Nhưng thực ra, với số lượng 27.000 HTX hiện nay và tiếp tục đến năm 2030 tăng lên 45.000 HTX thì nguồn cho vay từ các quỹ hỗ trợ HTX này như “muối bỏ bể”. Vì vậy, rất cần các cơ chế, chính sách thông thoáng để giải quyết nút thắt về vốn cho HTX từ góc độ khung khổ pháp lý, đặc biệt từ Luật HTX sửa đổi...
HTX tự huy động vốn từ thành viên và khách hàng là vấn đề khó, khó cả về luật pháp lẫn trên thực tế. Ảnh: Chăm sóc cây dưa lê Hàn Quốc tại Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Quang Minh, thôn Hương Thịnh, xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). |
HTX là tổ chức kinh tế, HTX không hẳn chỉ cho người nghèo, nhưng đa phần là người còn nghèo, còn yếu thế, đặc biệt là nông dân và bà con khu vực nông nghiệp, nông thôn. Phần nhiều các HTX cho đến nay còn nhỏ bé, yếu và thiếu nhiều thứ, nhất là về năng lực tài chính. Vì thế, các HTX khi thành lập và trong giai đoạn đầu mới phát triển lại càng mong manh, yếu ớt, đặc biệt là thiếu vốn. Vậy, vốn của HTX khi thành lập và hoạt động có từ đâu? Đầu tiên, đó là từ vốn góp của thành viên, bao gồm vốn điều lệ ban đầu do các thành viên sáng lập góp và sau là từ các thành viên mới gia nhập. Nếu vốn góp của thành viên không đủ để hoạt động thì HTX phải vay vốn. Trước hết, là vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và sau là vay từ các ngân hàng thương mại và các kênh khác, nếu được vay.
Không có tài sản đảm bảo, HTX rất khó vay
Ngay cả vay vốn từ Quỹ hỗ trợ HTX, dù khoản vay không nhiều, nhưng không phải lúc nào HTX cũng được vay tín chấp. Phần nhiều trường hợp, để vay được, HTX cũng phải có tài sản đảm bảo. Nếu vay tại các ngân hàng thương mại, HTX còn khó khăn hơn nữa trong việc tiếp cận vốn vay. Với một tổ chức kinh doanh còn nhỏ bé, chưa phát triển, vốn tự có ít thì trên thực tế, điều kiện để vay thương mại thường là phải có tài sản đảm bảo. Phần nhiều HTX đến nay, không có hay chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng cho trụ sở, đất đai, nhà xưởng. Thậm chí, nếu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì với các qui định tài sản chung không chia thì có thể là rất khó để được ngân hàng nhận làm tài sản đảm bảo cho việc vay vốn của HTX. Đơn giản là người cho vay có tâm lí không an toàn, có vấn đề gì rất khó xiết nợ, khó phát mại tài sản đảm bảo được. Như vậy, rõ ràng là rất khó cho HTX trong việc tiếp cận vốn vay.
Không phải tất cả, nhưng đa phần thành viên HTX còn nghèo, điều kiện có hạn. Dù tâm huyết, cố gắng họ cũng chỉ góp vốn vào HTX rất khiêm tốn mà thôi. Nhiều HTX may mắn có thành viên tâm huyết và có tiềm lực khá hơn và những người này sẵn sàng góp vốn nhiều hơn. Nhưng quy định của luật cũng vẫn chưa hoàn toàn thông thoáng cởi mở vấn đề này. Trong bài trước đã có trao đổi liên quan về vấn đề này khi đề cập tới những qui định thành viên chính thức và không chính thức, tức thành viên liên kết góp vốn và không góp vốn. Luật HTX 2003 cho phép một thành viên góp tối đa 30% vốn điều lệ, luật 2012 giảm xuống còn tối đa 20%. Nếu Luật sửa đổi không thay đổi, tiếp tục hạn chế tỷ lệ tối đa 20% như trên thì cũng vẫn làm khó khăn thêm cho HTX, nhìn từ góc độ vốn hoạt động của HTX.
HTX huy động vốn không đơn giản
Điều 56 của dự thảo luật qui định HTX ưu tiên huy động vốn từ thành viên, nếu không đủ thì huy động nguồn khác ngoài thành viên. Nói thì dễ, qui định thì đơn giản vậy, nhưng việc huy động vốn cho tổ chức kinh tế nói chung trên thực tế là khá khó, với HTX lại càng khó hơn. Thứ nhất, thành viên HTX đa phần khó khăn, đều cần vốn. Mô hình kinh tế HTX kiểu mới ngày nay không thay thế kinh tế hộ. Mỗi thành viên HTX đều có kinh tế riêng của mình, họ cũng đang rất cần vốn để phát triển sản xuất kinh doanh của bản thân, của gia đình mình. Thứ hai, huy động vốn từ người ngoài cũng rất khó, đặc biệt trên thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp, các công ty, tập đoàn rất lớn huy động vốn cũng rất khó, không dễ huy động dù mô hình doanh nghiệp của họ có nhiều công cụ hơn hẳn HTX như có thể phát hành trái phiếu, có thể niêm yết, có thể tăng vốn, bán vốn ra ngoài công chúng, v.v.
Ngoài ra, hoạt động huy động vốn là hoạt động rất nhạy cảm, liên quan đến lĩnh vực tài chính tiền tệ do Ngân hàng nhà nước quản lý. Không thể đơn giản chuyện một HTX tự huy động vốn từ đông đảo thành viên, hay từ nguồn dân cư hay hay nguồn ngoài thành viên. Nhiều HTX có hàng trăm thành viên, thậm chí có HTX lên đến hàng nghìn thành viên. Nếu huy động vốn từ đông đảo thành viên rồi mà trong trường hợp xấu, HTX không trả được thì ai chịu trách nhiệm, ai quản lý,… Chẳng hạn, tiền HTX huy động từ thành viên có được cơ quan bảo hiểm tiền gửi xem xét bảo đảm không? Rất có thể phải cần giấy phép huy động vốn hay cần hướng dẫn qui định rõ ràng từ các cơ quan chức năng của Ngân hàng Nhà nước. Cho đến nay, HTX thực hiện dịch vụ tín dụng nội bộ đã cần giấy phép và sự quản lý của cơ quan chức năng rồi. Để thực hiện huy động vốn điều kiện còn khó hơn, càng cần sự quản lý chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu nếu HTX gặp khó khăn không trả được hay đơn giản là chậm trả vốn huy động, lãi huy động.
Như vậy, để HTX tự huy động vốn từ thành viên và khách hàng là vấn đề khó, khó cả về luật pháp lẫn trên thực tế. Vì vậy, để góp phần giải quyết bài toán thiếu vốn cho HTX, dự thảo luật HTX sửa đổi lại càng cần cân nhắc quy định thông thoáng, cởi mở hơn nữa để những thành viên tâm huyết và có tiềm lực khá hơn sẵn sàng góp vốn nhiều hơn. Việc tuân thủ, thực hiện nghiêm nguyên tắc dân chủ, mỗi người một phiếu bầu, không phân biệt vốn góp ít hay nhiều, về cơ bản sẽ ngăn ngừa nguy cơ HTX bị chi phối, thao túng bởi cá nhân. Bởi chính đặc trưng này, với hình thức hợp tác đối nhân này là lợi thế của mô hình HTX.
Ngoài ra, theo tác giả, cũng rất cần có thêm cơ chế, chính sách bảo lãnh cho HTX, bên cạnh cơ chế, chính sách và nhất là nguồn vốn cho vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX các cấp. Đồng thời, cũng đề xuất có cơ chế, chính sách để HTX được bình đẳng tiếp cận với các quỹ vay vốn khác như các loại hình doanh nghiệp khác, kể cả các quỹ nước ngoài, quỹ quốc tế, v.v.
Phạm Quang Vinh
Chuyên gia tài chính và kinh tế phát triển
Kỳ sau: Quy định về phân phối lợi nhuận còn bất cập