An Phú là vùng đất thuần nông, với trên 440 ha đất sản xuất. Kể từ sau năm 2010, biến đổi khí hậu khiến nguồn nước tưới khô cạn, hầu hết diện tích đất chỉ sản xuất được một vụ lúa/năm. Trước thực tế đó, nhiều nông dân địa phương đã chủ động chuyển sang trồng rau, củ, quả và hoa theo hướng hàng hóa, ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ mới.
Sản xuất “6 không”
Để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, HTX nông nghiệp dịch vụ An Thịnh Phú, xã An Phú đã đầu tư 3 tỷ đồng để lắp đặt nhà màng, mua sắm máy móc để phục vụ sản xuất rau trên diện tích 3ha.
Các HTX đang là một trong những đầu tàu phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở An Phú (Ảnh TL). |
Ông Phạm Được, thành viên HTX, cho hay khu vực nhà màng có mái lợp bằng nilon giúp quá trình sản xuất của HTX không bị phụ thuộc vào thời tiết. Thành viên HTX có thể sản xuất liên tục không kể mùa mưa hay mùa nắng và có thể trồng rau trái vụ để nâng cao giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, HTX đã đầu tư lắp đặt hệ thống quạt gió và điện chiếu sáng trong nhà màng. Ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, bón phân qua hệ thống tưới.
“HTX là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Gia Lai sản xuất rau công nghệ cao theo tiêu chuẩn “6 không” gồm: không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không kích thích sinh trưởng và không chất bảo quản”, ông Được nhấn mạnh.
Nhờ sử dụng công nghệ tiên tiến kết hợp với quy trình chăm sóc cây trồng sạch và tự nhiên, sản phẩm được tạo ra không những bảo đảm chất lượng, đạt chuẩn mà còn tiết kiệm nhân lực, công sức.
Theo ban giám đốc HTX, đầu tư sản xuất theo công nghệ cao ban đầu chi phí rất cao. Chẳng hạn như mô hình nhà có mái che, đầu tư khung sắt, vật liệu ban đầu phải mất tiền tỷ. Nhưng đổi lại, HTX có thể sử dụng được trong 5 - 6 năm nên về lâu dài lại mang lại nhiều giá trị vì phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Đẩy mạnh hỗ trợ
Không chỉ có các HTX, các hộ sản xuất trên địa bàn xã An Phú cũng đang phát triển mạnh mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như mô hình trồng ổi VietGAP, ứng dụng tưới tiết kiệm, của gia đình bà Vũ Thị Huyền, thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm.
An Phú đặt mục tiêu trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh TL). |
Theo bà Huyền, năm 2015, khi giá cà phê xuống thấp, gia đình bà quyết định chuyển đổi sang trồng 1,3 ha cây ăn quả, trong đó ổi là cây chủ lực, có đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Kể từ năm 2019, sản lượng ổi của gia đình bà đạt trên 20 tấn/năm.
Đại diện Phòng Kinh tế TP. Pleiku cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã An Phú trong thời gian qua đã tạo hiệu ứng tốt, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn xã đang cho năng suất cao gấp 1,5 - 3 lần so với canh tác theo lối truyền thống, giá trị bình quân đạt trên 230 triệu đồng/ha/năm. Điều quan trọng là đã tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức của nông dân, giúp người dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, làm giàu chính đáng.
Để tiếp tục khai thác thế mạnh nông nghiệp trên địa bàn xã An Phú, UBND tỉnh đã có Công văn số 1070/UBND-NL chỉ đạo xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao tại cánh đồng An Phú.
Mới đây, các sở, ngành liên quan cùng chính quyền xã An Phú cũng đã khảo sát thực tế về sản xuất nông nghiệp và tình hình khô hạn trong những năm gần đây để đánh giá, xây dựng đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại cánh đồng An Phú và vùng lân cận.
Các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, sự tham gia của doanh nghiệp trong việc hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, sẽ là cơ sở để An Phú hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai.
Nhật Minh