Theo báo cáo của UBND huyện Mộc Châu, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo từ 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 12,74% xuống còn 4,94 % năm 2019, giảm 7,8% so với năm 2016. Bản đặc biệt khó khăn giảm từ 43 bản xuống còn 28 bản, giảm 15 bản so với năm 2017 và xã đặc biệt khó khăn giảm từ 5 xã xuống còn 3 xã.
Có được điều đó là nhờ huyện đã đẩy mạnh định hướng đi đôi với hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Vì Mộc Châu dù có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế nhưng điều kiện địa hình và đời sống của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo hết sức khó khăn, nhất là các hộ nghèo ở vùng sâu vùng xa, biên giới.
Thắp sáng ước mơ thoát nghèo
Theo chính quyền huyện Mộc Châu, mỗi xã, bản có một đặc thù và điều kiện khác nhau nên muốn phát triển kinh tế hay hỗ trợ người dân giảm nghèo thành công thì phải nắm được nguyên nhân đói nghèo ở từng địa phương.
Chính vì vậy, huyện đã tích cực rà soát, lắng nghe nguyện vọng của người dân và nhận thấy nguyên nhân đói nghèo là do: người dân không có đất sản xuất, không biết cách làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng, có nhu cầu vay vốn, nhưng chưa biết cách tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, có lao động nhưng không có việc làm, có đất có lao động song không biết cách làm ăn nên khó có khả năng thoát nghèo.
Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân và phân diện hộ nghèo, huyện nhận thấy, ngoài sự vào cuộc của chính quyền, cần có một đơn vị cụ thể đứng ra hỗ trợ người dân, đồng thời gắn kết người dân với các tổ chức cấp ngành. Và chính mô hình HTX là lựa chọn đầu tiên.
Theo UBND huyện, với vai trò phát triển kinh tế hàng hóa và cũng là một đơn vị có tư cách pháp nhân rõ ràng, việc thành lập và phát triển từng HTX ở mỗi địa phương sẽ là giải pháp cụ thể cho từng nhóm nghèo, đồng thời lan tỏa ý thức giảm nghèo của người dân.
![]() |
HTX Nông nghiệp hữu cơ bản Tự Nhiên tích cực hỗ trợ người dân giảm nghèo nhờ liên kết trồng rau |
Tiêu biểu như mô hình HTX Nông nghiệp hữu cơ bản Tự Nhiên (xã Đông Sang) đã làm tốt vai trò kết nối người dân với chính quyền địa phương. Hàng năm, HTX kết hợp với huyện và các đơn vị liên quan tổ chức mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về năng lực quản lý, kỹ năng quản trị cho đội ngũ quản lý HTX, các thành viên HTX. Những chính sách về vay vốn, phát triển kinh tế xã hội cũng được HTX truyền đạt và hỗ trợ thành viên hiệu qủa. Nhờ đó, thành viên HTX có điều kiện vay vốn mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.
Nhờ đó, doanh thu của HTX đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Đây là bước tiến giúp các thành viên và người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững từ thế mạnh nông nghiệp địa phương.
Chị Nguyễn Thị May, thành viên HTX, cho biết do hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp nên chị quanh quẩn ở nhà và bị cái nghèo đeo bám. Từ khi HTX Nông nghiệp hữu cơ bản Tự Nhiên kết hợp với địa phương mở lớp tập huấn trồng rua, chị đã tham gia và sau này trở thành thành viên HTX. Nhờ liên kết trồng rau bắp cải nên chị mới có cơ hội phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
“Hiện thu nhập từ trồng rau bắp cải là khoảng 170 triệu đồng/năm. Nhờ HTX khuyến khích tôi còn nuôi thêm lợn đẻ nâng cao hiệu qảu kinh tế, tận dụng rau thưa”-chị May cho biết.
Nâng tầm HTX
Tại xã Tân Lập, nhận thấy đây là vùng đất trồng chè nhưng người dân vẫn không đủ sống bằng cây chè, hộ nghèo còn cao nên địa phương đã tạo điều kiện thành lập HTX Sản xuất kinh doanh chè Tân Lập nhằm hỗ trợ người dân sản xuất và chế biến chè theo chuỗi. Ngoài ra, HTX còn tham gia kinh doanh (thu mua chè từ doanh nghiệp khác) để xuất khẩu.
Do đó, người dân từng bước học hỏi phương thức phát triển cây chè đạt tiêu chuẩn và được đào tạo và phổ biến kỹ thuật chăm sóc theo hướng nông nghiệp an toàn. Nhờ đó, sản lượng và chất lượng chè của HTX không ngừng được nâng cao, giúp nâng cao đời sống của người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã trung bình mỗi năm 5%.
Để phát huy vai trò của mô hình HTX trong công tác giảm nghèo, tiếp tục đưa huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,3% vào năm 2025, huyện Mộc Châu tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các HTX hoạt động hiệu quả.
![]() |
Sản phẩm rượu mận của HTX 19/5 |
Huyện Mộc Châu tiếp tục theo dõi, kiểm tra quá trình sản xuất của các HTX trên địa bàn, đồng thời thông qua các chính sách của Trung ương, của tỉnh để hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật, vốn sản xuất, khả năng quản lý, tiêu thụ sản phẩm...
Thực tế đã có những HTX được hỗ trợ và hoạt động hiệu quả như HTX Dịch vụ và Phát triển nông nghiệp 19/5 (thị trấn nông trường Mộc Châu). HTX đã được hỗ trợ xây dựng mô hình vườn mận chín sớm trị giá gần 1 tỷ đồng và xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm để tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Hay như HTX Nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu được hỗ trợ mua và lắp đặt máy in tem truy xuất nguồn gốc, giá trị hơn 100 triệu đồng... để bảo đảm hoạt động sản xuất the chuỗi…
Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp, huyện sẽ tăng cường liên kết với các tổ chức trong và ngoài tỉnh, các dự án của nước ngoài hỗ trợ HTX, người dân về kỹ thuật sản xuất, cho vay vốn, giúp nhiều hộ nông dân được tiếp cận cách làm nông nghiệp an toàn, trở thành các thành viên HTX, tổ hợp tác tại mỗi địa phương để giảm nghèo thực sự bền vững.
Huyền Trang