Ông Đoàn Trung Ngọc, ở xã Trung Hòa, được người dân mệnh danh là “vua” thanh long ruột đỏ của huyện Trảng Bom. Ông là người đầu tiên tại địa phương bỏ vườn tạp đầu tư trồng được hơn 1ha thanh long ruột đỏ, rồi dần dần mở rộng diện tích lên gần 9ha.
Hiệu quả chuyển đổi cây trồng
Ông Ngọc còn được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ, đi đầu thực hiện trồng thanh long theo quy trình VietGAP. Hiện, ông đã có những đơn hàng ổn định cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ruột đỏ đi một số nước ở châu Âu.
Ông Nguyễn Thanh Lập, Tổ trưởng Tổ hợp tác ca cao Trung Hòa (Ảnh: TL) |
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Ngọc còn hỗ trợ số lượng lớn giống thanh long cho các hộ dân để nhân rộng diện tích giống cây đặc sản này.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ông đã tự bỏ tiền nâng cấp, sửa chữa 1,5km đường giao thông nông thôn và đầu tư đường điện tại xã Trung Hòa với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng; hiến 1.000m2 đất làm đường giao thông…
Ông Ngọc cho biết: "Nông dân trong xã ngày càng tích cực tham gia vào các tổ hợp tác, HTX để có đầu ra bền vững. Hiện, Tổ hợp tác không chỉ thu mua thanh long của các thành viên, mà còn mở rộng thu mua ở nhiều nơi của tỉnh Đồng Nai cung cấp cho các đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường".
Trước đây, ở xã Trung Hòa, nông dân chuyên trồng điều với năng suất thấp, giá bán không ổn định, nhiều hộ gia đình bỏ bê không chăm sóc dẫn đến lợi nhuận kém.
Từ thực tế đó, ông Nguyễn Thanh Lập cùng một số hộ nông dân ở xã Trung Hòa đã thử nghiệm trồng ca cao xen điều. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trồng xen, năng suất điều từ năm thứ hai đã đạt 2,5 tấn trái tươi/ha, năng suất ca cao từ năm thứ 7 đạt trung bình 20 tấn/ha.
Với mỗi ha xen canh, người nông dân thu về khoảng 120 triệu đồng từ ca cao và 70 triệu đồng từ điều, cao gấp 3 lần so với chỉ trồng điều. Nhiều hộ nông dân đã trở nên khá giả nhờ xen canh cây trồng.
“Bà con chúng tôi tự nguyện liên kết trong trồng xen cây ca cao và thành lập tổ hợp tác. Nhờ làm ăn hiệu quả, đến nay Tổ hợp tác ca cao Trung Hòa đã phát triển được hơn 70 thành viên với diện tích gần 80ha. Các thành viên yên tâm đầu tư, vì cả điều và ca cao đều được bao tiêu sản phẩm”, ông Lập phấn khởi nói.
Với việc việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả, nông dân ngày càng hứng khởi tham gia các tổ hợp tác để ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập..., góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Trung Hoà thời gian qua.
Giúp nhau làm giàu
Cách đây hơn 4 năm, xã Trung Hòa đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến tháng 9 vừa qua, trong đợt xét duyệt thứ hai trong năm 2020 của Hội đồng Thẩm định nông thôn mới tỉnh Đồng Nai, Trung Hoà là một trong hai xã của huyện Trảng Bom được chọn để đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020.
Mức thu nhập bình quân đầu người ở Trung Hòa năm 2019 đã đạt khoảng 60 triệu đồng. Theo đánh giá, khu dân cư kiểu mẫu trên địa bàn xã đang là điểm sáng trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu của tỉnh Đồng Nai, và Trung Hòa đang tiếp tục nỗ lực để chính thức được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Xã Trung Hòa khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả, giúp nhau làm giàu. |
Thời gian qua, phong trào thi đua sản xuất ở xã Trung Hòa cũng đã khuyến khích nông dân cùng giúp nhau làm giàu. Đặc biệt là việc vận động giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo về giống cây trồng, vật nuôi, cho vay tiền không lãi, cho mượn đất sản xuất, hợp đồng bán phân bón trả chậm trị giá hàng chục tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân trong xã đã vươn lên có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.
Điển hình là lão nông Phan Văn Dẫu, chủ Trang trại bưởi da xanh Quỳnh Như. Ông cho hay: “Nhờ chịu khó học hỏi đưa giống bưởi da xanh vào trồng cho năng suất, chất lượng cao mà gia đình tôi đã thoát nghèo và trở thành hộ khá giả. Ngoài trồng bưởi, tôi còn đầu tư nhà nuôi chim yến nhằm tăng thêm thu nhập. Lợi nhuận thu về mỗi năm lên đến vài trăm triệu đồng”.
Vươn lên từ nghèo khó nên ông Dẫu luôn hết lòng giúp đỡ kỹ thuật sản xuất cho nông dân trong xã Trung Hòa có cuộc sống khấm khá hơn. Bên cạnh đó, ông còn đóng góp xây nhà tình thương, hỗ trợ cây giống cho hộ nghèo và có những hoạt động tích cực trong việc nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ở địa phương.
Thanh Loan