Cách đây tròn 10 năm, khó khăn ập đến với gia đình ông Đinh Văn Phước (làng Đê Tur, xã Đăk Djrăng) khi 2 ha diện tích trồng hồ tiêu chết vì bệnh, phải phá bỏ. Nhưng cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra, nhờ không ngừng học hỏi, ông Phước tìm được hướng đi mới với cây mắc ca.
Linh hoạt chuyển đổi
Nhớ lại thời điểm khó khăn 10 năm trước, ông Phước chia sẻ ông chỉ buồn trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng vực dậy tinh thần. Nhận thấy cây hồ tiêu không còn thích hợp, ông quyết tâm tìm hướng đi mới với một cây trồng tiềm năng hơn là mắc ca.
“Sau khi tìm hiểu, tôi lặn lội sang tận Đắk Lắk, tìm đến những vùng trồng mắc ca lớn để học hỏi kinh nghiệm, kết nối đầu mối cả về giống, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm. Sau đó mua 300 cây giống về trồng”, ông Phước kể.
Chuyển đổi sang những cây trồng mới như chanh dây, mắc ca... đang giúp nông dân Mang Yang nâng cao giá trị kinh tế (Ảnh: BGL). |
Sau 4 năm không ngừng nỗ lực với loại cây trồng mới, năm 2018, vườn mắc ca bắt đầu cho thu hoạch những trái đầu tiên. Ông Phước cũng nhanh chóng nhận ra, với địa thế, thổ nhưỡng trên khu vườn của gia đình, cây mắc ca cho giá trị cao hơn hẳn cây hồ tiêu truyền thống.
Cụ thể, theo ông Phước, bình quân, 1 cây mắc ca thu được 12 kg quả tươi. Sau khi thu hoạch, tiến hành bóc vỏ bán cho thương lái với giá 82-85 ngàn đồng/kg. Năm 2023, mỗi cây mắc ca cho thu nhập 1-1,2 triệu đồng, gia đình ông Phước thu về 300 triệu đồng, chưa tính nguồn thu từ cà phê (xen canh trong vườn mắc ca).
Một điều dễ thấy là trong những năm qua, với sự đồng hành của địa phương, nhiều nông dân trên địa bàn xã Đăk Djrăng nói riêng, huyện Mang Yang nói chung, đang tích cực chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả, thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như mắc ca, sầu riêng, chanh dây, cây ăn quả… qua đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đáng chú ý, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các HTX, tổ hợp tác đang nổi lên như những lá cờ đầu, dẫn dắt nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với công nghệ cao, hình thành chuỗi, tăng hàm lượng chế biến, giảm xuất thô, nâng cao giá trị canh tác trên cùng một diện tích.
Thúc đẩy chế biến
Một trong những điển hình dẫn dắt thành viên, nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật là HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đăk TaLey) với mô hình trồng chanh dây.
Ông Hoàng Long Quân là một trong số những hộ nông dân đầu tiên mạnh dạn và đặt niềm tin khi tham gia mô hình liên kết trồng chanh dây của HTX Hùng Thơm Gia Lai. Từ năm 2019, sau khi được cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cây chanh dây của gia đình phát triển rất tốt. Không những thế, vườn chanh còn được HTX bao tiêu sản phẩm với giá cao nên kinh tế gia đình được cải thiện.
“Hiện, gia đình có 2.000 gốc chanh dây, hàng năm thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Để đạt được điều này, gia đình tôi phải thực hiện nghiêm túc chế độ chăm sóc chanh dây theo chỉ dẫn của HTX, chủ yếu sử dụng phân chuồng để sản xuất theo hướng hữu cơ. Chính vì vậy, chanh dây luôn được HTX thu mua với giá rất cao”, ông Quân chia sẻ.
Để nâng cao sức cạnh tranh, các HTX, nông dân trên địa bàn Mang Yang đang đẩy mạnh chế biến (Ảnh: BGL). |
Được biết, những năm qua, HTX Hùng Thơm Gia Lai đã liên kết với hơn 150 hộ dân trên địa bàn các huyện Mang Yang, Đăk Pơ, Kbang, Chư Prông… sản xuất hơn 300ha chanh dây. Trong đó, khoảng 80ha chanh dây đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Để nâng cao giá trị sản xuất, HTX đã đầu tư máy móc, công nghệ mới về bảo quản, kho lạnh, để tạo ra 15 dòng sản phẩm chế biến như chanh dây quả tươi, tinh cốt chanh dây, bột chanh dây, chanh dây sấy dẻo, trà detox chanh dây, ruột chanh dây cấp đông, tinh dầu hương chanh dây, tinh dầu hạt chanh dây, nến chanh dây, viên chanh dây sấy đông khô, viên chanh dây mix vị (gồm vị sữa, trà, dâu, phô mai, chocolate), hạt chanh dây sấy khô, salad chanh dây, sốt chanh dây…
“Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, chỉ có đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ mới giúp các HTX, nông dân giải được bài toán thị trường, nâng cao giá trị canh tác, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Hiện, các sản phẩm chế biến từ chanh dây của HTX đang được khách hàng tin dùng, một số dùng trực tiếp, một số làm nguyên liệu chế biến bánh kẹo, món ăn”, bà Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX Hùng Thơm Gia Lai cho hay.
Thời gian tới, HTX dự kiến tiếp tục mở rộng kênh bán hàng thương mại điện tử trong nước và quốc tế, đăng ký cấp chứng nhận ISO 22000:2018, chuyển đổi số trong công tác quản lý, thông tin minh bạch từ nguồn gốc canh tác đến đóng gói xuất nhập khẩu, cũng như thông tin phản hồi của người tiêu dùng.
Thêm chính sách hỗ trợ
Có thể thấy, các HTX, tổ hợp tác đang đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao ở Mang Yang.
Thời gian qua, huyện Mang Yang cũng đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình kinh tế hợp tác, HTX phát triển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động.
Cụ thể, theo lãnh đạo phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Mang Yang, để hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2021-2025, huyện đã chỉ đạo rà soát nhu cầu đăng ký hỗ trợ của các HTX như xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế-chế biến và mua sắm trang-thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho các thành viên HTX.
Bên cạnh đó, các HTX đã có nhiều nỗ lực, tìm ra hướng đi phù hợp, phát triển, tạo doanh thu, giải quyết lao động và sản phẩm đầu ra của thành viên. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là cơ hội tốt để các chủ thể sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường và có thêm động lực để phát triển.
Không chỉ với khu vực kinh tế hợp tác, HTX, phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng cũng đang là định hướng chung của toàn ngành nông nghiệp huyện Mang Yang.
Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất nâng cao năng suất và giá trị. Mục tiêu lớn là hình thành, phát triển các vùng sản xuất, xuất khẩu cây ăn quả tập trung tại các xã: Đak Ta Ley, Đăk Yă, Lơ Pang, Kon Thụp, Kon Chiêng và vùng sản xuất cây dược liệu ở các xã: Đak Jơ Ta, Hra, Lơ Pang, Kon Thụp, Đê Ar, Đăk Trôi, Kon Chiêng.
Lệ Chi