Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo: "Phải đưa HTX 19/5 trở thành đầu kéo trong kinh tế tập thể tỉnh Sơn La"
............................................
Chiều ngày 12/9, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cùng hơn 100 đại biểu các cấp, ban, ngành đã đến tham quan HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, tỉnh Sơn La.
............................
Đây là hoạt động trước thềm Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”, được tổ chức tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, ngày 13/9.
Trong chuyến đi thực tế, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo ấn tượng trước quy mô và sự phát triển của HTX 19/5.
Ông nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc HTX 19/5 duy trì được mức doanh thu xấp xỉ 400 triệu đồng/ha là điều rất đáng hoan nghênh và tự hào.
Các hoạt động từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ của HTX cũng đang trở thành điển hình có thể nhân rộng, góp phần mở hướng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số.
Trong thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ HTX về đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị, khoa học – kỹ thuật, vốn tín dụng…
“Phải bằng mọi cách duy trì đà tăng trưởng của HTX 19/5, đưa đơn vị trở thành đầu kéo của phong trào phát triển kinh tế tập thể tỉnh Sơn La. Đây cũng là mô hình cần được quan tâm để nhân rộng, đặc biệt tại khu vực miền núi”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Dẫn đoàn cán bộ đi tham quan, ông Mai Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT HTX 19/5, cho biết: "Đơn vị được thành lập vào tháng 11/2000. Sau gần 2 thập kỷ phát triển, HTX đang trở thành điểm tựa cho 50 thành viên chính thức và hơn 200 hộ liên kết".
Trồng cây ăn quả đang là một trong những sản phẩm chủ lực của HTX, với nhiều loại cây trồng đặc trưng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Mộc Châu như mận hậu, đào, lê, hồng,…
Vùng trồng cây ăn quả của HTX có diện tích hơn 30 ha. Không chỉ bán quả tươi, hàng nghìn tấn sản phẩm được HTX đẩy mạnh chế biến thành các sản phẩm thế mạnh như rượu vang, mận sấy dẻo, chuối sấy dẻo…
Các sản phẩm rượu được chế biến từ mận của HTX đang nằm trong số những sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La. Để có được các sản phẩm chất lượng cao, hệ thống hầm rượu của HTX được xây dựng hết sức ấn tượng, được đảm bảo về điều kiện khí hậu, nhiệt độ, ánh sáng…
Trong lĩnh vực rau sạch, HTX đã ứng dụng mô hình sản xuất su hào, xà lách, cà chua, súp lơ, cải bắp… trên diện tích hơn 3 ha theo quy trình VietGAP, góp phần tích cực trong đảm bảo môi trường sinh thái.
Cụ thể, trong sản xuất, thành viên HTX được hướng dẫn ghi sổ nhật ký đồng ruộng, đảm bảo loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, ưu tiên các loại phân hữu cơ.
Cùng với các hoạt động sản xuất, HTX đang thúc đẩy phát triển loại hình nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch. Hiện, HTX đang phát triển các hoạt động như du lịch cộng đồng văn hóa, thăm quan các nhà máy chế biến chè xuất khẩu, các cơ sở chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, tham quan các khu trồng rau, hoa…
Đáng chú ý và thú vị nhất là du khách sẽ được trải nghiệm, tìm hiểu về hoạt động sản xuất chè, thưởng trà tại cánh đồng chè cùng với món kem chè độc đáo, hay được trực tiếp tham gia vào các khâu trồng, thu hoạch chè, hái mận…
Trong khâu chế biến, HTX 19/5 đang có hệ thống nhà xưởng rộng hơn 4.000 m2. HTX đã mạnh tay đầu tư cho máy móc, công nghệ hiện đại phục vụ chế biến. Đồng thời, đầu tư kho lạnh bảo quản hoa quả tươi, giúp nông dân trên địa bảo quản sản phẩm tốt.
Về thị trường, để giải “bài toán” tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và các hộ liên kết, HTX đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc.
Các hoạt động quảng bá trên các phương tiện truyền thông hiện đại như báo đài, các trang mạng xã hội, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử được HTX đặc biệt quan tâm.
Hệ thống bán hàng của HTX cũng đang dần được hoàn thiện. HTX đã xây dựng được gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm rượu trưởng bản, rượu mận, rượu mơ, mận tách hạt sấy dẻo…
Việc thực hiện tốt công tác kết nối thị trường giúp HTX làm tốt khâu bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Bình quân mỗi năm, HTX đang tiêu thụ 800 – 1.000 tấn nông sản các loại. Thị trường tiêu thụ trải rộng từ Sơn La đến Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Từ những yếu tố tổng hòa cả về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, HTX 19/5 đang khẳng định vị thế hàng đầu trong phong trào kinh tế tập thể tỉnh Sơn La.
Doanh thu bình quân của HTX năm 2018 đạt 6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1,1 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu của HTX tăng lên mức 7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,2 tỷ đồng.
Năm 2020, những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng phần nào khiến hoạt động của HTX bị ảnh hưởng. Doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt 2 tỷ đồng.
Dù đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, HTX vẫn rất nỗ lực để đảm bảo đời sống cho thành viên và người lao động.
Hiện, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 400 triệu đồng/ha/năm. Lương bình quân của người lao động HTX đạt 6,5 – 8,5 triệu đồng/người/tháng. HTX đang có 12 lao động cố định, tất cả đều là nhân lực địa phương.
Những thành công trong phát triển sản xuất, chế biến của HTX 19/5 đã thực sự gây ấn tượng mạnh, tuy nhiên, những hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái của HTX cũng tạo nên điểm nhấn đáng chú ý.
Giống như với hoạt động sản xuất chè hữu cơ (đã nêu ở phần trên), ở tất cả các mô hình trồng mận, lê, chuối, rau an toàn… đều được HTX áp dụng phương pháp canh tác hiện đại, theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học…
Bên cạnh đó, HTX đã xây dựng đề án bảo vệ môi trường và thực hiện quan trắc môi trường định kỳ hàng năm.
“Không nói sâu xa, chỉ riêng việc đốt lửa trại để phục vụ khách tham quan, HTX cũng hoàn toàn không dùng gỗ rừng tự nhiên mà tận dụng gỗ từ cây trồng (cây già cỗi, mục ruỗng, trồng hỏng…) tại đơn vị. Việc này góp phần bảo vệ rừng, giảm thiểu ô nhiễm, xói mòn đất, hướng tới tương lai xanh”, Chủ tịch HĐQT HTX 19/5, ông Mai Đức Thịnh, nhấn mạnh.
Cùng với những thành công đã đạt được, đại diện HTX 19/5 cũng đưa ra 5 kiến nghị để đơn vị này nói riêng và cả khu vực kinh tế tập thể nói chung phát triển tốt hơn.
Đầu tiên, HTX cần thêm những ưu đãi về thuế tiêu thụ với các sản phẩm hàng hóa được chế biến từ các nông sản địa phương, giúp tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thứ hai là về quỹ đất sản xuất. Thứ ba là các chính sách ưu tiên trong việc tham gia các đề tài, dự án của tỉnh về sản xuất, chăn nuôi, chế biến. Thứ tư, HTX mong muốn được hỗ trợ xây dựng một khu ủ phân có chuyên biệt và men vi sinh ủ phân hữu cơ.
Và cuối cùng, HTX kiến nghị có thêm những hỗ trợ về xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch… giúp gia tăng giá trị sản xuất cho nông dân.
.....................................
Hiến Nguyễn