HTX Lý Hùng được thành lập từ năm 2014, hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp, với cây rau cần là cây kinh tế chủ lực. Những năm gần đây, để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, bên cạnh rau cần, HTX kết hợp nuôi cá và trồng rau muống.
Sản xuất hiện đại
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc HTX cho biết, HTX được thành lập trên địa bàn xã Hoàng Lương, một địa phương có thế mạnh về sản xuất rau màu chất lượng cao, đặc biệt là rau cần nước hiện có trên 200 ha canh tác, cho doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.
Khu nhà lưới công nghệ cao phục vụ trồng rau cần và rau muống của HTX (Ảnh TL). |
Kể từ năm 2018 đến nay, HTX Lý Hùng duy trì diện tích sản xuất 5 – 6 ha trồng rau cần, thu hoạch 4 – 5 lứa rau/năm, năng suất bình quân đạt 1,5 – 2 tấn/sào/lứa. Với giá bán trung bình 5 - 7 nghìn đồng/kg, người trồng thu lãi 3 - 5 triệu đồng/sào/lứa.
Để nâng cao giá trị sản xuất, những năm qua, HTX đã chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Đặc biệt là sự đầu tư mạnh mẽ cho khoa học - kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới.
Đơn cử, toàn bộ khu trồng rau cần kết hợp với rau muống tiến vua của HTX hiện được bao phủ bởi hệ thống nhà lưới hiện đại, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ thời tiết, hạn chế sâu bệnh, vi sinh vật gây hại, giúp năng suất, chất lượng sản phẩm tăng.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, khu nhà lưới ứng dụng công nghệ cao của HTX được đầu tư từ năm 2019, trên tổng diện tích hơn 2.000 m2, toàn bộ được sản xuất theo quy trình hữu cơ. Đây là một trong những mô hình sản xuất rau cần hữu cơ đầu tiên của huyện Hiệp Hòa.
“Khi áp dụng quy trình hữu cơ trong nhà lưới hiện đại, các loại rau hầu như không chịu tác động tiêu cực của thời tiết, cho thu hoạch sớm hơn so với sản phẩm trồng theo phương thức thông thường ở điều kiện tự nhiên từ 10 - 12 ngày, năng suất tăng 15 – 30%, chất lượng nâng lên đáng kể”, ông Hùng phân tích.
Xây dựng thương hiệu
Với phương thức sản xuất hiện đại, ứng dụng hiệu quả khoa học – công nghệ, đang giúp các thành viên, hộ liên kết của HTX Lý Hùng nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
HTX sẽ chú trọng chế biến, đóng gói để nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm (Ảnh TL). |
Chị Lê Thị An, thành viên liên kết của HTX, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng gần 3 sào cần theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nhờ được HTX bao tiêu, giá cả ổn định, mỗi năm tôi thu về trên 40 triệu đồng. Năm 2021, do chịu tác động của dịch COVID 19, giá rau giảm hơn, nhưng đa phần các hộ sản xuất vẫn có lãi”.
Không chỉ các hộ sản xuất, mô hình trồng rau cần đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Đơn cử với công rửa là 1.000 đồng/kg, ai chăm chỉ mỗi ngày rửa được 4 - 5 tạ, kiếm 400 – 500 nghìn đồng, bình thường trung bình mỗi ngày cũng được 2 - 3 tạ, kiếm 200 – 300 nghìn đồng.
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Văn Hùng, từ năm 2019 đến nay, cùng với việc hoàn thiện quy trình sản xuất, HTX đã chủ động đẩy mạnh khâu sơ chế, đóng gói và bảo quản nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm.
HTX là đơn vị tiên phong trong huyện đầu tư xây dựng kho lạnh với công suất bảo quản trên 100 tấn để xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Nga, Hàn Quốc. Ở trong nước, rau cần của HTX cũng có mặt tại nhiều siêu thị uy tín ở Bắc Ninh, Hà Nội, Bắc Giang…
Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục chú trọng khâu đóng gói, hoàn thiện bao bì, truy xuất nguồn gốc, để nâng cao tính nhận diện, đưa thương hiệu rau cần Hoàng Lương bay xa hơn trên thị trường.
HTX cũng sẽ chủ động liên kết với các công ty, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch để mang về những hợp đồng bao tiêu cố định, đảm bảo thị trường tiêu thụ thuận lợi cho người dân, đồng thời hướng đến nâng cao sản lượng xuất khẩu hàng năm.
Hưng Nguyên