Áp dụng công nghệ trong nuôi trồng
HTX Nấm, Đông trùng Hạ thảo BioFine được thành lập từ năm 2013 với mục đích ban đầu là áp dụng công nghệ để sản xuất đông trùng hạ thảo, một loại thảo dược quý hiếm, đắt đỏ được nhiều người yêu thích.
Hiện nay, HTX có tổng 8 thành viên đều là người lao động của HTX với quy mô diện tích khoảng 7.200 m2. Các sản phẩm chính là đông trùng hạ thảo, nấm sò và mộc nhĩ..
Giám đốc Nguyễn Huy Chiều kể, từ năm 2020, nhận thấy đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý, hiệu quả kinh tế cao nhưng lại khó nuôi trồng, HTX đã đầu tư dây chuyền thiết bị, máy móc kỹ thuật nuôi trồng đông trùng hạ thảo khép kín.
Thời gian đầu, anh Chiều đã tìm kiếm và học hỏi nghiên cứu áp dụng công nghệ cho sản phẩm đông trùng hạ thảo sao cho tạo ra được sản phẩm chất lượng với giá cả bình dân hơn giúp nhiều người có thể tiếp cận được loại thảo dược này.
Vào thời điểm đó, HTX cung cấp ra thị trường đông trùng hạ thảo ở dạng tươi, khô, dạng bột và ngâm với mật ong. Điểm đặc biệt khác với các sản phẩm khác trên thị trường, sản phẩm đông trùng hạ thảo của BioFine được sấy bằng công nghệ sấy khô thăng hoa, giúp sản phẩm giữ được toàn bộ dưỡng chất và có thể bảo quản lên tới 2 năm.
Anh Chiều cho biết, sản phẩm đông trùng hạ thảo của HTX có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là một thế mạnh và điểm cộng trong mắt khách hàng so với các sản phẩm trôi nổi, không được kiểm định chất lượng trên thị trường. Từ đó, HTX đã tiếp tục nghiên cứu để có thể đưa ra thị trường 2 dòng sản phẩm chế biến là trà và siro đông trùng hạ thảo. Hai dòng sản phẩm này có ưu điểm là tiện lợi khi sử dụng và giá cả phải chăng, giúp nhiều người tiêu dùng được tiếp cận với sản phẩm đông trùng hạ thảo.
Giám đốc Nguyễn Huy Chiều vẫn đau đáu chờ ngày trở lại sản xuất đông trùng hạ thảo với quy mô lớn. |
Nhờ sự nỗ lực, không chùn bước trước thất bại, anh Chiều đã thành công trong việc sản xuất đông trùng hạ thảo tươi và đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của ngành dược. Thời điểm năm 2021, HTX cung cấp ra thị trường trung bình mỗi ngày hơn 1 tạ nấm sò, mộc nhĩ tươi; 3 tháng sản xuất được 6.000 hộp đông trùng hạ thảo tươi. Một số sản phẩm của HTX được UBND TP Hà Nội chứng nhận đạt OCOP 4 sao.
Các sản phẩm trải qua quy trình nuôi trồng đặc biệt với hệ thống công nghệ cao. Trong đó, đông trùng hạ thảo được nuôi cấy, trồng theo 2 phương pháp. Thứ nhất là ở môi trường nhân tạo nhân sinh khối lượng và nuôi đông trùng hạ thảo trực tiếp trên lý chủ là con nhộng tằm với các công nghệ tiên tiến hiện đại nhất. Quá trình nuôi đông trùng hạ thảo, nhà xưởng phải giữ sạch, nhiệt độ duy trì ở 20 độ C; độ ẩm từ 80-90%; hệ thống lọc không khí duy trì đều; thời gian nuôi trồng kéo dài từ 70 - 90 ngày mới thu hoạch.
Để nuôi cấy đông trùng hạ thảo thành công, trước tiên phải chuẩn bị nguyên liệu như gạo lứt, nhộng tằm, nước dừa, các loại vitamin tinh khiết được lựa chọn công phu, đảm bảo chất lượng có nguồn gốc rõ ràng. Các công đoạn phối trộn được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất từ tỷ lệ phối trộn, thời gian hấp, công đoạn cấy phôi phải đảm bảo nhiệt độ môi trường nuôi dưỡng.
Nhờ việc áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, đông trùng hạ thảo do HTX Nấm, Đông trùng Hạ thảo BioFine nuôi cấy phát triển đạt tỷ lệ 80%. Tất cả các quy trình đều được sản xuất cẩn thận sao cho sản phẩm cho ra tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Môi trường nuôi trồng nấm được trang bị dàn vòi tưới nước tự động đảm bảo đủ độ ẩm, dinh dưỡng giúp tạo môi trường cho nấm phát triển.
Ngoài ra, HTX BioFine cũng có hệ thống sấy khô thăng hoa để xử lý các sản phẩm tồn kho giúp bảo quản được lâu hơn tránh gây lãng phí cũng như hư hại.
Ấp ủ "ngày trở lại"
Tuy nhiên, kể từ thời điểm xuất hiện dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của HTX BioFine cũng trở nên khó khăn hơn và mặt hàng đông trùng hạ thảo cũng không còn được sản xuất nhiều như trước. Hiện, HTX chỉ tập trung sản xuất 2 sản phẩm chính là nấm sò và mộc nhĩ tươi; sản phẩm đông trùng hạ thảo được sản xuất cầm chừng.
Hiện, HTX chỉ tập trung sản xuất 2 sản phẩm chính là nấm sò và mộc nhĩ tươi. |
Hai loại sản phẩm này được HTX chăm sóc kỹ không kém so với đông trùng hạ thảo. Chất dinh dưỡng cho nấm được tuyển chọn kỹ càng, cho ra nấm sò trắng, mập, dày mình, mộc nhĩ có màu đẹp, thân dày. Mỗi sản phẩm được sàng lọc và đóng gói theo định lượng cụ thể trước khi đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, ngay cả khi tập trung vào sản xuất nấm sò và mộc nhĩ, nhưng anh Chiều vẫn luôn đau đáu với đam mê sản xuất sản phẩm đông trùng hạ thảo. Anh vẫn luôn ấp ủ mong rằng một ngày khi tình hình kinh tế đã trở về trạng thái ổn định thì anh có thể tiếp tục nghiên cứu và cho ra sản phẩm đông trùng hạ thảo với giá cả phải chăng nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng cho người tiêu dùng.
Anh Chiều cho biết thêm, hiện nay, các mặt hàng nông sản nước ta trong đó có các loại nấm cũng đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh về giá với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ví dụ như đối với loại nấm đùi gà, hàng Việt có giá sỉ ít nhất khoảng 70.000 đồng/ kg nhưng với loại nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ có 35.000 đồng/kg. Đối với mức giá này, hàng nội rất khó để có thể cạnh tranh được mặc dù có lợi thế hơn về chi phí vận chuyển và chất lượng, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng.
Doanh thu của HTX không được ổn định, có năm lợi nhuận thu về khoảng 200 triệu, nhưng cũng có những năm mất mùa không có doanh thu. “Những năm được giá thì mất mùa, ngược lại có những năm được mùa nhưng lại mất giá dẫn đến tình hình của HTX trở nên khó khăn, không ổn định”, anh chia sẻ.
Về việc liên kết với các sàn thương mại điện tử, anh Chiều cho biết, sản phẩm này không phù hợp với các sàn thương mại điện tử cũng như nhu cầu của khách hàng. Nguyên nhân là do sản phẩm nông sản có hạn sử dụng thường rất ngắn ngày, không phù hợp với hình thức kinh doanh online do thời gian vận chuyển có thể gây ảnh hưởng tới sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ có xu hướng đi chợ hay siêu thị để mua tận tay sản phẩm liên quan đến nông sản vì sự nhanh chóng tiện lợi cũng như rõ ràng hơn về nguồn gốc.
Trước đây, anh Chiều cũng đã từng sản xuất kết hợp kinh doanh trên một sàn thương mại điện tử nhưng không có kết quả, nên các sản phẩm của HTX đến nay chỉ tập trung giao cho các chợ đầu mối…
Theo các chuyên gia, để giải quyết được những vấn đề này cần có các giải pháp hỗ trợ từ các bộ, ngành nông nghiệp. Trong đó, cần phát triển khâu chế biến để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm; xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường.
Đặc biệt, công nghệ cũng là một giải pháp quan trọng giúp tăng giá trị cũng như nâng cao thị phần của nông sản Việt Nam nhằm cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Các HTX nên chú ý đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại song song với ứng dụng nền tảng số, công nghệ số vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Đây là một thách thức nhưng cũng là điều kiện để tạo ra năng lực cạnh tranh cho mặt hàng nông sản của HTX.
"HTX nên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp thông minh, quản trị quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản xuất, quy mô hàng hoá", một chuyên gia khuyến cáo.
Uyển Nhi - Phạm Hòa