Năm qua, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có 8 mặt hàng gia nhập “câu lạc bộ” 1 tỷ USD trở lên, trong đó có một số mặt hàng có kim ngạch thuộc nhóm cao hơn 3 tỷ USD.
Vậy nhưng, theo đánh giá khách quan, những con số này vẫn chưa thể hiện hết tiềm năng, thế mạnh của một đất nước được ví là “rừng vàng, biển bạc”, “lưng dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, mặt nhìn ra biển Đông bao la”.
Sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên
Điều này đang chứng minh, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn sản xuất dựa nhiều vào nguồn lao động giá rẻ, sử dụng nhiều tài nguyên. Ngoài ra, đóng góp của khoa học công nghệ vào ngành nông nghiệp chưa thực sự lớn, chỉ đạt khoảng 35%...
Một trong những minh chứng rõ nét hiện nay là các HTX gốm sứ, thủ công mỹ nghệ, HTX chăn nuôi phần lớn là sử dụng lao động đã già hóa. Dây chuyền sản xuất đã lâu năm nên ngay trong ngành chăn nuôi hiện vẫn được xếp vào lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường lớn nhất trong nông nghiệp. Mỗi năm, ngành này thải ra 156,8 triệu tấn phân nhưng đến 70-80% không được xử lý phù hợp.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, cho biết các HTX ngành thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi hiện nay phần lớn vẫn tận dụng lao động và không gian trong các hộ gia đình để sản xuất kinh doanh. Các nguyên liệu sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, chưa rõ nguồn gốc, làm ảnh hưởng đến môi trường và tính bền vững của ngành nông nghiệp. Trong khi lao động ở các HTX này phần lớn là đã có tuổi, bởi bị cạnh tranh trực tiếp từ các khu công nghiệp.
HTX cần được khuyến khích trong chuyển đổi số, phát triển xanh. |
Do đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn phát triển theo chiều rộng, chưa phát triển theo chiều sâu, chưa thực sự chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững.
Điều này xét cho cùng là dẫn đến thu nhập của nông dân, thành viên HTX vẫn còn thấp. Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy tính đến hết năm 2023, doanh thu của HTX tăng bình quân 5,1% so với năm 2022; thu nhập của thành viên HTX nông nghiệp tuy đã tăng 3 - 7%; HTX phi nông nghiệp tăng 2,1 - 7,5% nhưng trung bình thu nhập của mỗi thành viên trong HTX chỉ khoảng 56 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, hiện nay, trên thế giới đang phát triển nông nghiệp bằng cách thúc đẩy chuyển đổi số song song với chuyển đổi xanh nhằm bảo hiệu quả và bền vững. Các mô hình sản xuất kinh doanh theo lối truyền thống, sử dụng nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động đang khó cạnh tranh và khó tiếp cận thị trường trong và ngoài nước với tiêu chuẩn ngày càng cao.
Muốn chuyển đổi xanh cần song hành chuyển đổi số
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay muốn phát triển nông nghiệp bền vững, nông sản có khả năng cạnh tranh trên thị trường thì buộc HTX, người dân phải thực hiện song hành hai nhiệm vụ đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Hay nói cách khác, muốn chuyển đổi xanh, phát triển bền vững thì cần thực hiện chuyển đổi số.
Bởi công nghệ số có vai trò quan trọng, tương hỗ để đưa sản xuất nông nghiệp chuyển đổi hiệu quả sang hướng xanh, thân thiện với môi trường, hạn chế phát thải.
Tuy nhiên, để các HTX chuyển đổi số, Nhà nước cần sớm có khung khổ pháp lý vững chắc làm động lực thúc đẩy.
Ông Lâm Tuấn Ngọc, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc (TP. HCM) cho biết trong quá trình chuyển đổi số, việc “lấp đầy” kiến thức và kỹ năng ứng dụng, vận hành công nghệ cho nông dân và cán bộ HTX vẫn còn không ít khó khăn. Trong khi thị trường tiêu thụ nông sản xanh trong nước chưa thực rộng mở khiến HTX khó duy trì và phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, một số chính sách vẫn chưa chú trọng đến đối tượng HTX khiến các HTX cảm thấy như bị "bỏ rơi" trong công cuộc số hóa.
Theo các chuyên gia, HTX có thể thực hiện chuyển đổi số hoặc thực hiện song song giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để mang lại hiệu quả phát triển bền vững cao hơn.
Hiện, các chính sách, quy định pháp luật về sản xuất xanh được đánh giá là có quy chuẩn rất cao nhưng nhận thức và hành động của thành viên HTX bắt đầu ở mức thấp. Do đó, cơ quan quản lý cần có cơ chế khuyến khích HTX ứng dụng công nghệ mới, sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học đi liền với nghiên cứu những quy trình khoa học để các HTX có thể thuận lợi áp dụng trên diện rộng.
Theo TS. Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật ( Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT), đã có nhiều công nghệ trong nông nghiệp, chăn nuôi nhưng nguồn vốn đầu tư rất lớn, vượt quá tầm với của nông dân, HTX.
Chẳng hạn một năm, doanh thu của HTX chỉ khoảng 1-2 tỷ đồng thì khó có thể đầu tư những công nghệ lên đến 4-5 tỷ đồng. Trong khi đối với nông dân, HTX, việc bỏ ra khoảng mấy trăm triệu đồng để đầu tư một hạng mục công trình, một máy móc, công nghệ cũng phải "tính toán lên xuống".
Do đó, cần có những công nghệ, máy móc mang lại tính hiệu quả nhưng phải phù hợp với khả năng của người làm nông nghiệp thì mới giúp sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Bởi, theo đại diện của các HTX, mô hình kinh tế tập thể đang phải đứng trước bài toán chi phí đầu tư lớn, đặc biệt là khi HTX thực hiện những dự án lớn. Nếu không đầu tư máy móc, công nghệ phù hợp thì sẽ khiến HTX rất dễ đội chi phí sản xuất. Khi đó, chi phí này sẽ cộng dồn vào giá sản phẩm khiến sản phẩm xanh càng khó thuyết phục khách hàng.
Vì thế, bà Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương (Bắc Kạn) cho rằng HTX ngoài tìm cách giúp cho người tiêu dùng biết là các sản phẩm xanh được làm ra như thế nào để xứng đáng với số tiền bỏ ra mua sản phẩm thì các cơ chế, công nghệ cần phù hợp với HTX để tránh xảy ra tình trạng lệch pha giữa thực tế của công nghệ và khả năng ứng dụng trong sản xuất của người dân.
Huyền Trang