Bình Tịnh là xã thuần nông, cây lúa vốn là cây chủ lực trong nhiều năm trước. Tuy nhiên, thời gian qua, chủ trương chuyển đổi sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, thích ứng biến đổi khí hậu, được nông dân địa phương tích cực thực hiện, trong đó thanh long là cây trồng được nhiều người lựa chọn.
“Ép” cây ra quả trái vụ
Ông Ngô Văn Nhàn, ngụ ấp Bình Điện, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu nhờ chuyển đổi 1,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ ứng dụng công nghệ cao.
Ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân Bình Tịnh gia tăng giá trị sản xuất (Ảnh TL). |
Ông Nhàn cho hay khi quyết định chuyển đổi mô hình sang trồng thanh long, ông được cán bộ nông nghiệp địa phương tổ chức tập huấn, trang bị kỹ thuật, đồng thời tự học hỏi thêm kinh nghiệm từ sách, báo.
Theo đó, để thanh long ruột đỏ phát triển tốt, năng suất và chất lượng cao, trước khi trồng, gia đình ông Nhàn tiến hành bón lót hỗn hợp phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng, mụn dừa (xơ dừa xay nhỏ),...
Đặc biệt, để tránh tình cảnh “được mùa, mất giá”, ông Nhàn đã ứng dụng kỹ thuật xông đèn để “ép” cây ra quả trái vụ, từ đó thanh long bán được giá, cho thu nhập cao hơn.
Cùng với kỹ thuật xông đèn đòi hỏi trình độ cao, khu trồng thanh long của ông Nhàn hiện cũng được trang bị hệ thống tưới tự động và tưới tiết kiệm, ứng phó biến đổi khí hậu khiến hạn hán thường xuyên xảy ra.
“Nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, vườn thanh long của gia đình tôi luôn đạt năng suất bình quân 18 - 20 tấn/ha/vụ, thu lãi trên 500 triệu đồng/năm”, ông Nhàn phấn khởi nói.
Tương tự, ông Trần Văn Quang, ngụ ấp Bình Hòa, cũng đang thu lãi lớn nhờ ứng dụng trồng thảm hoa mười giờ dưới tán thanh long. Theo ông Quang, sắc hoa rực rỡ đã dẫn dụ thiên địch có lợi cho cây thanh long, qua đó khiến sâu bọ tránh xa, góp phần tiết kiệm chi phí thuốc bảo vệ thực vật.
“Thân mọng nước của hoa mười giờ làm cho vườn thanh long luôn mát mẻ, cây rất hiếm khi bị sâu bệnh, trái to đẹp hơn. Thêm nữa, thanh long được đảm bảo độ ẩm nên thời gian ra chồi non kéo dài, giúp tiết kiệm được chi phí xông đèn cho cây ra hoa vụ nghịch”, ông Quang phân tích.
Liên kết nâng cao kỹ thuật
Theo UBND xã Bình Tịnh, việc người trồng thanh long chuyển đổi sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao góp phần cải tạo cảnh quan, mở ra tiềm năng du lịch sinh thái tại địa phương.
Bình Tịnh sẽ đẩy mạnh phát triển mô hình thanh long theo hướng công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị (Ảnh TL). |
Đáng chú ý, cùng với quá trình đổi mới sản xuất, trên địa bàn xã đã xuất hiện các mô hình HTX có hoạt động hiệu quả. Điển hình như HTX thanh long Bình Tịnh, được thành lập vào tháng 11/2019.
Giám đốc Nguyễn Văn Rộ cho biết, HTX được thành lập với mục tiêu tập hợp nông dân cùng tham gia để nâng cao giá trị trái thanh long, gia tăng thu nhập, xây dựng thị trường bền vững.
Đến nay, HTX đã có 19 thành viên với tổng diện tích thanh long trên 17,6 ha. Hầu hết thanh long đều ở giai đoạn 2 - 3 năm tuổi và đang cho thu hoạch trái khỏe nhất.
Với sự tham gia của các HTX, trong thời gian tới, UBND xã Bình Tịnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ban ngành tỉnh, huyện để hỗ trợ người nông dân ứng dụng hiệu quả công nghệ cao vào sản xuất, điển hình như lắp đặt nhà lưới, trang bị hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel,…
Kỹ thuật xông đèn để cây ra quả trái vụ cũng sẽ được xã tập huấn, nâng cao kỹ thuật cho người dân nhằm vừa đảm bảo năng suất, hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo an toàn khi sử dụng điện.
Đặc biệt, xã sẽ phát động nhân rộng mô hình trồng hoa mười giờ dưới tán thanh long nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giúp nông dân có thêm thu nhập ngoài thu hoạch cây trái.
Hưng Nguyên