Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phong trào KTTT từng bước ổn định và phát triển. Các mô hình KTTT kiểu mới được mở rộng, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương. Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động các HTX, nhằm phát triển khu vực KTTT.
![]() |
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự chia sẻ kinh nghiệm với tỉnh TRà Vinh
Giảm số lượng, tăng cường về chất
Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 89 HTX, hơn 2.089 tổ hợp tác (THT) với 41.302 thành viên; trong đó có 1.845 THT nông nghiệp và 244 THT hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Các HTX, THT cùng giúp nhau vay vốn, đưa tiến bộ KH-KT đến với người nông dân để áp dụng vào sản xuất kinh doanh. Các nguồn lực đất đai, nguyên liệu, vốn, lao động tại địa phương được khai thác tối đa, nhằm tạo ra những phương cách làm ăn mới, hướng tới sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Qua đó, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho các hộ nông dân, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong số 39 HTX nông nghiệp, có 29 HTX được thành lập tại các xã có cánh đồng lớn và trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các HTX thành lập mới và hoạt động khá tốt. Đối với một số HTX kiểu cũ làm ăn yếu kém, ngưng hoạt động thì kiên quyết giải thể.
Ông Đinh Công My - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Liên minh tỉnh đang đẩy mạnh việc thành lập các HTX theo mô hình mới nhằm gia tăng số lượng và chất lượng. Còn 47 HTX hoạt động yếu kém, tạm ngưng thì sẽ giải thể. Thực tế, vẫn còn các HTX hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, vốn ít, năng lực sản xuất hạn chế, chưa liên kết được thị trường, không xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, không có tài sản thế chấp nên việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi còn gặp nhiều khó khăn” .
Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ đoàn cán bộ ở các huyện đi tham quan và học tập kinh nghiệm tại tỉnh Hậu Giang; tổ chức đoàn cán bộ và các HTX đi xúc tiến thương mại tại Saigon Co-op; các HTX nghêu đi thăm và học tập kinh nghiệp các HTX nghêu ở tỉnh Bến tre…
Dù vậy, các HTX phần lớn có tư tưởng thụ động, trông chờ vào sự ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, thiếu chủ động, nỗ lực vươn lên. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chậm đến các cơ sở KTTT, thiếu kịp thời, khó áp dụng (đất đai, vốn...). Đặc biệt, một số cấp ủy, ban ngành nhận thức chưa đầy đủ về vai trò KTTT, chưa quan tâm đúng mức đến việc đổi mới, phát triển KTTT.
Đẩy mạnh phát triển theo mô hình mới
Ông Ngô Chí Cường - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh đề nghị Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh việc phát triển HTX theo mô hình kiểu mới nơi có cánh đồng lớn và các xã xây dựng nông thôn mới; tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng KH-CN mới, tiếp cận vốn vay ưu đãi, ưu tiên cho loại hình HTX nông nghiệp; tạo điều kiện để HTX, tham gia các chương trình mục tiêu phát triển KT-XH.
Ông Trương Quốc Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh, cam kết sẽ củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTTT, xây dựng mô hình HTX kiểu mới. Phát triển KTTT với nhiều hình thức phong phú, đa dạng về lĩnh vực, phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng, hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi cho HTX. Tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, mở rộng theo mô hình kiểu mới nhằm nhân rộng; ưu tiên hỗ trợ phát triển các loại hình KTTT.
Ông Võ Kim Cự - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, nhận định: “KTTT Trà Vinh đã đạt kết quả tốt so với khu vực. Các mô hình HTX kiểu mới được mở rộng trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản, TTCN… đã đem đến hiệu quả cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế, chưa giải quyết tồn đọng của các HTX cũ. Vì vậy, phải làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa nhằm tăng cường vai trò KTTT, đưa KTTT trở thành chủ lực của địa phương. Đồng thời, xác định rõ việc nhân rộng của mô hình thí điểm HTX kiểu mới nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, theo đúng bản chất các HTX, Liên hiệp HTX tại vùng ĐBSCL”.
Mô hình HTX kiểu mới là một giải pháp cơ bản, lâu dài, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, giúp hộ nông dân khắc phục được một cách cơ bản thua thiệt trên thị trường. Từ đó giúp cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng lớn thành viên nông dân và dân cư địa phương.
Lê Thuận