Sáng ngày 20/11, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề "Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050".
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo (ngoài cùng bên phải) chứng kiến Lễ ký kết giữa Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh (đại diện Liên minh HTX Việt Nam) và đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Công ty CP tập đoàn Tín Thành trong việc hợp tác thực hiện chiến lược phát triển năng lượng - nông nghiệp - môi trường từ cây cao lương. |
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết: tới năm 2045, Việt Nam định hướng trở thành nước có nền kinh tế phát triển ngang tầm với các nước giàu có trên thế giới. Điều đó có nghĩa, ngành năng lượng sẽ phải phát triển trước một bước.
Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển điện quốc gia sửa đổi cho giai đoạn 2011-2020, với tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu chính là tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo không thủy điện lên hơn 10% vào năm 2030. Đây chính là cơ hội thu hút các nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo không thủy điện.
Nhìn nhận cơ hội này, tại hội nghị trên, Tập đoàn Tín Thành đã hợp tác với Liên minh HTX Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển năng lượng - nông nghiệp - môi trường với mô hình liên hợp công nông nghiệp khép kín và chuỗi giá trị gia tăng sau thu hoạch từ cây cao lương, từ đó giúp nâng cao thu nhập cho hộ nông dân, kết hợp sản xuất năng lượng với nông nghiệp.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, sự hợp tác 3 bên giữa VCA, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và tập đoàn Tín Thành sẽ góp phần mang lại những lợi ích, hiệu quả thiết thực, đặc biệt là giúp chuyển đổi cây trồng để sản xuất điện sinh khối từ phát triển vùng nguyên liệu cây cao lương. Qua đó nâng cao thu nhập cho thành viên hợp tác xã, nhất là ở những vùng đất không trồng được lúa cần chuyển đổi cây trồng. Ông Nguyễn Văn Thịnh cho biết việc trồng thử nghiệm cây cao lương sẽ được thí điểm ở Phú Yên, Gia Lai - Kon Tum, Quảng Nam, nếu thành công sẽ phát triển ra vùng duyên hải miền trung và đồng bằng sông Cửu Long.
Qua kết quả trồng thử nghiệm và thực nghiệm, cây cao lương có khả năng tạo ra một lượng sinh khối lớn trong thời gian ngắn đảm bảo cho việc thay thế cho các loại nhiên liệu đốt khác như than, dầu, khí là hoàn toàn khả thi. Hơn nữa, cây cao lương còn có lợi thế có thể tạo ra nhiều sản phẩm sau thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch công ty CP Tập đoàn Tín Thành, cho rằng để có thể phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam thì năng lượng tái tạo không thủy điện chính là xu thế không thể khác của Việt Nam. "Vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp là phải cân đối lợi ích cho người nông dân tham gia vào chuỗi nông nghiệp - công nghiệp khép kín này sẽ mang thu nhập cao hơn nhiều lần so với việc phát triển các loại cây trồng hiện nay", ông Quyền nói.
GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, đánh giá việc đẩy mạnh trồng cây cao lương gắn với xây dựng nhà máy điện sinh khối sẽ giúp hộ nông dân với nhiều thế hệ có việc làm ổn định.
"Tới đây, nếu cả nước tập trung phát triển nhân rộng mô hình này sẽ đem lại rất nhiều hiệu quả, trong đó phải kể tới vừa đảm bảo an ninh năng lượng vừa giúp cho người nông dân Việt Nam làm giàu", ông Xuân chia sẻ.
Thy Lê