Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất và dịch vụ Đa Phúc khẳng định, việc chủ động ứng dụng khoa học công nghệ giúp HTX nhanh chóng cải thiện chất lượng dịch vụ và đạt doanh thu trên 17 tỷ đồng mỗi năm.
Chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ số
Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX sản xuất và dịch vụ Đa Phúc đã thực hiện mô hình kinh doanh kiểu mới gồm nhiều dịch vụ như: thuỷ lợi, điện nông thôn, khuyến nông, quỹ đất, quản lý chợ Thầy…
Công nhân của HTX thường xuyên kiểm tra và tiến hành thay công tơ điện mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ điện tới người dân. |
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất và dịch vụ Đa Phúc (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, HTX đóng vai trò là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ sản xuất. Tuy nhiên, sản lượng và doanh thu của nhiều dịch vụ lúc mới chuyển đổi không đạt được như kỳ vọng.
“Hiệu quả của sản xuất chưa cao khiến tôi lo lắng và đặt quyết tâm phải thay đổi. Không nản chí, tôi cùng các anh em trong HĐQT đã chủ động tìm hiểu, học hỏi và mạnh dạn đầu tư trang thiết bị mới, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Hưng nói.
Từ đó, quá trình ứng dụng chuyển đổi công nghệ số được triển khai trên tất cả các loại hình dịch vụ kinh doanh của HTX, từ những khâu nhỏ đến khâu lớn nhất.
Dịch vụ điện đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong các hoạt động sản xuất của HTX nên được ưu tiên bổ sung nhiều trang thiết bị mới như: quần áo chống giật, hệ thống dây cáp điện, công tơ điện, hệ thống xe nâng…, các thiết bị này đều đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu của ngành điện.
Đặc biệt, HTX còn tiến hành thay mới hệ thống công tơ điện bằng loại đồng hồ điện tử mới nhất có 2 bộ nhớ: Bộ nhớ 1 được sử dụng để lưu trữ các chỉ số điện năng tiêu thụ do công ty điện lực cung cấp. Bộ nhớ 2 thực hiện nhiệm vụ lưu trữ các chỉ số điện năng từ hệ thống lưới điện năng lượng mặt trời đã được lắp đặt trước đó. Nhờ vậy, giúp tăng tuổi thọ đồng hồ và tính chỉ số điện năng chính xác hơn cho người dân.
Đồng thời, HTX đã ứng dụng các công nghệ phần mềm mới vào quản lý và khai thác điện như: phần mềm kế toán, phần mềm quản lý điều hành, kinh doanh điện, tích hợp chốt chỉ số công tơ, tính tiền điện, thông tin thanh toán tiền điện qua tin nhắn, thanh toán tiền điện qua tài khoản điện thoại và quản lý tài sản lưới điện hạ áp qua định vị Google, phần mềm thuế điện tử. Qua đó giúp công tác quản lý điện của HTX dễ dàng, thuận tiện và chính xác hơn.
Trong sản xuất nông nghiệp, HTX Đa Phúc cũng đã đưa vào thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái (UAV) phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các thành viên.
“Trước xu thế công nghệ hóa trong nông nghiệp, việc áp dụng hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái đã cho thấy được nhiều tiện ích. Với sự hỗ trợ của máy bay trong canh tác cây trồng giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, thuốc bảo vệ thực vật và quan trọng nhất là giúp bảo đảm an toàn lao động cho người nông dân tốt hơn do không phải trực tiếp phun thuốc”, ông Hưng đánh giá.
Hiệu quả từ đầu tư đúng hướng
Những trang thiết bị công nghệ mới được đưa vào hoạt động đã nhanh chóng giúp HTX Đa Phúc khai thác tối đa năng suất và chất lượng dịch vụ, mang về doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài mô hình lúa cá, đất hoang hóa còn được tận dụng trồng cây ăn quả, nhờ đó đã tạo thêm việc làm và thu nhập cho các thành viên HTX. |
Năm 2022, dịch vụ điện của HTX Đa Phúc được đảm bảo, tổn thất điện năng giảm, doanh thu 11 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2021. Mô hình lúa cá ở những khu ruộng ngập nước đã khai thác được 40 ha trên tổng 60,3 ha, tăng gấp đôi so với năm 2021 và cho doanh thu 6 tỷ đồng.
Với mô hình kinh doanh đa dạng đã tạo thêm nhiều việc làm, cùng mức thu nhập ổn định cho các thành viên HTX. Trung bình mỗi thành viên có mức thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, HTX luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của thành viên, thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động thường xuyên tại HTX, thành lập công đoàn, thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, cán bộ và người lao động.
Là cán bộ quản lý kỹ thuật điện của HTX, anh Phạm Xuân Sửu, thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn chia sẻ: “Nhằm bảo vệ sức khỏe cho các thành viên và người lao động, HTX luôn quan tâm, trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ trong lao động. Những quy định bảo đảm an toàn như che chắn các bộ phận chuyển động của máy, quy tắc vận hành đều được dán trên thân máy hướng dẫn để người lao động nắm được”.
Đáng chú ý, sự phát triển của HTX Đa Phúc đang góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. HTX Đa Phúc được đánh giá là mô hình HTX kiểu mới cần được nhân rộng để các HTX trong và ngoài TP. Hà Nội học tập và trao đổi kinh nghiệm.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Hưng thông tin, thời gian tới, HTX tiếp tục đặt mục tiêu nâng cấp và ứng dụng thêm những phần mềm mới trong quản lý điều hành dịch vụ điện, nông nghiệp, thuỷ nông để giảm thiểu tối đa điều hành hoạt động dịch vụ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
“Năm 2023, HTX Đa Phúc sẽ cố gắng đầu tư phần mềm quản lý 4.0 quản lý hệ thống thủy nông. Đặc biệt là không ngừng thay đổi phương pháp quản lý, điều hành các khâu dịch vụ như điện, chợ… Tổ chức nhiều lớp tập huấn, tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật”, ông Hưng chia sẻ.
Và để đáp ứng nguyện vọng của các thành viên, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp tại xã Sài Sơn, HTX mong muốn các cấp tạo điều kiện cho HTX được đăng ký kê khai làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX TP. Hà Nội từ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ đến hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn để mở rộng và phát triển mô hình kinh doanh của HTX”, ông Hưng bày tỏ.
Đức Quang