Bản Xèo là một xã nghèo của huyện Bát Xát. Tuy nhiên, nếu ai đã đến đây đều không thể bỏ qua sản phẩm miến đao làm từ cây đao riềng đỏ mọc hoang bạt ngàn trên núi.
Khai thác tiềm năng, thế mạnh
Từ sản xuất nhỏ lẻ, người dân đã cùng nhau thành lập HTX Thành Sơn và thu hút 32 hộ thành viên và hàng trăm hộ liên kết.
Để bảo đảm vệ sinh thực phẩm, từ một phần vốn hỗ trợ trong chương trình nông thôn mới, HTX đầu tư dây chuyền chế biến củ đao riềng với kinh phí gần một tỷ đồng và xây dựng nhà xưởng trên diện tích 10.000 m2. Nhờ đầu tư máy móc, xưởng sản xuất chỉ cần 16 người làm việc trực tiếp.
Sản phẩm miến đao Thành Sơn khác biệt đối với miến đao của các địa phương khác bởi nguyên liệu sử dụng 100% là bột đao riềng đỏ. Sợi miến khi nấu giòn, dai nhưng lại mềm, nếu quá lửa cũng không nát. Nước nấu miến không bao giờ đục và cho hương vị riêng biệt.
Sản xuất theo hướng hàng hóa nên việc thu hoạch đao riềng dại là không khả thi. Chính vì vậy, HTX đã xây dựng vùng trồng nguyên liệu với diện tích 530ha, thu hút 400 hộ dân ở các xã Bản Xèo, Pa Cheo Dền Thàng, Cốc Mỳ, Mường Vi và Tả Phời tham gia sản xuất. Hiện, HTX ký hợp đồng thu mua nguyên liệu với giá 2,5 – 3,5 nghìn đồng/kg, bảo đảm người dân có lãi và không bị rớt giá.
![]() |
Sản xuất miến từ cây đao riềng đỏ giúp người dân nâng cao thu nhập |
Với quy trình sản xuất hiện đại, năng suất bình quân của HTX đạt 70-80 tấn miến thành phẩm mỗi năm, đủ sức đáp ứng những đơn hàng lớn.Với mức giá bán ra thị trường là 80 nghìn đồng/kg, miến đao Thành Sơn tuy đắt hơn những sản phẩm khác nhưng vẫn thu hút được người tiêu dùng.
Sự phát triển của HTX Thanh Sơn không chỉ góp phần phát triển nghề truyền thống mà còn góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững.Thành Sơn đang tạo việc làm thường xuyên cho 32 thành viên với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, HTX tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 400 hộ dân địa phương thông qua việc phát triển vùng nguyên liệu. Nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Chị Lý Thị Mềnh (xã Bản Xèo) phấn khởi cho biết nhờ có cây đao riềng đỏ này mà nhà tôi thoát nghèo. Với năng suất 25 - 27 tấn củ/ha, mỗi năm, gia đình chị cầm chắc trong tay 50 - 70 triệu đồng.
Nhờ chú trọng đầu tư phát triển nghề làm miến thông qua HTX Thành Sơn, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương giảm từ 65% xuống còn dưới 10%. Đây cũng là điều kiện để xã xây dựng nông thôn mới.
Từng bước tái cơ cấu nông nghiệp
Với thế mạnh về phát triển nông nghiệp, huyện tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Trong đó, chuyển đổi từ diện tích trồng ngô sang trồng lúa chất lượng cao, trồng rau an toàn, rau trái vụ, chè, cây dược liệu, chuối mô, mở rộng diện tích vùng trồng đao riềng… được chú trọng.
Ngoài ra, huyện còn liên kết với các doanh nghiệp phát triển vùng sản xuất, tạo thành chuỗi sản xuất có giá trị kinh tế cao, được thị trường chấp nhận như: Rau an toàn khu vực Cốc San, Y Tý, Quang Kim, Bản Qua, rau trái vụ khu vực Y Tý, Trịnh Tường, Pa Cheo, Nậm Pung…
Tại xã Trịnh Tường, địa phương đã khuyến khích người dân trồng rau trái vụ và có sự tham gia của HTX. Đến nay, xã có HTX Nông nghiệp Trịnh Tường đứng ra hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích lúa không hiệu quả sang trồng rau trái vụ theo tiêu chuẩn an toàn.
Hiện, người dân thôn Lao Chải đang đi đầu trong sản xuất các loại rau trái vụ như bắp cải, su hào, cà chua, cà rốt…. của xã. Đây là những loại rau ôn đới, thường trồng vào mùa rét, nhưng giờ thì trong những ngày hè, loại rau này lại phát triển xanh tốt.
![]() |
Trồng rau bắp cải trái vụ được người dân Lao Chải chú trọng |
Nhờ liên kết được với doanh nghiệp ở Hà Nội, HTX Trịnh Tường bảo đảm người dân tham gia trồng rau trái vụ sẽ cho thu lợi ích cao hơn 4 - 5 lần so với trồng cây lúa. HTX khuyến khích nông dân cho doanh nghiệp thuê đất và trở thành lao động làm cho doanh nghiệp. Đây là điều kiện để bà con có thể tự trồng rau khi hết hạn hợp đồng thuê đất với doanh nghiệp, cách làm này trong tương lai sẽ tạo nguồn thu nhập cao cho người dân khi chuyển đổi diện tích ruộng một vụ sang trồng rau trái vụ.
Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay, giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác ước đạt 65 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm.
Phát triển kinh tế hàng hóa cũng chính là bước đột phá giúp tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 6 – 7%/năm. Toàn huyện hiện chỉ còn 18% hộ nghèo. Con số này đạt 166% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
Huyền Trang