Sau bão, HTX sản xuất nấm Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Bảo) bị thiệt hại nặng nề. Nhiều diện tích lán trại bị tốc mái, hơn 10.000 phôi nấm sò đang chuẩn bị thu hoạch bị hỏng, làm sụt giảm 70% năng suất, khó có khả năng phục hồi. Do không đủ sản lượng để cung cấp cho khách hàng, đơn vị đã tạm hoãn các đơn hàng cung cấp nấm sạch tới hàng loạt cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành phố.
Nhiều khó khăn, thách thức
Giá nguyên liệu rơm khô, bông, mùn cưa… tăng 30% so với thời điểm trước bão, nguồn hàng hạn chế. Vượt qua khó khăn, HTX đã chủ động tìm kiếm, thu mua được khoảng 30 tấn nguyên liệu cho vụ nấm mới. Hiện nay, HTX đang tích cực bắt tay vào sản xuất các phôi nấm mới, bảo đảm thu hoạch sản phẩm vào đúng dịp Tết sắp tới.
HTX sản xuất nấm Vĩnh Phong là một đơn vị có quy mô sản xuất nấm lớn nhất tại Hải Phòng. |
Trong khi đó, HTX Phúc Hoàng (thị trấn An Dương) chuyên trồng và cung cấp ra thị trường hoa, cây cảnh cao cấp... Với thời gian gần 9 năm ươm trồng, chăm sóc, HTX đã có trong tay hàng trăm cây anh đào trưởng thành. Những năm gần đây, mỗi khi mùa xuân về, hoa anh đào Sakura nở rực rỡ, lượng người kéo về HTX để “check in” ngắm hoa ngày càng đông. Ban lãnh đạo HTX đã định hướng phát triển HTX theo mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn.
Hoa anh đào chỉ nở vào mùa xuân, để biến khu đất 3ha thành khu vườn xanh mát rực rỡ bốn mùa, 16 thành viên của HTX đã quyết định trồng thêm nhiều loại hoa khác để phục vụ du khách tới tham quan như: trồng hoa sen vào mùa hè, bổ sung thêm các vạt hoa hướng dương, hoa hồng quanh lối...
Tuy nhiên, sau cơn bão Yagi, HTX đã thiệt hại gần 60 cây hoa anh đào Sakura trưởng thành (bị chết). Bà Quản Thị Ngọt – Giám đốc HTX Phúc Hoàng chia sẻ: “Khi biết tin có bão về, nhiều gốc cây anh đào đã được HTX gia cố, chống bằng các cây gỗ xung quanh để thêm chắc chắn. Nhưng khi bão đổ bộ vào Hải Phòng, với sức gió mạnh chưa từng có trong lịch sử, hàng loạt gốc cây anh đào của HTX đã bị bật gốc, nằm la liệt trong vườn. Ngay sau khi bão tan, tôi ra vườn nhìn mà bàng hoàng, không tin vào mắt mình. HTX đã huy động tất cả mọi người ra dọn dẹp khắc phục ngay, nhưng không được vì bão kết thúc thì mưa lụt kéo dài 5 ngày – bốn bề là nước lụt, các gốc cây bị ngâm nước lâu nên đã bị chết".
Không chỉ có thiệt hại về cây mà các mô hình, khuôn viên trang trí quanh HTX dành cho du khách tham quan đã bị gió thổi bay, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Bà Ngọt tỉ mỉ chăm sóc những cây hoa anh đào may mắn còn sống sót. |
Ông Nguyễn Văn Vinh – Thành viên Ban lãnh đạo HTX Phúc Hoàng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hoa anh đào TP. Hải Phòng cho biết, mỗi gốc hoa anh đào trưởng thành có trị giá trung bình 70 triệu đồng, có cây hàng trăm triệu. Nhưng tiếc hơn cả là công mình chăm sóc cây gần 10 năm, từ lúc cây nhỏ xíu cho đến khi trưởng thành. HTX đã tìm mọi phương pháp cứu chữa nhưng cây không thể sống được, đành phải chặt bỏ. Hiện nay, toàn HTX chỉ còn hơn 30 cây anh đào trưởng thành. HTX đang tích cực chăm sóc, nhân giống các cây anh đào nhỏ.
Các thành viên HTX đang hối hả cắt tỉa, chăm sóc những cây anh đào còn sống, dọn dẹp vườn cây, trồng bổ sung thêm các loài cây mới, dựng lại những cổng chào, tiểu cảnh đã bị đổ… Mọi người đều ôm ấp hy vọng vào dịp Tết năm 2025, những cây hoa anh đào còn sống sẽ nở hoa thật rực rỡ để du khách xa gần có thể tới tham quan.
Loay hoay xoay vốn
Không phải HTX nào sau bão cũng có thể bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất như HTX Nấm Vĩnh Phong, hay HTX Phúc Hoàng. Có những HTX rất muốn bắt đầu sản xuất trở lại nhưng lại gặp khó khăn về vốn và thời vụ nên tạm phải thu hẹp sản xuất. Ví dụ như trường hợp của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng. Sau bão, hơn 100 ha đầm nuôi trồng thủy sản nước lợ của HTX đều bị thiệt hại nghiêm trọng.
Trước bão, thành viên của HTX chủ yếu phát triển nuôi trồng thủy sản với 2 sản phẩm chính là tôm sú và cua. Với tôm sú, thời gian nuôi quảng canh từ 5-6 tháng cho thu hoạch, còn cua nuôi khoảng 5 tháng cho thu hoạch.
Trước bão, sản phẩm tôm, cua của HTX luôn được thương lái săn lùng (ảnh tư liệu). |
Do nuôi trồng chủ yếu theo hướng quảng canh (thức ăn tự nhiên) nên chất lượng sản phẩm tôm, cua luôn thơm ngon, ngọt và chắc thịt hơn các vùng nuôi khác, lại được giá. Như giá cua thịt được thương lái thu mua tại đầm là 600.000 đồng/kg.
Sau bão, nước lụt nhiều ngày nên hầu hết tôm, cua nuôi trong hơn 100 ha của HTX đã bị nước cuốn trôi, số cua không bị nước cuốn trôi thì bị chết do mưa nhiều khiến cua bị xót mắt.
Ông Ngô Văn Toán- Giám đốc HTX chia sẻ với phóng viên: "HTX bị thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng sau bão do toàn bộ tôm, cua sắp đến thời kỳ thu hoạch đều bị nước cuốn trôi, chết hết. Từ nay đến cuối năm, dự kiến HTX không có hàng hóa để cấp bán ra thị trường, do thời tiết miền Bắc sắp chuyển sang mùa đông lạnh nên khó nuôi tôm, cua quảng canh. Bên cạnh đó là khó khăn về vốn khi HTX và nhiều bà con khác chưa xoay được vốn cho đầu tư sản xuất. HTX sẽ tập trung cải tạo đầm nuôi, tìm kinh phí và chờ qua Tết để xuống giống".
Hiện nay, hầu hết các khoản vay của các HTX cho đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế đều là vay dựa trên việc thế chấp tài sản của các thành viên, chưa tiếp cận được nguồn vay tín chấp ưu đãi. Trong giai đoạn khó khăn này, mong muốn của các HTX nói chung và HTX nuôi trồng thủy sản tại xã Tiên Thắng nói riêng là sớm được tiếp cận các chính sách cho vay vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội; đối với các khoản vay cũ được giãn hoãn nợ và giảm lãi suất. Khi khó khăn về nguồn vốn được tháo gỡ kịp thời thì HTX mới có thể trở lại hành trình khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.
Thanh Vân