Theo Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, cả nước có hơn 20.000 HTX đang hoạt động, với hơn 6,3 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động làm việc thường xuyên. Kinh tế hợp tác, HTX đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động, doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm.
Gian nan bán hàng
Đạt được những thành tựu đáng kể nhưng không ít HTX vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Miến Việt Cường (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), chia sẻ khó khăn mà các HTX gặp phải như thiếu vốn, công nghệ, trình độ quản lý yếu kém và đặc biệt là khâu tiếp cận đầu ra, nhất là việc đưa sản phẩm vào các kênh phân phối bán lẻ hiện đại.
Ông Ba giãi bày: "Chúng ta cứ nói tới nhân rộng mô hình sản xuất. Nhân rộng là tốt nhưng phải có quy hoạch, nắm rõ lợi thế của mỗi địa phương, tránh việc ồ ạt nhiều địa phương cùng đồng loạt sản xuất một sản phẩm, dẫn tới tình cảnh được mùa rớt giá"
Trên thực tế, sau nhiều năm lận đận, đến nay, sản phẩm miến của đơn vị này mới chỉ vào được SaigonCo.op và Big C, trong khi "cửa" vào nhiều siêu thị vẫn đóng.
"Những khó khăn mà chúng tôi gặp như siêu thị đòi hỏi sản phẩm đã vào được một hệ thống bán lẻ hiện đại nào chưa. Thậm chí, nhiều khi còn phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của ban thu mua siêu thị kiểu như "chúng tôi chưa có kế hoạch", ông Ba phàn nàn.
Trong khi đó, với thị trường xuất khẩu, việc chưa củng cố được thương hiệu đang là rào cản đối với hàng hóa Việt, ông Su De Mao – Hội trưởng Thương hội Xuất Nhập khẩu Hoa quả China – Asean Bằng Tường, cho biết hoa quả Việt Nam có tiềm năng sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, một số hoa quả Trung Quốc cũng sản xuất, trồng trọt, thời điểm Trung Quốc vào mùa sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của Việt Nam.
"Để cạnh tranh, chỉ có cách Việt Nam đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng lên, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn có thể lựa chọn", ông Su De Mao bày cách.
Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu, đẩy mạnh chế biến là chuyện không dễ dàng đối với các HTX, nhất là trong bối cảnh ít vốn, công nghệ lạc hậu.
Bà Trần Thị Hồng Lan, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN), dẫn lại số liệu của Cục Phát triển HTX (Bộ KH&ĐT) cho thấy đa số các HTX mới dừng ở cung cấp dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào cho hoạt động sản xuất của nông hộ, chỉ có 12% HTX thực hiện dịch vụ tiêu thụ, chế biến nông sản.
"Chỉ một tỷ lệ nhỏ HTX đã có nền tảng nuôi trồng sản phẩm đặc sản địa phương, khi được hỗ trợ ứng dụng công nghệ chế biến phù hợp, các sản phẩm sản xuất ra đều được thị trường đón nhận, có lợi thế cạnh tranh nhờ kết hợp hai yếu tố đặc sản bản địa được chế biến thông qua công nghệ gốc/tiên tiến, nhờ đó hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX phát triển ổn định, mở rộng sản xuất", bà Lan cho biết.
Bên cạnh đó, báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam cũng chỉ ra rằng, HTX còn thiếu thông tin, chưa nắm bắt thị trường công nghệ và quan trọng hơn là thiếu cả nguồn nhân lực trong quản trị và quản lý khoa học công nghệ (KHCN) ở HTX.
Từ đó việc tham mưu, tư vấn, tổ chức đầu tư, ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất còn nhiều hụt hẫng. Đồng thời, hiện nay, mới chỉ có khoảng 2% số HTX tiếp cận được vốn vay, còn phần lớn vẫn tự xoay sở.
Tiềm năng phát triển lớn, sản phẩm và chất lượng tốt nhưng cái chưa tốt nằm ở khâu bảo quản, phân phối và tiêu thụ, đặc biệt là tìm các thị trường bên ngoài Việt Nam |
Bắt tay để xây chuỗi
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, cho rằng cần nhìn ra điểm nghẽn cản trở phát triển HTX ở chỗ nào. Qua đó, cơ quan quản lý tạo điều kiện để có chính sách chung tay hỗ trợ phát triển các HTX. Kinh tế hợp tác không chỉ hợp tác mà còn là chia sẻ nguồn lực, đồng hành cùng nhau.
Cùng với đó, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Coop), chia sẻ rằng muốn sản phẩm vào được hệ thống siêu thị, bước đầu tiên là phải đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, điểm khó khăn nhất của các HTX nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung là khâu liên kết với nhau quá yếu kém, mạnh ai nấy làm. Vì vậy, thời gian tới, trong liên kết chuỗi cần có người đứng đầu quản lý chung.
Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, đơn vị bao tiêu đầu ra và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân đóng vai trò rất quan trọng, vì đầu ra là vấn đề quan ngại nhất của ngành nông nghiệp thời gian qua.
Bởi vậy, HTX bắt buộc phải tham gia chuỗi giá trị. Vì chỉ khi tham gia chuỗi, họ mới được hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, phân bón, con giống và đầu ra.
Người nông dân chỉ sử dụng đất đai và công sức của họ để tạo ra sản phẩm. Vấn đề là chúng ta tổ chức tốt để những người tham gia như nông dân, ngân hàng, nhà tài trợ thu được kết quả cao nhất.
Về công tác xúc tiến thương mại (XTTM), ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương), đề nghị Liên minh HTX Việt Nam làm đơn vị đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ các HTX thành viên tham gia các hoạt động XTTM trong và ngoài nước do Cục XTTM chủ trì như Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình nâng cao năng lực thiết kế phát triển sản phẩm, Chương trình xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm… nhằm hỗ trợ nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu, cải thiện năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các đề án trong Chương trình XTTM đảm bảo tính hiệu quả và khả thi trên cơ sở nhu cầu thiết thực của khối kinh tế hợp tác và tận dụng nguồn lực sẵn có.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh, muốn phát triển HTX cần thống nhất nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về HTX kiểu mới. Liên kết, hợp tác theo mô hình HTX là phương thức sản xuất khách quan của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. HTX là tổ chức kinh tế do người dân thành lập và tổ chức quản lý, phát triển bằng nguồn lực của HTX và huy động từ thị trường là chính, không ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.
"Các cấp ủy và chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác, HTX nhưng không can thiệp vào hoạt động của HTX; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật, HTX tiên tiến, mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị cần được thực hiện thường xuyên", Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam yêu cầu.
Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu HTX đang hoạt động và thành lập mới HTX theo mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị thì mới đảm bảo phát triển kinh tế hợp tác, HTX nhanh và bền vững, là phương thức tổ chức sản xuất có hiệu quả của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế.
Nhật Linh