Làng dệt đũi Nam Cao hình thành từ 400 năm trước, nổi tiếng cả nước về nghề ươm tơ, dệt lụa. Đũi Nam Cao thời bấy giờ cung cấp cho vua chúa và giới quý tộc.
Hồi sinh làng đũi hơn 400 tuổi
Kể về thời hoàng kim của làng đũi, nghệ nhân mái tóc bạc phơ không khỏi tiếc nuối khi nhắc đến những nương dâu xanh ngắt, vắt vẻo trên những triền đê, những nong tằm vàng ươm và mùa bắt kén rộn ràng khắp thôn ngõ. Những ngày lễ, Tết trẻ con rộn ràng, náo nức trong tấm áo đũi mới may.
Ngay cả những nghệ nhân cả đời gắn bó với lụa cũng phải ngậm ngùi bỏ nghề vì hàng làm ra không bán được, khó cạnh tranh với mặt hàng may công nghiệp. Những bộ khung cửi trăm năm bỗng bị “ghẻ lạnh”, phủ bụi, mối mọt trên gác bếp, thậm chí nhiều gia đình phá làm... củi đun.Thế nhưng, khi thời thế đổi thay, làng nghề truyền thống quê hương rơi vào tình cảnh suy thoái trong cơn bão kinh tế thị trường. Nếu trở về làng đũi Nam Cao trong khoảng những năm 2010 thì hiếm ai có thể nghe tiếng khung cửi lách cách hay nhìn thấy người ta phơi kén, kéo sợi bởi làng nghề truyền thống đang dần rơi vào quên lãng.
Chị Lương Thanh Hạnh, Giám đốc HTX trao đổi công việc với nghệ nhân dệt vải. |
Đứng trước nguy cơ bị xóa xổ, làng đũi Nam Cao bỗng “vui” trở lại khi HTX dệt đũi Nam Cao được thành lập. Điều kỳ lạ là người đứng lên thành lập HTX và cùng bà con hồi sinh làng nghề không phải là người dân gốc Nam Cao mà lại là một phụ nữ xa lạ.
Giám đốc HTX dệt đũi Nam Cao Lương Thanh Hạnh cho biết chị từng làm trong ngành nội thất, trang trí nên có cơ hội tiếp xúc với lụa, đũi. Chị cho rằng chất liệu thô ráp, mộc mạc có giá trị cao, không đơn thuần là vải trang trí.
Lý giải vì sao chọn một làng nghề mai một để phát triển bởi chị cho rằng giữa thời điểm công nghiệp hóa, máy móc dần thay thế con người, các sản phẩm lụa trên thị trường khó giữ được cái “chất” ban sơ. Do đó, chị trân trọng các sản phẩm làm thủ công và mong muốn giữ nguyên cái hồn của đũi, lụa.
Nhiều người cho rằng người này thực sự “điên” khi quyết định khởi nghiệp ở một làng nghề dệt gần như “chết”. Nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi khi bỗng nhiên có người muốn gây dựng lại làng nghề. Mọi thứ đều xuất phát điểm từ con số 0 tròn trĩnh: lòng tin, tiền bạc, đất đai, kỹ thuật…
Khung cửi 100 năm tuổi được trưng bày tại showroom. |
Chia sẻ quá trình vận động, thuyết phục người dân cùng hồi sinh làng đũi, người con gái thành phố này chẳng ngại chui vào chuồng bò để đưa bộ khung cửi 100 năm tuổi về đúng vị trí. Bằng sự chân tình và tâm huyết của mình, chị Hạnh đã vận động, thuyết phục được 30 thành viên tham gia HTX và hơn 100 hộ liên kết.
Có thể nói, sự xuất hiện của HTX dệt đũi Nam Cao chính là chiếc phao cứu sinh giúp làng nghề truyền thống sống lại và bắt đầu hành trình thứ hai một cách mạnh mẽ hơn.
Bà Nguyễn Thị Mùi (Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình) chia sẻ: “Làng nghề hồi sinh, chúng tôi vui như trẻ lại vì được tiếp tục gắn bó với nghề của ông cha và tham gia nhiều lễ hội văn hóa. 60 năm cuộc đời, chưa bao giờ tôi thấy làng đũi hưng thịnh như hiện nay, người dệt cũng được trân trọng như những nghệ nhân”.
Chinh phục khách hàng bằng “chất” và “thật”
Đũi Nam Cao trước đây chủ yếu chỉ có màu trắng ngà hoặc nhuộm màu nâu đất, chưa đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã. Đây cũng là yếu tố đũi Nam Cao khó cạnh tranh với hàng may mặc của Trung Quốc, Thái Lan trong thời đại kinh tế thị trường.
Nhận thấy điều này, ban lãnh đạo HTX dệt đũi Nam Cao đưa ra chiến lược phát triển chinh phục khách hàng bằng những giá trị “chất” và “thật”. Từ đó, HTX đã hình thành được chuỗi giá trị từ vùng nguyên liệu - sản xuất – tiêu thụ - xuất khẩu với 16 công đoạn.
Các sản phẩm thủ công đòi hỏi sự khéo léo, công phu của người dệt vải. |
HTX có vùng nuôi tằm với tổng diện tích khoảng 100 ha tại huyện Vũ Thư. Nguyên liệu kén được thu mua, sau đó giao về cho các hộ gia công sản xuất các khâu từ kéo đũi, quay tơ, đánh ống và dệt vải dưới sự hỗ trợ và tổ chức của HTX dệt đũi Nam Cao.
Những cuốn vải thô mộc sẽ được đưa lên Hà Nội để gia công tinh xảo thành áo dài, khăn tay, quần áo, phụ kiện, nội thất chăn, ga gối… Và xa hơn, đũi Nam Cao tiếp tục đi máy bay lên đường đi Tây. Chuỗi giá trị khép kín được HTX quản lý chặt chẽ và minh bạch nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó, 100% sản phẩm lụa, đũi đều được dệt thủ công, nhuộm bằng những màu thiên nhiên đạt chuẩn hữu cơ như màu đỏ của gấc, màu tím của nếp cẩm, màu xanh của lá cây, màu vàng nguyên bản từ kén tằm, màu nâu từ lá bàng…
Bắt kịp xu hướng thị trường, HTX sản xuất đa dạng các sản phẩm như vải lụa đũi, lụa tơ tằm, khăn, vòng lụa, chăn ga gối lụa thêu tay và đặc biệt là dòng sản phẩm khăn mặt, khăn tắm tự nhiên 100% tơ tằm…
Với tư duy mới, con người mới, HTX dệt đũi Nam Cao đã từng bước khôi phục làng nghề, đưa lụa đũi Nam Cao trở lại thời hoàng kim. Với doanh số trung bình 40 tỷ mỗi năm, HTX giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng.
Đưa đũi, lụa Việt vươn xa thế giới
Làng nghề dệt đũi Nam Cao đã chuyển mình. Và nay, những tấm lụa không chỉ dừng lại ở lũy tre làng mà sẽ còn tiếp tục với những chuyến hành trình xa hơn. Hiện nay, 80% sản phẩm xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á, còn lại 20% bán tại thị trường trong nước.
Tiết lộ về quá trình “mang chuông đi đánh xứ người”, chị Hạnh cho biết các sản phẩm lụa tơ tằm của HTX có thể không sản xuất trên dây chuyền hàng loạt, mà là sự kết tinh của tinh hoa vải dệt thủ công kết hợp với họa tiết vẽ tay riêng biệt độc bản, mang bản sắc văn hóa Việt.
HTX có đa dạng sản phẩm từ quần áo, phụ kiện, chăn ga, gối, mặt nạ làm đẹp... |
Bên cạnh đó, nữ giám đốc HTX cũng từng đưa nhiều đoàn khách du lịch về “mục sở thị” mô hình trồng dâu, nuôi tằm, dệt đũi. Chị cho rằng với trải nghiệm thực tế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và thương hiệu đũi Nam Cao sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.HTX dệt đũi Nam Cao và thương hiệu HanhSilk đã phối hợp với các nhà thiết kế sáng tạo các bộ sưu tập thời trang, đưa chất liệu lụa, đũi xuất hiện thường xuyên trên sàn diễn trong và ngoài nước.
Chị Hạnh cũng ấp ủ xây dựng “nhà máy dệt lụa sinh thái” để đón tiếp thêm nhiều tour du lịch quốc tế đến Việt Nam, thông qua đó quảng bá, giới thiệu sản phẩm văn hoá Việt đến với du khách quốc tế.
Do đó, HTX mong muốn Liên minh HTX các cấp và chính quyền địa phương tạo điều kiện cho HTX thuê đất, xây dựng khu sản xuất tập trung và khu tham quan trải nghiệm cho khách du lịch, từ đó đưa đũi Nam Cao vươn xa hơn.Tuy nhiên, giám đốc HTX cho biết trụ sở HTX hiện nay chỉ vỏn vẹn 100m2, không gian làm việc khá chật hẹp và chưa đảm bảo tiến độ cũng như yếu tố an toàn lao động. Các máy dệt đặt rải rác tại nhà dân nên quy trình sản xuất thiếu đồng bộ, chuyên nghiệp, năng suất chưa cao do thói quen sản xuất nông nghiệp.
Xuân Mai