Năm 2018, HTX nông nghiệp Phú Lương 1, xã Phú Lương, huyện Phú Vang và các hộ nông dân là thành viên của HTX đã triển khai dự án “Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với sản phẩm lúa hữu cơ. Đây là mô hình thí điểm được xây dựng theo mô hình doanh nghiệp - HTX - nông dân trồng theo phương pháp hữu cơ với quy trình kỹ thuật và vật tư nông nghiệp của Công ty TNHH MTV nông sản hữu cơ Quế Lâm cung ứng, bao tiêu đầu ra, quy mô diện tích sản xuất là 500ha.
Phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ
Ông Tôn Thất Thạnh, đại diện đơn vị Quế Lâm cho biết, khi tham gia mô hình này, do liên kết theo chuỗi nên đã giúp DN ổn định được nguồn nguyên liệu, giá cả rõ ràng nên dễ hạch toán trong kinh doanh, quản lí được tất cả các khâu từ nguyên liệu cung cấp giống ban đầu đến đầu ra của sản phẩm.
Ông Nguyễn Thụ, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Lương 1 cho biết, năm 2018 HTX Phú Lương 1 liên doanh, liên kết với đơn vị Quế Lâm để sản xuất lúa hữu cơ và bao tiêu sản phẩm với diện tích 67,6 ha/vụ, có 160 hộ tham gia. Ngoài việc cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón hữu cơ thì đơn vị Quế Lâm còn bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ với giá cố định là 8.000 đồng/kg, cao hơn giá trị trường khoảng 800/kg.
Đặc biệt, với kỹ thuật chăm sóc cho cây lúa chỉ bón phân hữu cơ, dùng thuốc trừ sâu sinh học để xử lý sâu bệnh, không phun thuốc diệt cỏ nên đã tránh được độc hại cho nhân dân, sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Quá trình canh tác đạt năng suất cao, giá cả ổn định ngày từ đầu vụ nên nông dân yên tâm sản xuất.
Nông dân tham khảo mô hình sản xuất giống lúa cho năng suất cao tại HTX nông nghiệp Phú Lương 1, huyện Phú Vang (Ảnh: TL) |
Ông Hồ Ðắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài HTX Nông nghiệp Phú Lương, ở Thừa Thiên Huế đã có khoảng 3.000 ha lúa sản xuất theo mô hình hữu cơ, chất lượng cao, phần lớn tập trung ở hai huyện Phú Vang, Quảng Ðiền. Các vùng sản xuất loại lúa này đều có sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, HTX nhằm tạo thương hiệu gạo sạch, có giá trị
Theo ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế, đến nay các địa phương trong tỉnh đã nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng được 26 nhà lưới với tổng diện tích khoảng 20.000 m2.
Các mô hình ứng dụng theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục phát triển, mở rộng tại các địa phương với diện tích lúa hơn 1.096 ha và 103 ha các loại rau (rau má, cải, xà lách, rau thơm,...). Nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ cho 353,3 ha, 21,6 ha rau các loại.
Một số hộ nông dân mạnh dạn đầu tư thành lập trang trại, nhà lưới sản xuất trồng trọt theo hướng công nghệ cao như trang trại trồng dưa lưới ở phường Thủy Biều (TP Huế) và rau thủy canh ở xã Phú Thượng (huyện Phú Vang),...
Hướng đến nền nông nghiệp bền vững
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang khuyến khích, ưu đãi chính sách đầu tư vào các dự án như: Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng công nghệ cao, đầu tư hình thành vùng sản xuất lúa, rau hữu cơ quy mô lớn, liên kết bao tiêu và chế biến sản phẩm chất lượng cao, khuyến khích người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... tỉnh cũng sẽ tập trung vào các dự án phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao.
Thừa Thiên Huế cũng sẽ ưu tiên các dự án liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm theo công nghệ mới và các dự án nghiên cứu lai tạo, cung ứng giống vật nuôi chất lượng cao. Thực hiện các dự án nuôi tôm trên cát áp dụng biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, CoC,...) và dự án phát triển trồng rừng gỗ lớn, hình thành vùng nguyên liệu dược quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến dược liệu gắn với ngành y học cổ truyền...
Mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường (Ảnh: TL) |
Mục tiêu là phát triển nông nghiệp bền vững với tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trung bình đạt hơn 3,5%/năm. Sản lượng lương thực có hạt đạt từ 310 đến 320 nghìn tấn/năm, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt từ 80 đến 100 nghìn tấn/năm.Sản lượng thủy sản đạt 73 nghìn tấn/năm, tỷ lệ độ che phủ rừng 57%, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên từ 1,6-1,9 lần so với năm 2016.
“Để đạt mục tiêu này, tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất và sẵn sàng trao đổi, thảo luận để giải quyết các kiến nghị, hiến kế của các nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm ăn lâu dài và có hiệu quả tại địa phương”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế Hồ Vang nhấn mạnh.
Phương Nam