Tại Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam lần 9, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức ngày 6/12, ông Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Rạch Lọp (Trà Vinh) cho biết, từ thực tế các HTX tại địa phương cho thấy, đa số các HTX hoạt động tốt, chú trọng quan tâm đến thành viên và nắm bắt nhu cầu thị trường. Thế nhưng vẫn còn những HTX thành lập theo tiêu chí số 13 của Chương trình nông thôn mới nên hoạt động còn hình thức, chịu sự quản lý chi phối của chính quyền nên chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như bản chất của HTX.
Khó từ sản xuất đến đầu ra
Trong khi đó, ông Hà Chí Mãng, Chủ tịch HTX nông nghiệp Mãng cầu Thạnh Tân (Tây Ninh) cũng chia sẻ, khó khăn về tiếp cận vốn là điểm nghẽn của HTX. Hiện, các thành viên đều phải vay vốn từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao. Đối với HTX, muốn phát triển cần có vốn vì vốn là mạch máu của HTX, trong khi người dân, HTX gặp khó khăn về đầu ra từ dịch bệnh, lạm phát nên không có vốn tái đầu tư.
Theo Chủ tịch HTX Nông nghiệp Mãng cầu Thạnh Tân, hiện đã có nguồn vốn hỗ trợ HTX về nội đồng và vốn đầu tư nhưng thủ tục tiếp cận vốn cần có hóa đơn đỏ thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là một số mặt hàng như phân bón, HTX có thể mua và có hóa đơn đỏ nhưng nhiều mặt hàng khác thì không dễ. “Đây là điểm nghẽn khiến Nhà nước không giải ngân được vốn và nông dân, HTX không tiếp cận được với nguồn vốn”, ông Mãng nói.
Khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX đang đóng góp trực tiếp vào GDP của cả nước với mức trung bình đạt khoảng 5%; đóng góp gián tiếp trên 20% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên; góp phần tạo việc làm, giảm chi phí từ 8% - 21%, tăng giá bán trên 10-12% cho thành viên.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hậu Covid-19, lạm phát kinh tế thế giới cùng với những khó khăn trong tiếp cận chính sách và nội tại khiến không ít HTX đang khó bứt phá, cạnh tranh trên thị trường.
Một trong những khó khăn hiện nay của các HTX chính là thị trường tiêu thụ không ổn định, chưa đảm bảo yếu tố liên kết vùng, từ đó chưa giúp khu vực KTTT, HTX phát huy hết tiềm năng của địa phương và chưa nâng cao được năng lực sản xuất. Để giải quyết khó khăn này, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã tích cực tổ chức các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại ở cả quy mô cấp trung ương và địa phương tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định sự quan tâm của chính quyền địa phương sẽ mở nhiều cơ hội cho KTTT, HTX phát triển. |
Ngoài vấn đề tiêu thụ, ông Phạm Công Chính, Chủ tịch Liên minh HTX Đà Nẵng cho biết, khảo sát tại Đà Nẵng cho thấy nội tại HTX còn nhiều điều cần giải quyết thì mới có thể phát triển.
HTX muốn phát triển cần đi đúng theo bản chất. Muốn vậy, HTX cần có phương án sản xuất kinh doanh và phương án sản xuất kinh doanh của HTX phải khớp với phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp liên kết hợp tác. Cụ thể là các dịch vụ mua chung bán chung như thế nào, khối lượng mua vật tư đầu vào hàng năm bao nhiêu, diện tích sản xuất, năng suất dự đoán… phải phù hợp với từng năm và nhu cầu của doanh nghiệp thì mới mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, thích ứng với thị trường, tránh tình trạng được mùa, mất giá.
Vậy nhưng, đối với doanh nghiệp, việc lập phương án sản xuất kinh doanh có thể đơn giản nhưng với HTX, điều này không dễ dàng chút nào. Chính vì vậy, điều cần làm lúc này là phải có hướng dẫn, biểu mẫu một cách khái quát, cụ thể về phương án sản xuất kinh doanh cho HTX từng ngành hàng để HTX không còn bỡ ngỡ, khó khăn. Có tháo gỡ được điểm này mới giúp HTX thuận lợi trong liên kết với doanh nghiệp và tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nguồn vốn hỗ trợ.
Tạo động lực cho HTX
Thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, từ năm 2021-2023, khu vực KTTT, HTX tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Điều này khẳng định KTTT, HTX vẫn là mô hình kinh tế hiệu quả, đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế quốc dân cũng như thu hút người dân vào phát triển sản xuất kinh doanh.
Với 7,05 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn và 2,58 triệu lao động, KTTT, HTX mà nòng cốt là các HTX nông nghiệp gắn liền với ngành sản xuất vật chất chủ yếu nuôi sống đất nước và đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu.
Cụ thể, khu vực KTTT, HTX đã góp phần tạo việc làm, giảm chi phí từ 8% - 21%, tăng giá bán trên 10-12% cho thành viên. Các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác sản xuất và cung ứng cho thị trường 49,3%-67,6% hàng lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.
Sự đóng góp của KTTT, HTX vào nền kinh tế là điều không thể chối bỏ. Nghị quyết 20-NQ/TW và Luật HTX 2023 cũng đều khẳng định vai trò của KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc dân.
Chính vì vậy, để khu vực KTTT, HTX phát triển thực sự bền vững, ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông cho rằng việc tháo gỡ khó khăn cho HTX về vấn đề tiêu thụ hàng hóa là rất cần thiết. Hiện, các HTX mong muốn Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiếp tục và thường xuyên tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại để liên kết cung - cầu hàng hóa.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa kinh tế tập thể, HTX phát triển bền vững. |
Tuy nhiên, các hội nghị xúc tiến thương mại nên lựa chọn thời điểm phù hợp, cụ thể là tập trung vào đầu năm và gần Tết vì đây là những cao điểm mua sắm, nhu cầu người tiêu dùng cao hơn. “Lúc này, HTX cũng bán được nhiều hàng hơn thay vì phải mang hàng về”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông chia sẻ.
Đặc biệt, hiện nay, để KTTT, HTX hoạt động hiệu quả cũng cần quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn trong giải thể các HTX dừng hoạt động, từ đó mới có thể tập trung được nguồn lực vào hỗ trợ các HTX đang hoạt động.
Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Lọp Huỳnh Đăng Khoa cho biết cần có quy định rõ về chính sách riêng đối với HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hiện, việc nhận chính sách hỗ trợ của HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp còn giống nhau, không bảo đảm cho HTX nông nghiệp phát triển. Trong khi có HTX phi nông nghiệp hoạt động nhưng không có tổ chức đại hội thường niên, hoạt động không theo Luật HTX. Chính vì vậy, cần xử lý các HTX hoạt động không đúng bản chất để tập trung tạo điều kiện, nguồn lực cho các HTX đang hoạt động hiệu quả và có nhu cầu được phát triển.
Một trong những vấn đề quan trọng đối với các HTX hiện nay chính là yếu tố con người. Nhưng theo bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T Farm (Hòa Bình), vướng mắc của HTX hiện nay chính là chi phí đầu vào. Một trong những nguồn chi phí chiếm lượng lớn là tiền trả nhân công, trong đó có cả nhân công làm việc theo mùa vụ.
Theo quy định pháp luật, khi HTX thuê nhân công dù chỉ 1 tháng cũng phải nộp phí bảo hiểm, thực hiện hợp đồng bảo hiểm cho người lao động. Nhưng nếu thực hiện theo quy định này sẽ đội chi phí của HTX lên rất cao. Còn nếu không thực hiện, HTX không thể thực hiện được chính sách về thuế của Nhà nước.
Trước khó khăn của HTX 3T Farm, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định nguồn lực con người là quan trọng đối với HTX. Trong khi nhiều HTX đang phải thuê lao động mùa vụ để bảo đảm sản xuất. Để bảo đảm hài hòa vấn đề này, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, việc tham mưu với Nhà nước để tháo gỡ khó khăn trong chính sách về thuế cũng cần được quan tâm. Đi liền với đó, các HTX cũng cần có những quy định, thỏa thuận cụ thể trước khi thuê người lao động về số lượng ngày làm việc để có thể đảm bảo thực hiện được chính sách thuế.
Một trong những đóng góp không nhỏ của KTTT, HTX là có vai trò quan trọng thực hiện xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Theo thống kê, cả nước đã có hơn 8.400 xã đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, chiếm hơn 80% tổng số xã cả nước.
Để các HTX tiếp tục đóng góp vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tình trạng HTX thành lập theo tiêu chí 13 nhưng hoạt động hình thức, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng thực chất đã có tình trạng HTX thành lập theo tiêu chí 13 làm kéo lùi hoạt động của khu vực HTX tại địa phương. Chính vì vậy, các tỉnh, thành cần có đánh giá cụ thể hoạt động thực tiễn của HTX tại địa phương để có giải pháp hoặc có những phương thức giám sát trong quá trình hỗ trợ HTX phù hợp, đúng và trúng. Bởi vẫn có những HTX hoạt động rất tốt, đóng góp rất thực chất cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, nhằm tháo gỡ và tiếp tục giúp khu vực KTTT, HTX phát triển hiệu quả, bền vững, Liên minh HTX Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng đề án phát triển Liên đoàn HTX lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Khi đi vào hoạt động, Liên đoàn HTX lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không đóng vai trò là một tổ chức hội mà là một tổ chức kinh tế. Đây cũng là đơn đặt hàng của Nhà nước giao nhiệm vụ cho Liên minh HTX Việt Nam nên Liên minh HTX Việt Nam sẽ phối hợp trực tiếp với Liên minh HTX các tỉnh thành, trong đó có Liên minh HTX An Giang để tổ chức các hội thảo, hội nghị tháo gỡ khó khăn, nắm bắt thực tế sản xuất kinh doanh của các HTX, Liên hiệp HTX lúa gạo, từ đó hướng đến thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo một cách thuận lợi và hiệu quả.
Khi đó, Liên đoàn HTX lúa gạo sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện cho người dân, HTX sản xuất lúa gạo phát triển, nâng cao thu nhập. Đây cũng là cơ sở để có thể tiếp tục thành lập các Liên đoàn HTX lĩnh vực khác nhằm thúc đẩy KTTT, HTX phát triển cũng như phần nào tháo gỡ những khó khăn của các HTX.
Huyền Trang - Phạm Hòa