Được thành lập từ năm 2004, là HTX dịch vụ nông nghiệp, chế biến, kinh doanh chè xanh... hoạt động theo mô hình cũ, năm 2015, HTX Kiến Thuận thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX 2012 và tập trung đầu tư sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện đại hóa sản xuất
Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, HTX hoạt động với 54 thành viên và 35 hộ liên kết. Tổng diện tích vùng nguyên liệu của HTX năm 2019 đạt trên 221 ha và đang gia tăng. Đây là HTX tiên phong trong thực hiện liên kết chuỗi trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Vào HTX, các thành viên và hộ liên kết được hoạch định chiến lược phát triển, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường 300 – 500 đồng/kg.
![]() |
Khu vực chế biến chè của HTX Kiến Thuận (Ảnh: Tư liệu) |
Để từng bước hiện đại hóa công nghệ máy móc, bắt kịp quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, HTX đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng 2 nhà máy chế biến chè đen xuất khẩu, 1 máy tách cẫng chè kỹ thuật số.
Năm 2016, HTX đầu tư lắp đặt máy tách màu ISORT 4GT công nghệ Hàn Quốc, nâng công suất hoạt động của HTX từ 500 - 700 kg thành phẩm/giờ. Đây là loại máy tách màu chè có nhiều tính năng vượt trội so với các loại máy tách màu thông thường hiện có mặt trên thị trường Việt Nam, giúp tăng khả năng sản xuất.
Sau đó, HTX tiếp tục đầu tư hệ thống 3 cối vò trị giá hơn 1 tỷ đồng rồi đến hệ thống băng chuyền tự động đã góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị cạnh tranh; từ đó mang lại lợi nhuận cao cho HTX. Hiện tại, hầu hết các công đoạn chế biến chè đen của HTX đều sử dụng máy móc, từ thu hoạch, phơi, vò, lên men, đến sấy khô, sàng chè, đóng gói…
Ông Đỗ Văn Lừng - Giám đốc HTX cho biết: "Nhờ đầu tư áp dụng công nghệ 4.0 trong quản trị điều hành đã giúp HTX giảm nhân công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể, nếu trước đây 1 ca sản xuất phải cần tới 15 công nhân thì nay 2 ca cũng chỉ cần 15 công nhân, công suất máy móc cũng tăng gấp đôi từ 20 tấn chè búp tươi lên 40 tấn/ngày, doanh thu tăng từ 10 tỷ đồng lên trên 20 tỷ đồng mỗi năm”.
Hiện, sản phẩm chè của HTX ngoài cung cấp cho thị trường trong nước còn xuất khẩu sang các nước như Nga, Mỹ… Để giữ vững thị trường xuất khẩu, HTX đã xây dựng bản đồ địa giới, đánh dấu rõ ràng vị trí từng hộ thành viên để tạo thuận lợi trong việc quản lý.
Tiên phong trong hướng mới
Có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ 4.0 đã tạo ra bước ngoặt đưa HTX Kiến Thuận từ "lượng” sang "chất”. Đây cũng là HTX tiên phong lựa chọn con đường khác với các hộ nông dân trên địa bàn để có chỗ đứng trên thị trường khi cây chè ở Yên Bái bước vào giai đoạn thoái trào.
![]() |
HTX Kiến Thuận đầu tư máy tách màu chè để nâng cao công suất chế biến (Ảnh: TL) |
Từ năm 2010 - 2017, diện tích chè tỉnh Yên Bái liên tục giảm từ 11.899 ha xuống còn 8.510 ha, chưa đầy 10 năm mà diện tích chè đã giảm 3.389 ha. Đây là con số báo động về sự suy tàn của vùng chè Yên Bái cả về diện tích và chất lượng, khiến người dân trồng chè đứng trước muôn vàn khó khăn.
Nguyên dân dẫn đến tình trạng này được cho là do việc xây dựng ồ ạt các nhà máy chè và hàng nghìn nông hộ tham gia chế biến chè bằng các thùng chè quay tay, dẫn tới sự mất cân đối giữa vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến. Mối liên kết giữa cơ sở chế biến và người trồng chè hết sức lỏng lẻo, trên 80% số đơn vị chế biến không có vùng nguyên liệu ổn định và không có chính sách đầu tư cho vùng nguyên liệu. Từ đó xảy ra tình trạng cạnh tranh mua bán nguyên liệu, làm mất uy tín, dẫn đến nhiều hộ nông dân phải phá bỏ những đồi chè để trồng những cây trồng khác.
Đứng trước bối cảnh đó, HTX Kiến Thuận đã tiên phong trong thực hiện liên kết chuỗi, tiến hành ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, hộ liên kết, sau đó chế biến và đưa ra thị trường chè thương phẩm. Hiện, HTX đang sản xuất 9 sản phẩm từ chè và một số loại phế liệu từ chè, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Với mục tiêu phấn đấu tự động hóa đạt 80% trong năm nay, HTX đang đẩy mạnh ứng dụng quản lý, quản trị điều hành trong sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại để tối đa hóa lợi nhuận, giảm chí phí đầu vào, nhân công trong sản xuất để từng bước xây dựng HTX hiện đại, kiểu mẫu.
Hoàng Lê