Để đóng góp cho dự án Luật HTX sửa đổi, thiết nghĩ cũng rất cần trao đổi sâu thêm về các nội dung liên quan đến hoạt động thị trường của HTX. Dự thảo đề xuất không qui định cứng về nghĩa vụ thành viên bắt buộc phải sử dụng dịch vụ của HTX nữa, mà để HTX tự qui định tỷ lệ này. Tương tự là việc qui định để HTX thực hiện khai trừ thành viên không sử dụng dịch vụ theo điều lệ. Có thể hiểu mục đích và mong muốn cũng có lý của cơ quan soạn thảo trong việc sử dụng khái niệm hay qui định về việc nghĩa vụ thành viên phải sử dụng dịch vụ của HTX, chấm dứt tư cách thành viên, như theo điều 70 và điều 71,…
Cần có tư duy thị trường vì HTX là tổ chức kinh doanh gắn với thị trường. |
Qui định phải phù hợp với cơ chế thị trường
Đúng là thành viên sử dụng dịch vụ của HTX càng nhiều thì càng tốt hơn cho HTX, khi HTX tăng doanh thu, tăng qui mô,… Và cũng rất đúng, thành viên là khách hàng trước tiên, khách hàng chủ chốt của HTX. Thành viên cần HTX mới thành lập HTX hay mới gia nhập HTX, thông thường là thế. Tuy nhiên, HTX được thành lập và hoạt động theo cơ chế thị trường với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Nếu dịch vụ, hàng hóa của HTX không đủ tốt, hàng hóa của HTX không đủ chất lượng thì liệu có bắt thành viên HTX phải sử dụng dịch vụ đó không? Hay cũng vì lí do cạnh tranh, nếu giá cả dịch vụ, hàng hóa của HTX không hợp lý, giá cao hơn nơi khác thì có bắt buộc thành viên HTX phải mua hay không?
Rõ ràng, HTX rất muốn bán sản phẩm dịch vụ, hàng hóa cho thành viên để có doanh thu, có thu nhập và tốt nữa là có lãi từ hoạt động kinh doanh. Nhưng muốn vậy, HTX phải cạnh tranh. Trên thị trường có rất nhiều khách hàng, cũng có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa. Trên thực tế, HTX ra đời là đã có rất nhiều đối thủ xung quanh trên cùng thị trường. HTX phải nỗ lực, phải cố gắng để cạnh tranh mà tồn tại. Nếu không cân nhắc cẩn trọng thì việc cho phép hay qui định nghĩa vụ bắt buộc sử dụng dịch vụ như là kinh doanh độc quyền của HTX. Tưởng là tốt, là điều lý tưởng cho HTX, nhưng điều đó có thể không hề giúp ích cho HTX trên thực tế. Nếu qui định vậy, khi thành viên chê đắt, chê dịch vụ kém mà không sử dụng là HTX có thể khai trừ thành viên. Trong khi đó, đáng nhẽ, nếu thành viên cũng là khách hàng mà từ chối, mà chê, không chấp nhận sử dụng đối với những dịch vụ kém chất lượng, giá thành đắt,… thì HTX phải cố gắng cải thiện, khắc phục. Theo đó, người lãnh đạo HTX, Giám đốc HTX có thể bị miễn nhiệm, mất chức do cung cấp dịch vụ hàng hóa của HTX tồi, không được người mua hay người sử dụng chấp nhận thay vì khai trừ thành viên như qui định trong dự thảo Luật.
Qui định cần thực tế mới đi vào cuộc sống
Nhìn ở khía cạnh khác cũng dễ thấy những qui định về nghĩa vụ bắt buộc sử dụng dịch vụ HTX, dù ở cấp độ luật hay thông tư cũng rất khó khả thi trên thực tế, thậm chí kể cả điều lệ. Liệu có bắt buộc được không? Nếu thành viên HTX đã ký hợp đồng mua bán hàng hay dịch vụ với HTX thì đã ký rồi, có thể đặt cọc trước hay không, thì vẫn phải tuân thủ hợp đồng. Đã trót ký hợp đồng bán rẻ nông sản hay trót ký mua đắt phân bón vẫn phải tuân theo, chấp nhận thiệt thòi. Về pháp lý, thì các bên phải tuân thủ thực hiện hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, trong dự thảo luật HTX, tại điều 70,71 nói trên đề cập đến việc thành viên phải thực hiện cam kết với HTX. Khái niệm “cam kết” ở đây rất khó thực thi, tính pháp lý không cao, có thể dễ gây tranh cãi, chối bỏ,… Trong khi đó, vấn đề liên quan là “khai trừ tư cách thành viên” lại đòi hỏi tính pháp lý rất cao, rất chắc chắn. Ở đây luật rất cần cân nhắc, cả về bản chất nội dung, đến khái niệm chung chung, mang tính pháp lý không cao, rất khó khi triển khai áp dụng luật vào cuộc sống.
Nếu có qui định về nghĩa vụ bắt buộc phải sử dụng dịch vụ HTX thì thành viên rất có thể nghĩ ngay cách chỉ bán 10 kg rau cho HTX hay chỉ mua 1 kg phân bón của HTX chẳng hạn,… Khó mà bắt bẻ được họ ?! Sau đó họ có thể sẽ bán rau nơi khác nếu giá tốt hơn nhiều so với bán cho HTX. Họ có thể sẽ mua phân bón nơi khác nếu chất lượng tốt hơn hay lại rẻ hơn so với mua ở HTX. Tương tự, không thể bắt thành viên QTDND vay vốn. Và để không bị khai trừ khỏi QTDND, thành viên cũng có thể chỉ vay lấy lệ rất ít, ví dụ vay 100.000 đồng.
Phát triển HTX rất cần có tư duy thị trường
Thực tế cho thấy, không chỉ khách hàng cần và muốn sử dụng dịch vụ HTX. Mà ở chiều ngược lại cũng tương tự, HTX rất muốn và rất cần có khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Như một HTX dịch vụ nông nghiệp ở Hải Dương sắm hai máy cày phục vụ gần 20 thành viên. Tuy nhiên nếu chỉ dừng ở đó, máy cày và nhân công lái máy cày thiếu việc làm. Chi phí sử dụng máy cày “bổ đầu” cho 20 thành viên là quá lớn, không hiệu quả. Trong khi đó có tới cả hơn 100 hộ chưa là thành viên có nhu cầu, sử dụng máy cày sẵn sàng trả phí. Và việc phục vụ hơn 100 hộ này giúp hoạt động của HTX hiệu quả hơn. Gần 20 thành viên HTX hiện hữu cũng lợi vì họ sẽ trả phí làm đất ít hơn.
Tương tự, một HTX dịch vụ nông nghiệp ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế cho biết, HTX có cây xăng bán lẻ. Nếu chỉ bán cho thành viên thì doanh thu chỉ khoảng 20% so với bán cho cả người ngoài. Và với mức bán thấp, HTX sẽ được nhận chiết khấu rất thấp, không bù được chi phí, phải đóng cửa cây xăng. Và khi đó, chính các thành viên hiện hữu đang tạo ra 20% doanh thu cũng bị thiệt thòi khi không được sử dụng dịch vụ mua xăng. Một HTX chè ở Thái Nguyên cho biết, hệ thống máy sao và sấy chè hiện đại của HTX, không chỉ để chế biến chè của thành viên. Khi máy “nhàn rỗi” có thể làm dịch vụ phục vụ cả bà con chưa là thành viên. Nhờ dịch vụ này, HTX đã giảm chi phí sao sấy cho mỗi cân chè khô, HTX cũng tạo được việc làm ổn định cho nhân công vận hành máy. Rõ ràng, phục vụ khách hàng ngoài thành viên đem lại lợi ích cho chính HTX, lợi ích cho chính thành viên hiện hữu của HTX. Đồng thời, qua các ví dụ trên, càng cho thấy tính nhân văn, tính xã hội rất lớn của mô hình HTX kiểu mới. HTX là của một nhóm tập thể thành viên, nhưng HTX có thể phục vụ cả những người không phải thành viên. Và điều này do HTX hoàn toàn tự quyết định, trên cơ sở lợi ích của họ và điều kiện thị trường.
Như vậy, có thể cảnh báo và khuyến nghị rằng, dự thảo Luật HTX sửa đổi rất cần có tư duy thị trường vì HTX là tổ chức kinh doanh gắn với thị trường, năng động, linh hoạt và cạnh tranh gay gắt. Nếu các qui định không phù hợp với thực tế, chắc chắc dù có được thông qua cũng khó đi vào cuộc sống thực sự, khó khả thi, khó áp dụng trên thực tế.
Phạm Quang Vinh
Chuyên gia tài chính và kinh tế phát triển
Kỳ sau: Vẫn chưa tháo được nút thắt về vốn cho HTX