Các trang bán hàng online giúp người mua và người bán có thể dễ dàng kết nối với nhau. |
Ứng dụng nền tảng kinh tế số trong phát triển sản xuất kinh doanh nông sản đã hình thành ở thị trường Việt Nam trong những năm gần đây và phát triển khá mạnh. Mạng xã hội và các ứng dụng kết bạn đã hình thành nền móng cho các giao dịch ứng dụng nền tảng số đơn giản và hiệu quả.
Chỉ 10% HTX chú trọng bán hàng trên mạng xã hội
Đến nay, các nền tảng này đã không ngừng tăng cả về quy mô và số lượng. Các mặt hàng giao dịch cũng đa dạng từ tươi sống, chế biến đến đông lạnh. Ở mức độ cao hơn trên thị trường Việt Nam đang hình thành các nền tảng kinh doanh nông sản, thu hút các doanh nghiệp, HTX tham gia như: chợ nông sản (http://cnsv.vn), sàn trao đổi kiến thức nông sản (http://santrithuc.vn/), chợ Việt online (https://chovietonline.net/), sàn hợp tác xã (Hoptacxa.vn)…
Thực tế tại các doanh nghiệp, việc áp dụng nền tảng kinh tế số là điều tất yếu giúp mang lại những hiệu quả thiết thực như: giúp quảng bá thông tin và tiếp thị cho thị trường toàn cầu với chi phí thấp, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, từ đó tăng khả năng cạnh tranh... Tuy nhiên, với khu vực kinh tế hợp tác, HTX, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào trong sản xuất, phát triển chuỗi giá trị vẫn còn sơ khai. Cụ thể, nếu gõ lệnh tìm kiếm "hợp tác xã" hoặc "HTX" trên mạng xã hội facebook sẽ hiện ra khá nhiều trang web của các HTX. Nhưng khi kích vào các trang web này sẽ thấy số trang hoạt động thường xuyên và có nhiều đối tượng theo dõi là rất ít.
Còn theo nghiên cứu của Ts. Nguyễn Thị Bích Thủy (Đại học Thương mại) về ứng dụng nền tảng kinh tế số của khu vực HTX trong phát triển chuỗi giá trị nông sản tại 6 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Sơn La, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ cho thấy, đã có 90% HTX sử dụng hình thức bán hàng online. Tuy nhiên, mới chỉ có 10% HTX có bộ phận chuyên trách bán hàng thông qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook. Đặc biệt, mô hình chợ điện tử (được tổ chức chặt chẽ hơn) chưa được các HTX quan tâm.
Điều này chứng minh rằng, các HTX vẫn chưa bắt kịp với xu hướng hiện đại để thay đổi chính mình. Nguyên nhân được chỉ ra là vì dù hoạt động trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và yếu tố con người luôn được coi trọng trong mô hình HTX kiểu mới nhưng hiện nay, các cán bộ, thành viên HTX vẫn chủ yếu làm việc theo phương thức truyền thống. Việc tiếp nhận công nghệ mới, nền tảng kỹ thuật số khiến họ phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu.
Đây cũng là một trong những thách thức đối với HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường (Vụ Bản-Nam Định). Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý HTX đều là các cựu chiến binh đã cao tuổi (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX đã 70 tuổi) nên mọi giao dịch chủ yếu thực hiện theo hình thức ghi chép. Chính vì vậy, Ban giám đốc HTX mong muốn sẽ được hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn nhân lực và thu hút trí thức trẻ về làm việc, vì hiện nay HTX chưa tìm được cán bộ trẻ vào làm việc.
Bên cạnh yếu tố nguồn nhân lực, hiện quy mô các HTX vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và chủ yếu thực hiện theo hình thức hộ gia đình. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất chưa được chú trọng. Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đến tháng 6/2020, cả nước có 16.240 HTX nông nghiệp nhưng mới chỉ có 1.292 HTX ứng dụng công nghệ cao (chiếm 8% tổng số HTX nông nghiệp cả nước); 3.219 HTX thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp (chiếm 24,9% tổng số HTX).
Chủ động kết nối để tạo sức mạnh
Thực tế sản xuất tại một số tỉnh đã bước đầu hình thành được các chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản với sự đóng góp của nền tảng kinh tế số. Sơn La là tỉnh thực hiện khá bài bản và thành công 12 chuỗi giá trị rau và hoa quả. Hình thức chuỗi phổ biến nhất là một đơn vị đầu tư khép kín tất cả các công đoạn từ sản xuất đến tiêu thụ, hoặc tỉnh đứng ra xây dựng, giao trách nhiệm từng khâu, từng công đoạn của chuỗi cho các HTX, doanh nghiệp.
HTX Hoa quả Quyết Tâm và HTX Nông nghiệp Hữu cơ Vân Hồ là 2 đơn vị tiêu biểu tại Sơn La đang áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm của các thành viên làm ra. Với mô hình sản xuất theo chuỗi, 2 HTX này đang có sản lượng nhãn khoảng gần 300 tấn/năm và ký hợp đồng cung ứng sản phẩm nhãn cho CTCP Thương mại xuất nhập khẩu IVN xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện, 2 HTX có đầu ra tương đối thuận lợi vì sản phẩm bảo đảm chất lượng và đặc biệt là tận dụng Zalo, Facebook và một số sàn thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước ngay cả khi dịch Covid-19 diễn ra thời gian qua.
Có thể thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra các nền tảng công nghệ giúp khơi thông dòng thông tin, hỗ trợ mọi quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ. Vì vậy, việc kết nối chuỗi cung ứng chuỗi nông sản giữa nông dân-HTX-doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn. Mọi khâu sản xuất, các công đoạn được thực hiện trong chuỗi đều có thể minh bạch bằng công nghệ, bằng quy trình từ đó giúp các HTX, doanh nghiệp củng cố niềm tin với khách hàng.
Trong mô hình này, thông qua các nền tảng kết nối, các chủ thể như HTX, doanh nghiệp, khách hàng cũng có thể tiếp cận và liên kết với nhau để tạo thành chuỗi, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị nông sản.
Tuy nhiên, để các HTX ứng dụng nền tảng số trong sản xuất và xây dựng chuỗi, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, thu hút trí thức trẻ nhằm đáp ứng yêu cầu của khoa học công nghệ 4.0 là việc hết sức cần thiết. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý và sản xuất của các thành viên HTX sẽ giúp đáp ứng yêu cầu phát triển HTX trong tình hình mới. Đây cũng là vấn đề được Liên minh HTX đặc biệt quan tâm những năm qua. Tuy nhiên, tự thân HTX phải bảo đảm uy tín, xây dựng thương hiệu, khả năng phát triển bền vững thì những chính sách hỗ trợ, đãi ngộ về đào tạo nhân lực, thu hút trí thức trẻ về làm việc mới đi vào thực tiễn.
Ngoài ra, do đặc tính của nông sản dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, điều kiện bảo quản, vận chuyển nên giao dịch điện tử đối với nông sản khó khăn hơn các mặt hàng khác. Vì vậy, việc triển khai ứng dụng nền tảng số đối với chuỗi nông sản đòi hỏi phải có kỹ thuật cao hơn trong canh tác, bảo quản, phát triển hệ thống kho bãi vận chuyển phải nhanh chóng, kịp thời.
Theo Ts. Nguyễn Thị Bích Thủy, năng lực liên kết giữa các HTX là rất quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh. Các HTX cần chủ động kết nối với nhau trong một mạng lưới nhằm tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh IoT, đồng thời có thể kết nối với hệ thống của các khách hàng lớn trên thế giới.
Bà Thủy cũng cho biết, để thực hiện tốt mô hình này, cần sự trợ giúp của Nhà nước trong việc tạo hành lang pháp lý và tổ chức thực hiện nền tảng kỹ thuật số trong phát triển chuỗi nông sản. Bởi lẽ công việc này tốn nhiều chi phí, công sức để thuyết phục các chủ thể tham gia, trong khi chưa có hệ thống chính sách thúc đẩy ứng dụng nền tảng kỹ thuật số trong chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản nói chung và nông sản nói riêng.
Khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang thu hút khoảng 8 triệu thành viên và đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên đến nay, Bộ NN&PTNT cũng chưa chắp bút cho đề án nào về ứng dụng nền tảng kinh tế số trong chuỗi cung ứng xuất khẩu. “Việc tạo hành lang pháp lý rõ ràng sẽ huy động được sự vào cuộc tích cực của các HTX, doanh nghiệp cũng như chính quyền tại các địa phương trong việc ứng dụng nền tảng kinh tế số, từ đó đưa KTTT, HTX phát triển”, bà Thủy nói.
Như Yến