Từ giữa tháng 5 đến nay, giá lợn hơi đã có những đợt tăng giá trở lại và đạt bình quân từ 58.000-59.000 đồng/kg. Mức giá này được đánh giá là đã giúp các trang trại quy mô lớn, HTX có lãi sau thời gian dài phải bù lỗ.
Khó tái sản xuất
Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm, người chăn nuôi lao đao bởi bài toán chi phí do giá thức ăn chăn nuôi tăng “phi mã”, thì từ tháng 5/2023 đến nay thức ăn chăn nuôi đã có những lần giảm giá từ 1,3 - 3,2% so với thời điểm đầu năm.
Thông thường, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm từ 60- 70% giá thành sản xuất, vì vậy việc giá thức ăn chăn nuôi giảm cùng với giá bán các sản phẩm chăn nuôi đang tăng trở lại có thể xem là tín hiệu tốt trong những tháng cuối năm để người dân, HTX phục hồi sản xuất sau một giai đoạn khó khăn kéo dài.
Tuy nhiên, theo HTX nông nghiệp Hưng Đạo (Cao Bằng) dù thị trường có nhiều tích cực cũng những dự báo có phần khả quan về giá lợn nhưng HTX vẫn không dám mở rộng sản xuất, một phần do thị trường trường còn nhiều bấp bênh và quan trọng hơn là muốn chăn nuôi tốt thì cũng đồng nghĩa cần nguồn vốn lớn.
“Thời gian qua, lúc giá lợn vượt 60.000 đồng cũng chỉ giúp HTX phần nào bù vào khó khăn của năm sản xuất trước. Trong khi từ nay đến cuối năm tiềm ẩn nhiều dịch bệnh nên nếu không cẩn thận sẽ rơi vào thua lỗ”, ông Trương Văn Đông, Giám đốc HTX Hưng Đạo cho biết.
Hay trong sản xuất cây ăn quả, dù thị trường xuất khẩu có những tín hiệu tích cực nhưng không ít HTX vẫn gặp khó khăn trong duy trì và phát triển sản xuất. Chẳng hạn như một số HTX, tổ hợp tác trồng thanh long ở Long An, Bình Thuận… đang đứng trước lựa chọn tiếp tục hay nên dừng trồng loại cây này.
Ông Trần Đình Trung, Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến (Bình Thuận) chia sẻ giá thanh long đang ở mức thấp hơn 50-60% so với hồi đầu năm. Thanh long ruột trắng thu mua tại vườn chỉ từ 7.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 8.000-10.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng thanh long không hề vui. Thậm chí nhiều người chặt bỏ hoặc để mặc vườn thanh long vì đầu ra bất lợi, không đủ chi phí tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất.
“Thị trường Trung Quốc thường nhập nhiều thanh long từ tháng 1 đến tháng 5. Nếu không tiếp tục đầu tư thì khi nhu cầu thị trường lớn và giá tăng, người dân, HTX lại không có hàng để bán”, ông Trung cho biết.
Giá xuống thấp khiến người dân, HTX trồng thanh long gặp khó trong tái sản xuất. |
Đặc biệt, để ổn định thị trường, các HTX chắc chắn phải sản xuất theo quy trình nhưng theo tính toán của các HTX, ngoài kỹ thuật thì chi phí thường xuyên cho sản xuất thanh long cũng không hề đơn giản. Để sản xuất thanh long đạt chuẩn an toàn, hữu cơ gắn liền với yêu cầu sản phẩm có giấy chứng nhận, HTX cần có nguồn vốn không hề nhỏ. Chẳng hạn giấy chứng nhận hữu cơ cho thanh long hiện khoảng 5 triệu đồng/ha và phải tái cấp khi hết hạn. Chính vì vậy mà nhiều ý kiến cho rằng chỉ HTX, doanh nghiệp có tiềm lực mới duy trì được việc sản xuất theo quy trình.
Mở cơ hội tiếp cận vốn
Có thể thấy, nhiều HTX đang gặp những khó khăn nhất định nên dù rất muốn tái đầu tư, phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng cũng vẫn e dè. Trong khi sức lực của nhiều HTX đã bị bào mòn từ thời kỳ dịch Covid-19 cộng thêm nhiều thách thức mới của thị trường.
Theo các chuyên gia, các thách thức lớn hiện nay đối với HTX chính là áp lực thị trường, dòng vốn, thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế tập thể, HTX.
Cụ thể như xuất - nhập khẩu chịu tác động rõ nét hơn từ sự sụt giảm mạnh nhu cầu tại các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc. Mặt bằng lãi suất cho vay thực tế với nhiều HTX vẫn còn cao nên nhiều HTX không thể tiếp cận được. Ông Trần Đình Trung, cho biết xuất khẩu sang các thị trường châu Âu của HTX thời gian này bị khó khăn khiến thanh long chỉ quanh quẩn ở nội địa, càng khiến người dân, thành viên HTX gặp nhiều áp lực.
Thực tế, từ nay trở đi là thời điểm nhiều HTX cần đầu tư cho vụ, lứa sản xuất mới để đón thị trường cuối năm. Tuy nhiên, việc tái sản xuất của những HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX ở một số ngành hàng nông nghiệp trọng điểm đang gặp nhiều khó khăn và thiếu vốn để mua giống, vật tư, thuê nhân công, máy móc phục vụ sản xuất nên thành viên, hộ liên kết người dân không mặn mà sản xuất các vụ tiếp theo. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu cho đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bà Đỗ Hồng Hoa, HTX nuôi trồng thủy sản Hồng Hoa (Cà Mau) cho biết HTX không hề thuận lợi trong việc xoay sở nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Ngay như việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng cũng không hề đơn giản. “HTX rất muốn được tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn để tái sản xuất, mở rộng kinh doanh”, bà Hoa chia sẻ.
Để tháo gỡ những khó khăn này, nhiều ý kiến cho rằng thực chất trong sản xuất nông nghiệp, vốn vẫn là một trong những lực cản khiến nhiều HTX khó phát triển và mở rộng sản xuất. Nhằm tạo điều kiện cho các HTX phát triển sản xuất, thời gian qua đã có những chính sách cho khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp cận nguồn vốn như Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP… nhưng số HTX đủ mạnh, đủ điều kiện để tiếp cận những nguồn vốn này vẫn hạn chế.
Gần đây, Nhà nước cũng có Nghị quyết số 43/2022/QH15 về hỗ trợ HTX trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm giúp người dân, HTX, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ ít HTX tiếp cận được nguồn vốn này trong khi thời gian áp dụng hỗ trợ từ nghị quyết 43 đã sắp hết (31/12/2023).
Chính vì vậy, nhiều HTX mong muốn Nhà nước nên xem xét nới thời gian của chính sách này để mở thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho các HTX. Bên cạnh đó, phía ngân hàng, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh, tập trung hướng dẫn cụ thể quy trình cho vay, thủ tục vay vốn nhằm nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX đủ điều kiện tiếp cận vốn.
Huyền Trang