức về nông nghiệp, nhưng khi mới bắt tay vào làm Liêm vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thử nghiệm các loại cây trồng. Một phần do chưa quen với các giống mới, phần khác vì chưa có nhiều trải nghiệm thực tế. Do vậy, thu nhập từ những lứa rau đầu tiên cũng chỉ đủ để trả tiền giống.
Không nản chí, năm 2017 Liêm huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hơn 700 m2 nhà lưới, trồng 2.200 cây cà chua, hơn 3.000 cây dưa chuột, dưa lê trái vụ và một số loại cây ăn quả như bầu, bí. Cùng lúc, Liêm đứng ra vận động thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh, quy tụ 7 thành viên trong thôn nhằm liên kết sức mạnh các hộ dân.
“Nếu cứ mạnh ai nấy làm riêng lẻ sẽ rất khó khăn trong quá trình chăm sóc cũng như đầu ra sản phẩm. Khi tham gia mô hình HTX sẽ nâng cao tính tương trợ, giảm bớt những nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời có cơ hội tiếp cận ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo hướng hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập”, Liêm chia sẻ.
Giám đốc Nguyễn Thanh Liêm chăm sóc vườn cà chua |
Mô hình công nghệ cao
Do được áp dụng phương pháp trồng rau theo mô hình công nghệ cao (CNC), rau của HTX trồng hoàn toàn không dùng bất cứ loại thuốc hóa học nào, chỉ dùng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học, phòng bệnh cho rau cũng bằng biện pháp sinh học.
Mỗi tuần, Liêm phun các chủng vi sinh vào đất một lần, các sinh vật siêu nhỏ này đẩy nhanh quá trình tự phân giải trong đất, giúp đất màu mỡ hơn. Tuy nhiên, việc trồng rau CNC mất nhiều công sức hơn. Với phương châm làm nông nghiệp CNC, Liêm huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng trang trại, xây dựng 2 khu nhà màng, đồng thời nhập hệ thống tưới nước nhỏ giọt để phục vụ sản xuất.
Kỹ thuật tưới nhỏ giọt được Liêm đưa vào áp dụng, giảm 30 - 50% chi phí so với phương pháp tưới truyền thống. Hệ thống này có thể kiểm soát độ ẩm của đất giúp cây trồng phát triển tốt nhất.
Cùng với đó, Liêm tích cực thu thập những giống rau tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để trồng thử nghiệm. Đến nay, mô hình của anh đa dạng hóa các giống cây, cho chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách làm thông thường.
Hiện tại, sản lượng rau, quả sạch của HTX chỉ đủ đáp ứng cho khách quen và người dân trong vùng. Ngoài rau sạch, HTX còn trồng 200 cây bưởi Diễn và một số loại cây ăn quả; nuôi 10 con bò sinh sản, cứ 7 - 8 tháng xuất chuồng 1 con giống, với giá bán 15 triệu đồng/con.
Hoàng Lê