Cao Lộc nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn với hơn 74km đường biên giới. Với đặc thù của vùng phên dậu, huyện đang đẩy mạnh đổi mới sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, phát huy thế mạnh để xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho người dân.
Phát huy thế mạnh
Nhờ chú trọng vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên, toàn xã Hải Yến đã xây dựng thành công vùng sản xuất trên 100 ha cây ăn quả (mận, hồng không hạt Bảo Lâm), hơn 120 ha hồi…
Điển hình, ông Lương Văn Hiếu, thôn Tồng Liền, trồng cây hồng không hạt Bảo Lâm đã được hơn 13 năm. Từ vài chục cây hồng ban đầu, đến nay, gia đình ông có trên 500 cây hồng, trong đó trên 250 cây đã cho thu hoạch, mỗi năm cho thu hơn 3 tấn quả, đem lại thu nhập trên 50 triệu đồng.
Cùng với cây hồng, gia đình ông Hiếu trồng thêm hơn 500 cây mận, cho thu hơn 4 tấn quả mỗi năm và 2 ha hồi, 5 ha thông cũng đã cho thu hoạch. Bình quân mỗi năm, gia đình thu lời trên 250 triệu đồng.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nông dân Lạng Sơn nâng cao thu nhập (Ảnh: BLS). |
Không chỉ có xã Hải Yến, để nâng cao thu nhập cho nông dân, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Cao Lộc đã và đang tập trung thay đổi nhận thức, chuyển đổi sản xuất từ nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng hàng hóa, trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực.
Đơn cử như ở xã Gia Cát hiện đang có tổng diện tích trên 50 ha rau màu VietGAP, hữu cơ. Nhiều mô hình nằm trên vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Kỳ Cùng đang phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh.
Trong dòng chảy phát triển chung, HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát nổi nên như một điểm sáng trong phát triển sản xuất có ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả vượt trội trên địa bàn xã.
Giám đốc Hoàng Văn Thuận cho hay, HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát hiện đang phát triển các cây trồng chủ lực có giá trị cao như dưa chuột baby, dưa lưới, cải ngồng, măng tây…
Đầu năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ 79 triệu đồng, HTX đối ứng 35 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong nhà lưới áp dụng cho diện tích 5.500 m2. Điểm nổi bật của công nghệ tưới tiết kiệm chính là tiết kiệm nước 30 - 40% so với hình thức tưới thông thường.
Cùng với HTX Gia Cát, không ít hộ trồng rau trên địa bàn xã Gia Cát cũng đang áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, tưới tiết kiệm. Sản xuất sạch, chú trọng khoa học kỹ thuật giúp năng suất rau tại địa phương tăng trên 30% so với canh tác truyền thống.
Đẩy mạnh khoa học kỹ thuật
Cũng giống như ở Cao Lộc, ngành nông nghiệp TP. Lạng Sơn cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, hướng tới sự phát triển bền vững, gia tăng thu nhập cho người dân, HTX.
Điển hình, trong thời gian qua, HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Nam Phú, thôn Chi Mạc, xã Hoàng Đồng, đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình chăn nuôi vịt bầu, từ đó từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.
Anh Hoàng Trọng Xuyên, thành viên HTX, chia sẻ vịt bầu là một trong những vật nuôi thế mạnh ở Hoàng Đồng, nhưng trước đây sản xuất nhỏ lẻ, thiếu khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ bấp bênh nên hiệu quả kinh tế không cao.
Ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn tiếp tục định hướng sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng (Ảnh: BLS). |
Sau khi tham gia vào HTX, anh Xuyên cùng các hộ thành viên được hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, đảm bảo chất lượng con giống, các thành viên trong HTX cũng được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi.
Đến nay, 100% hộ thành viên HTX đang áp dụng đệm lót sinh học, sàn lưới vào chăn nuôi, giúp hạn chế được mùi hôi, khí độc trong chuồng trại, tiết kiệm được sức lao động, giảm thiểu được tỷ lệ mắc bệnh của đàn vịt, hướng đến sản xuất theo hướng an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.
“Nhờ sản xuất khoa học, chất lượng sản phẩm tăng, chúng tôi không còn phải lo về đầu ra. Chỉ tính riêng về cung cấp trứng vịt, trung bình mỗi tháng, gia đình tôi cung cấp cho HTX trên 1.000 quả trứng, đem lại thu nhập ổn định khoảng 6 triệu đồng/tháng”, anh Xuyên phấn khởi nói.
Định hướng đi bền vững
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn đang rất tích cực ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 16 HTX và 1 doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới cho các loại cây ăn quả, rau màu.
Không chỉ có các HTX, doanh nghiệp, các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng đang chủ động đầu tư nâng tầm công nghệ, trong đó có trang bị hệ thống tưới tiết kiệm.
Đơn cử, tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, khoảng 5 năm trở về trước, hầu hết người dân vẫn sử dụng phương pháp tưới nước cho cây ăn quả theo cách truyền thống, mất nhiều thời gian và sức lao động.
Những năm gần đây, từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã hỗ trợ 5 gia đình xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt. Mô hình được đầu tư cho hai loại cây kinh tế thế mạnh của xã là na và cam.
Kết quả thực tế cho thấy việc áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm góp phần tiết kiệm 25 - 30% lượng phân bón, 30 - 50% lượng nước tưới, nhân công lao động và hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất và tăng thu nhập cho các hộ dân áp dụng.
Có thể thấy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu nhằm tạo ra những đột phá mới, bảo đảm nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao. Theo đó, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, công nghệ khí canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho các sản phẩm nông sản đã được đẩy mạnh.
Trong thời gian tới, tỉnh dự kiến tiếp tục xây dựng và phát huy hiệu quả vùng sản xuất chuyên canh tập trung các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm, trong đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đăng ký nhãn hiệu tập thể, nâng tầm giá trị nông sản của tỉnh…
Mỹ Chí