Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, cho biết tỉnh đang có 16.000ha cây ăn quả các loại và cây ăn quả là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, phát triển cây ăn quả ở Hòa Bình lại đang tiềm ẩn vấn đề thiếu quy hoạch.
Giống ngoại đang chiếm ưu thế
Có lẽ không chỉ tại Hòa Bình mà không ít địa phương hiện nay cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Việc sản xuất cây ăn quả thiếu quy hoạch một phần là do công tác tổ chức, sản xuất tự phát của người dân. Nhưng theo giới chuyên gia, một phần nguyên nhân của tình trạng này đó chính là nguồn giống chưa thực sự được quan tâm.
Theo một chuyên gia của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, diện tích cây ăn quả của Việt Nam tính đến hết năm 2023 là 1.269,4 nghìn ha. Trong khi năm 2015, diện tích cây ăn quả chỉ từ 164,5 nghìn ha. Việc tăng diện tích là như vậy nhưng chính vấn đề giống cây ăn quả cũng đang có những nút thắt nhất định.
Chẳng hạn như với giống xoài đang được trồng ở Việt Nam rất đa dạng như xoài Cát Chu, xoài Hòa lộc, xoài Úc, xoài Đài Loan… với diện tích 114.995ha nhưng giống xoài Việt là Cát Chu chỉ chiếm 6,5% diện tích xoài cả nước, xoài Hòa Lộc cũng chỉ chiếm 9,8% diện tích xoài toàn quốc.
Giống có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng bền vững. |
Trong khi đó, giống xoài Đài Loan lại chiếm đến 43,9%, xoài Úc chiếm 6,5%, xoài Thái chiếm đến 4,7% diện tích xoài toàn quốc. Như vậy, những giống xoài “ngoại” đang chiếm ưu thế trên tổng diện tích xoài cả nước.
Việc người dân, HTX trồng các giống ngoại nhiều hơn là do Việt Nam tuy đã nghiên cứu và trồng được nhiều giống cây ăn quả bản địa nhưng nhìn chung nhiều giống hiện nay chưa đạt đến mức vượt trội so với các nước trong khu vực và thế giới.
Ngay như diện tích bưởi cả nước đến năm 2023 là 108.849ha nhưng theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) hiện mới có bưởi da xanh tạo được dấu ấn trên nhiều thị trường quốc tế, được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng hơn cả.
Một số giống bưởi khác như bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn (Hòa Bình) tuy đã xuất khẩu chính ngạch nhưng chưa thực sự được nhiều người tiêu dùng quốc tế quan tâm như bưởi da xanh. Còn lại những giống bưởi khác như bưởi Phúc Trạch, bưởi Đại Minh, Khả Lĩnh, Nằng Luân, Soi Hà, bưởi đường lá cam… chủ yếu tiêu thụ trong nước.
Bên cạnh việc chưa có nhiều giống bản địa vượt trội thì một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là việc sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả chủ yếu ở quy mô hộ nhỏ lẻ. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh giống nhưng chưa đáp ứng quy định nên khó quản lý nguồn gốc, chất lượng cây giống. Điều này cũng khiến người dân, HTX khó tiếp cận được với nguồn giống chất lượng để phát triển sản xuất.
Trả giá đắt nếu lựa chọn sai giống
Chính vì những lý do này mà tình hình phát triển cây ăn quả trên cả nước tiềm ẩn vấn đề thiếu quy hoạch, cây ăn quả dễ bị xuống chất, không đảm bảo chất lượng và đặc biệt là bị cạnh tranh trong tiêu thụ.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T Farm (Hòa Bình), cho biết dù đã cố gắng áp dụng đúng quy trình sản xuất cam bền vững nhưng thực tế cho thấy, đất trồng cam vẫn có dấu hiệu suy thoái, khiến HTX tốn thêm công sức và chi phí cải tạo. Đi liền với đó, quả cam tiêu thụ trên thị trường bị cạnh tranh mạnh mẽ. Hiện, giá bán cam Cao Phong tại vườn ở Hòa Bình nếu trồng đúng kỹ thuật khoảng 50.000 đồng/kg nhưng ở ngoài thị trường rất nhiều nơi ghi bán cam Cao Phong nhưng với giá 30.000 đồng/kg.
Theo giới chuyên gia, thực trạng này xảy ra là do một số địa phương sử dụng nhiều chủng loại và giống cây ăn quả. Điều này không phát huy được thế mạnh của từng địa phương mà gây ra nhiều hệ lụy như dễ suy thoái, không đảm bảo chất lượng, không thích ứng được biến đổi khí hậu, khó tiêu thụ…
“Lựa chọn giống lúa sai, chúng ta chỉ nợ nông dân 3 tháng. Nhưng nếu lựa chọn sai giống cây ăn quả, có thể phải mất cả chục năm để trả giá”, PGS, TS Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam” nói.
GS.TS Vũ Mạnh Hải, nguyên Phó giám đốc VAAS, Hội giống cây trồng Việt Nam, cho biết một trong những yếu tố quan trọng trong sử dụng giống đó là phải dựa vào lợi thế của từng địa phương.
Chẳng hạn như Hòa Bình, lợi thế điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp phát triển cây ăn quả có múi thì việc đầu tư vào những giống này sẽ có nhiều lợi thế, giúp giảm bớt công chăm sóc, hương vị cũng có điểm nổi bật.
“Cây vải thiều phù hợp với một số địa phương ở miền Bắc như Bắc Giang, Hải Dương nhưng nếu đưa cây vải vào miền Nam thì khó có thể phát triển vì miền Nam không phải lợi thế về khí hậu khiến vải rất khó ra hoa. Ngoài ra, độ lạnh cũng cần phù hợp nếu không một số giống cây sẽ không thể sống nổi”, GS.TS Vũ Mạnh Hải dẫn chứng.
Nhưng có một điều hiện nay là đối với nông dân, HTX, việc tìm kiếm, lựa chọn một giống cây ăn quả phù hợp là rất khó vì có những giống cho hiệu quả kinh tế nhưng chưa chắc đã phù hợp với điều kiện tự nhiên và chưa chắc đã xử lý được sâu bệnh trong quá trình canh tác.
Do đó, TS Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng cần quan tâm nghiên cứu, phát triển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng. Hiện việc nghiên cứu, tuyển chọn, thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây ăn quả đầu dòng còn rất nhỏ trong khi nhu cầu về cây giống trong giai đoạn hiện nay của người dân, HTX rất lớn với khoảng 500 triệu giống cây ăn quả và cây công nghiệp.
Huyền Trang