Chiều ngày 24/12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Tổng kết ngành NN&PTNT năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT năm 2020. |
Thủ tướng đánh giá, năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần 3%, là mức cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, năm nay, Việt Nam đạt con số xuất siêu kỷ lục trên 20 tỷ USD. Trong đó, nông nghiệp đóng góp vào xuất siêu khoảng 10 tỷ USD. Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới có dòng thương mại mạnh nhất.
Trong bối cảnh khó khăn, Thủ tướng điểm lại một số thành quả của ngành nông nghiệp như một lần nữa cho thấy vai trò sống còn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, là bệ đỡ, cứu cánh của cả nền kinh tế quốc dân.
Ngành nông nghiệp cũng đã thích ứng tốt với đại dịch COVID-19, thiên tai, duy trì và phát triển đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường trong nước 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 đạt khoảng 41,2 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo). Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vượt Thái Lan, Ấn Độ để soán ngôi đầu thế giới.
Công nghiệp chế biến nông sản được đẩy mạnh, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp để phát triển chuỗi sản xuất, ứng dụng công nghệ 4.0. Riêng năm 2020, Việt Nam đã khánh thành 18 nhà máy chế biến trên nhiều tỉnh, thành ở 3 miền đất nước, khắc phục được tình trạng được mùa - mất giá. DN và HTX nông nghiệp thể hiện vai trò rất lớn trong 5 năm qua.
Đồng thời, công tác phát triển, mở cửa thị trường được đẩy mạnh. Bộ NN&PTNT đã phối hợp tốt với Bộ Công Thương để xử lý, mở rộng thị trường XK cho nông nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh rằng: "Trước khi đặt một hạt giống xuống gieo trồng thì chúng ta phải hỏi tiêu thụ ở đâu, thị trường nào, chứ không thể sản xuất một sản phẩm mà thị trường không cần".
Trước yêu cầu cần phải chú trọng xây dựng hoàn thiện thể chế để kiểm soát tốt đầu vào và đầu ra của sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của phát triển HTX nông nghiệp rất lớn, Liên minh HTX Việt Nam cần phối hợp với Bộ NN&PTNT để chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm soát đầu vào và đầu ra trong sản xuất nông nghiệp.
Hơn nữa, Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ "thấy mừng nhưng vẫn thấy lo" vì tăng trưởng của ngành nông nghiệp chưa bền vững do chịu cú sốc bởi thiên tai và dịch bệnh. Nhiều mục tiêu chưa đạt như phát triển 15.000 HTX hoạt động hiệu quả, cơ sở hạ tầng, giao thông còn nhiều bất cập, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, vùng miền còn lớn...
Đặc biệt, dự báo cung - cầu vẫn là khâu yếu. Dẫn chứng từ bất cập giá thịt lợn tăng mạnh trong thời gian qua, Thủ tướng lưu ý làm sao Tết Nguyên đán này không được để người dân phải mua thịt lợn giá cao.
"Tết này, cả nước Việt Nam ăn gì, giá thế nào? Ngành nông nghiệp cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ", Thủ tướng yêu cầu.
Về kế hoạch phát triển năm 2021, Người đứng đầu Chính phủ đề nghị ngành nông nghiệp phải biến nguy cơ thành thời cơ. Nguy cơ là sự cực đoan của khí hậu nên ngành nông nghiệp cần phát huy kinh nghiệm để vượt qua, còn thời cơ là thị trường được mở ra. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp cần tiếp tục tìm thị trường để ổn định đầu ra của sản xuất nông nghiệp.
Thủ tướng đặt ra chỉ tiêu cụ thể: năm 2021, ngành nông nghiệp phải đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành trên 3%, kim ngạch XK nông lâm thủy sản phải đạt 44 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng đạt mức 43%, nông thôn mới đạt trên 70%, thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp, tổng số HTX nông nghiệp đạt hiệu quả là hơn 16.000 HTX.
Theo đó, cần có cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp để có nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp để xây dựng quy mô sản xuất hàng hóa lớn. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ giúp hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh. Nông nghiệp số là vấn đề đặt ra với DN, HTX, nông dân.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, HTX để xây dựng chuỗi giá trị; đẩy mạnh thu hút DN để phát triển thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, với thị trường trong nước cần phát huy khẩu hiệu đưa hàng hóa từ nông thôn ra thành thị.
"Nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam có truyền thống vượt khó trong kháng chiến, xây dựng đất nước. Với truyền thống này, chúng ta sẽ xây dựng được nền nông nghiệp phát triển vững mạnh, nông dân sẽ ngày càng giàu có hơn", Thủ tướng mong muốn.
Lê Thúy