Trong những năm gần đây, tỉnh Thái Bình đã xây dựng và phát triển được những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản xuất, đa dạng cây trồng.
Hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học công nghệ
Tập trung vào trồng dược liệu nhưng HTX Dược liệu Vân Đài (xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà) đã thu được những thành quả không nhỏ nhờ ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo quy trình hữu cơ.
Đặc biệt, từ các khâu sản xuất như tưới nước, bón phân đến quản lý các hoạt động sản xuất hiện đã được HTX đồng bộ trên điện thoại thông minh. Ông Đặng Quang Chiêm, Giám đốc HTX cho biết ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp HTX nâng cao năng suất, có thể phát triển được 6 ha mà giảm tối đa công lao động. Từ đây, HTX có thể tổ chức liên kết với các HTX trong huyện để hỗ trợ giống cho người dân trong vùng trồng dược liệu, sau đó thu mua nguyên liệu cho bà con.
HTX dược liệu Vân Đài là một trong 70 mô hình chuyển giao khoa học công nghệ hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Ngoài dược liệu, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ, chuyển giao giống mới, quy trình canh tác tiên tiến trên cây lúa, rau màu cũng có sự tham gia của các HTX.
Điển hình như HTX Nông trại hữu cơ Thái Bình (thôn Vĩnh Bảo, xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà) ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Diện tích gần 20.000m2 được HTX quy hoạch thành 3 vùng tại cánh đồng thôn Vĩnh Bảo để trồng nấm, nuôi gà, trồng rau màu theo mùa và cây ăn quả.
Thay vì phải thuê cả chục lao động, nhờ mọi hoạt động đều có thể điều khiển từ xa ở các khâu bón phân, tưới nước, HTX đã tiết giảm được nhiều chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm cũng dần được số hóa nhờ các trang thương mại điện tử nên giá trị sản phẩm cũng tăng cao hơn so với trước. Doanh thu hàng năm của HTX đạt gần 10 tỷ đồng.
Để có những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như trên, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đã tích cực hỗ trợ các HTX tham gia các dự án và thực hiện chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ, nhất là các đề tài, dự án thử nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp an toàn, VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, quy trình sản xuất lúa giảm phát thải nhà kính....
Việc triển khai mô hình này đã góp phần lan tỏa phong trào phát triển kinh tế tập thể, HTX, từ đó giúp người dân làm giàu. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ giúp Thái Bình từ vùng đất chuyên canh lúa với diện tích hàng năm khoảng 76.200ha nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chỉ 1,2 sào Bắc bộ/đầu người nay đã phát triển được 2.600 đại điền, quy mô lớn. Theo đó, hộ nhỏ nhất sản xuất đã có quy mô 2ha, hộ lớn có quy mô từ 40ha. Tỉnh cũng đã thành lập câu lạc bộ đại điền để hỗ trợ người dân, HTX ứng dụng công nghệ.
Cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, sở hữu trí tuệ,...
Ứng dụng khoa học công nghệ mở ra nhiều triển vọng tích cực cho HTX nông nghiệp. |
Kết quả, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện 11 đề tài, dự án. Thông qua việc triển khai các đề tài, dự án, nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ mới đã được hướng dẫn, chuyển giao đến các HTX như: Công nghệ tưới phun mưa cho cây chè; kỹ thuật phục tráng, sản xuất lạc giống đối với giống lạc L14; kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống chè mới (VN15, Hương Bắc Sơn,...), Na dai, Lê nâu, Hồng ngâm Xuân Vân,...
Đặc biệt, nhiều HTX đã được hỗ trợ về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm như: Bưởi Soi Hà Yên Sơn, Chè Shan tuyết Na Hang, Rượu ngô men lá Na Hang,...
Ông Tô Văn Vinh, thành viên HTX trái cây hữu cơ Phúc Ninh (Tuyên Quang), cho rằng việc tỉnh cho phép HTX sử dụng tên địa danh để đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý theo quy định giúp cho các chủ thể sản xuất kinh doanh nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.
Ứng dụng công nghệ là tất yếu
Trước tình trạng biến đổi khí hậu và khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, việc nông dân, HTX ứng dụng công nghệ vào sản xuất được coi là hướng thích nghi phù hợp, nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp và tăng khả năng thích ứng với tự nhiên.
Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) cho rằng hiện nay, các HTX, tổ hợp tác trên cả nước đang tăng nhanh về số lượng, song phần lớn các tổ chức kinh tế tập thể có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Đáng chú ý, dù thu nhập của người nông dân trong thời gian gần đây đã tăng hơn nhưng so với khu vực công nghiệp vẫn còn chênh lệch khá lớn. Chính vì vậy, để giải quyết được bài toán này chỉ có giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất quy mô lớn, xây dựng các chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra cho các HTX, tổ hợp tác.
Về vai trò của ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp, anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp số (Bình Phước) khẳng định, chỉ có công nghệ thông minh, tiến tiến mới giúp người làm nông nghiệp giảm chi phí, sản xuất minh bạch theo các quy trình. Cũng chỉ có công nghệ mới giúp các doanh nghiệp có thể truy xuất và tìm hiểu được quy trình sản xuất của HTX từ xa, từ đó tạo lòng tin với đối tác, khách hàng.
Có thể thấy, ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh là con đường tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Chỉ có ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại mới phát triển được nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Ứng dụng công nghệ sẽ giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp, giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của khoa học, qua đó giúp người làm nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao đời sống của người dân, thành viên HTX.
Hiện nay, nông dân, HTX rất quan tâm vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, không ít nông dân, HTX còn gặp những hạn chế trong tiếp cận cũng như ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Anh Đặng Dương Minh Hoàng cho rằng rào cản đối với nông dân, HTX trong ứng dụng công nghệ chính là nguồn vốn đầu tư lớn nên không phải người nông dân hay HTX nào cũng có điều kiện đầu tư công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Điều này cũng tạo tâm lý e ngại, chưa tự tin ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất của không ít nông dân, HTX.
Thêm cơ hội ứng dụng công nghệ
Hiệu quả kinh tế mang lại từ áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, để giải quyết được bài toán cho người nông dân, HTX sẵn sàng tiếp cận và ứng dụng được khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thì bên cạnh giải pháp mang tính vĩ mô về chính sách đột phá cho nông nghiệp, rất cần có đủ nguồn lực và có cơ chế đặc thù về đầu tư, khuyến khích cho nông dân, HTX phát triển khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng kinh tế tập thể, HTX là nhân tố quan trọng để gắn kết và xây dựng nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp. Vì vậy, rất cần những chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể, HTX phát triển, cùng với đó là chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo chuyên gia này, cần phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Giải pháp này không chỉ đẩy nhanh, quyết định tính hiệu quả của quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, mà còn nâng cao trách nhiệm quản lý của hệ thống chính quyền các cấp, đặc biệt gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành chuyên môn và đội ngũ cán bộ chuyên trách trong quản lý, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện.
Đồng thời, cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết bền vững, nhằm mở ra các cơ hội ứng dụng khoa học vào cuộc sống. Đây là giải pháp có vị trí quan trọng, góp phần giúp các HTX đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh một cách toàn diện, đồng bộ, từ đó tạo nền tảng để kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Tùng Lâm