Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một Luật chung cho cả HTX và nhiều loại tổ chức liên quan, rất khó có các chính sách hỗ trợ HTX một cách hiệu quả, khả thi. Và điều này càng khó hơn khi cách tiếp cận về chính sách hỗ trợ HTX vẫn không có thay đổi nhiều…
Một trong những tồn tại lớn nhất về các chính sách hỗ trợ HTX của Luật hiện hành là rất dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm. Nghị quyết Trung ương 20 cũng đã chỉ ra tồn tại này và yêu cầu khắc phục ngay trong Luật sửa đổi. Ban soạn thảo cũng đã coi đây là một nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng của Luật sửa đổi.
Tiếp tục nguy cơ dàn trải, không tập trung
Tuy nhiên, với việc mong muốn, quản lý bao trùm thêm đầy đủ các loại hình khác liên quan đến HTX như tổ hợp tác (THT), rồi các tổ chức khác như liên hiệp, liên minh hay liên đoàn HTX,… thì nguy cơ đã dàn trải lại càng dàn trải hơn. Tại thời điểm Luật HTX 2012 được thông qua, cả nước có hơn 17.000 HTX, các chính sách hỗ trợ, nguồn lực hỗ trợ HTX đã được đánh giá là quá dàn trải, không tập trung, không hiệu quả như mong muốn. Đến năm 2022, cả nước có khoảng 27.000 HTX và mục tiêu đến năm 2030 có 45.000 HTX, 340 Liên hiệp HTX cùng 140.000 THT. Như vậy, dù nguồn lực có tăng lên bao nhiêu cũng không đủ để hỗ trợ cho riêng HTX, chứ chưa nói đến các loại hình khác. Cũng vẫn sẽ lại dàn trải, không hiệu quả nếu không có thiết kế chính sách hợp lý, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm.
HTX rất cần được tạo điều kiện tham gia trực tiếp các chương trình kinh tế xã hội ở địa phương. |
Có thể thấy rõ, dự thảo đề cập chính sách hỗ trợ đến tất cả các lĩnh vực mà bất kỳ một tổ chức kinh tế hay một doanh nghiệp nào cần. Có tất cả 8 nhóm từ đào tạo; đất đai, mặt bằng sản xuất; miễn giảm thuế, phí; tín dụng và bảo hiểm; khoa học kỹ thuật; xúc tiến thương mại, đầu tư; xây dựng hạ tầng, trang thiết bị; kiểm toán, tài chính. Lĩnh vực nào cũng cần cả, nhưng đây lại là sự bất cập về tính dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm. Nguồn lực hỗ trợ sẽ không là vô hạn, nên tính khả thi sẽ không cao. Ngay cả trong chính sách đào tạo, thì đối tượng cũng được mở rất rộng, bao gồm các cán bộ nhà nước, cán bộ kiểm toán, cán bộ tư vấn, cán bộ, viên chức các tổ chức liên quan như liên minh HTX,… Dù có thể giải trình lý do rất cần, rất quan trọng, nhưng vấn đề là nguồn lực đã ít lại bị phân tán. Hỗ trợ, chi cho đối tượng này thì sẽ thiếu nguồn cho đối tượng khác.
Cân nhắc việc hỗ trợ tài chính cho phù hợp
Liên quan đến chính sách tín dụng, nếu cho vay ưu đãi hay Nhà nước cấp bù lãi suất thì đây là hỗ trợ tài chính trực tiếp. Tương tự, việc hỗ trợ tài chính để xây hay thuê trụ sở, nhà xưởng, hay hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, kinh phí trả lương,… thực ra cũng là hỗ trợ tài chính trực tiếp hay bản chất là như vậy. Và việc Nhà nước có nên hỗ trợ tài chính trực tiếp cho HTX như thế không là câu chuyện rất đáng bàn và cân nhắc kỹ về tính hiệu quả, tính bền vững của chính sách hỗ trợ. Đó là chưa tính đến nguồn ở đâu ra, có đủ nguồn cho từng đấy HTX, từng đấy THT và các tổ chức khác nữa không? Điều 110 của dự thảo về nguồn vốn thực hiện chính sách cũng rất chung chung, đơn giản với hơn 4 dòng. Điều đó cũng phần nào nói lên cái rất khó của nguồn vốn, cái vướng và bất cập của chính sách hỗ trợ, rất khó khả thi và hiệu quả.
Việc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho HTX cũng rất dễ đến nguy cơ lạm dụng cao, vào HTX hay đổi tên công ty tư nhân thành HTX để nhận được hỗ trợ tài chính của Nhà nước. Nhưng thực ra, HTX được thành lập trước tiên là do người dân muốn thật sự và tự nguyện tham gia. Nhà nước không góp vốn vào HTX mà chỉ ủng hộ và khuyến khích người dân tham gia HTX. Việc hỗ trợ tài chính trực tiếp bằng cách này hay cách khác cho HTX nếu không kín kẽ, không nghiên cứu luật pháp quốc tế có thể dẫn đến hậu quả xấu nếu HTX có hàng hóa xuất khẩu. Ví dụ như có thể bị nguy cơ kiện phá giá, kiện cạnh tranh không lành mạnh vì được trợ giá hay bù lãi suất…
Thực tế hiện nay, từ khi có Luật HTX 2012, số lượng HTX nhận hỗ trợ tài chính trực tiếp cũng không nhiều, chủ yếu là các HTX nông nghiệp khi mới thành lập, tùy từng địa phương và điều kiện. Trong khi đó, ở HTX các lĩnh vực khác, như tín dụng, dịch vụ, thương mại và phi nông nghiệp khác hoạt động khá hơn, lại gần như không được nhận bất cứ hỗ trợ tài chính trực tiếp nào. Thực ra, đa phần các HTX này mong muốn trước hết được hỗ trợ về cơ chế thông thoáng, bình đẳng kinh doanh như các doanh nghiệp khác, dễ dàng tiếp cận và vay vốn thương mại, được tham gia các chương trình đào tạo, tư vấn, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, được tham gia hay được quản lý các dự án hay các cơ sở hạ tầng ở địa phương,…
Đúng là kinh tế HTX có nhiều khó khăn, có mong muốn chính đáng cần hỗ trợ. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, cần phải suy tính cẩn trọng để HTX sẽ không bị giảm động cơ nỗ lực cạnh tranh, nỗ lực cải thiện hiệu quả kinh doanh của HTX. Vậy nên, có thể đề xuất như thế nào để vừa hỗ trợ được HTX, vừa không làm HTX ỷ lại, không làm giảm nỗ lực kinh doanh họ, đồng thời phù hợp với môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường, tạo ra sự bền vững cho HTX?
Có thể hỗ trợ HTX những gì nữa?
Hiện nay, các HTX có rất nhiều khó khăn để cạnh tranh, để tiếp cận thị trường. Riêng đối với các HTX nông nghiệp, dịch vụ đầu ra hay bao tiêu sản phẩm cho thành viên là dịch vụ quan trọng, cần thiết nhất đối với thành viên của họ. HTX vì vậy rất cần được hỗ trợ tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm, đầu tư xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu,…cả ở cấp địa phương và cấp quốc gia. Những thông tin về thị trường, về sản phẩm, về thị hiếu khách hàng,… là quan trọng sống còn với hoạt động kinh doanh của HTX và thành viên. Và các thông tin này cần được cung cấp có chất lượng, thường xuyên, liên tục và về cơ bản nên là miễn phí cho HTX. Có rất nhiều đơn vị có thể cung cấp thông tin là từ trung ương, các sở chuyên ngành, Liên minh HTX, các tổ chức hiệp hội đa ngành và chuyên ngành, các viện nghiên cứu, các dự án phát triển…
HTX cần được hỗ trợ cả trước mắt và lâu dài về đào tạo và nhất là được tư vấn cụ thể, chuyên sâu từng vấn đề. Kinh nghiệm từ các nước có mô hình HTX phát triển, đây là hình thức hỗ trợ hiệu quả lâu dài, không ảnh hưởng đến mội trường cạnh tranh, tạo sự bền vững lâu dài cho từng HTX và cả khu vực kinh tế HTX nói chung. Bên cạnh việc có thể dễ dàng tiếp cận với tín dụng thương mại, HTX cũng rất cần được hỗ trợ thông qua các quỹ hỗ trợ, quỹ bảo lãnh như các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác. Với rất nhiều HTX, việc dễ dàng tiếp cận, việc được vay vốn với lãi suất thị trường bình đẳng như các đối tượng khác còn quan trọng hơn nhiều so với việc được ưu đãi lãi suất.
Ngoài ra, HTX rất cần được tạo điều kiện tham gia trực tiếp các chương trình kinh tế xã hội ở địa phương như chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình nông thôn mới, chương trình cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hay thủy lợi ở địa phương; chương trình OCOP… Khi được tham gia trực tiếp vào các chương trình, dự án này, các HTX sẽ có thêm thu nhập, có thêm việc làm cho thành viên. Hơn thế nữa, vai trò kết nối cộng đồng của HTX sẽ được khẳng định, HTX được nâng cao uy tín và vị thế của mình tại địa phương để tiếp tục phát triển.
Phạm Quang Vinh
Chuyên gia tài chính và kinh tế phát triển
Kỳ sau: Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với HTX