Đó là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khi nói về khu vực KTTT, HTX. Ông cảm nhận: “Mỗi lần đi thăm HTX, tôi thấy thật ấm áp”. Từ những người quen với nếp nghĩ “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm”, bây giờ xúm xít bên nhau, hợp tác làm ăn là cả một quá trình thay đổi nhận thức. Giá trị sâu xa của HTX là tận dụng lợi thế quy mô số đông. Sức mạnh của số đông thì ai cũng biết, 'mãnh hổ nan địch quần hồ' mà".
Khi HTX bày tỏ nỗi niềm
Đúng như lời Bộ trưởng Hoan, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX ngày càng lớn mạnh. Cụ thể, theo ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ KH&ĐT), lượng HTX có xu hướng tăng trong giai đoạn 10 năm 2013-2022, tốc độ tăng bình quân khoảng 4,8%/năm. Nếu như năm 2013 chỉ có 1.029 HTX thành lập mới thì năm 2022 số HTX thành lập mới đạt khoảng 2.600 HTX (trong năm 2022 giải thể 564 HTX).
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với đại diện một HTX. |
Số lượng HTX tiếp tục xu hướng tăng, ước thực hiện năm 2023, cả nước có khoảng 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73 nghìn THT. Trong tổng số HTX toàn quốc có 20.357 HTX nông nghiệp và 11.343 HTX phi nông nghiệp.
Đáng chú ý, tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước có 19.431 HTX, 92 liên hiệp HTX và 31.500 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. So với giai đoạn 2013-2021, trung bình mỗi năm thành lập mới khoảng 2.000 HTX nông nghiệp thì giai đoạn 2021-2022, số lượng HTX nông nghiệp thành lập có xu hướng chậm hơn, tuy nhiên quy mô thành viên HTX có xu hướng ngày càng tăng, và chất lượng HTX nông nghiệp được cải thiện hơn.
Doanh thu bình quân của HTX trong lĩnh vực nông nghiệp khoảng 2,3 tỷ đồng/01 HTX, lãi bình quân 378 triệu đồng/01 HTX. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX nông nghiệp đạt 50 triệu đồng/năm.
Ông Thanh đánh giá, trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX đóng góp vai trò quan trọng trong việc liên kết, hỗ trợ thành viên cả về kinh tế lẫn kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản trị. Phát triển HTX nông nghiệp là tiền đề hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.
Tuy nhiên, để phát triển lớn mạnh, HTX cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn. Chia sẻ tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII 2023, ông Nguyễn Kim Thành, Giám đốc HTX Trồng và sản xuất măng tre Thành Tâm (Bình Phước) cho biết, HTX này có quy mô 20ha, sản lượng măng tre tươi hàng năm đạt 750 tấn/năm, măng tre khô đạt 650kg/năm. “Chúng tôi hiện đã xây dựng lò sấy, nhà kho với kinh phí trên 1 tỷ đồng và đang có kế hoạch mở rộng thêm quy mô sản xuất về diện tích, đầu tư thêm máy móc hiện đại”.
Tuy nhiên, trong thời gian qua trên truyền thông, Giám đốc HTX măng tre Thành Tâm nhận thấy, liên tục xuất hiện các thông tin về nông dân hoặc doanh nghiệp "bẻ kèo" sau khi ký kết hợp đồng hợp tác, bao tiêu sản phẩm. Mới nhất là trường hợp, 2.000 tấn đu đủ của bà con nông dân ở Nghệ An bị chín rụng gốc, không được doanh nghiệp thu mua. Dù sau đó, doanh nghiệp có khắc phục, hỗ trợ song vẫn ít nhiều làm mất niềm tin của người dân.
“Vấn đề đặt ra ở đây xin được hỏi, làm thế nào để các hợp đồng liên kết có giá trị hơn, tạo niềm tin vững chắc giữa nông dân với doanh nghiệp trong mối liên kết thông qua các HTX?”, ông Thành đặt câu hỏi.
Còn theo ông Phan Văn Thủ, HTX Dịch vụ thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (Long An), trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, việc sản xuất tập trung, khép kín quy trình sản xuất để đảm bảo minh bạch truy xuất nguồn gốc là tất yếu và việc này cần nguồn vốn rất lớn để HTX đầu tư. Tuy vậy, đang có 2 vấn đề đặt ra, đó là, sản xuất lớn đồng nghĩa với vốn đầu tư lớn, nhưng có một hạn chế là HTX đang khó tiếp cận vốn vay của các ngân hàng do HTX không có tài sản chung, tài sản không chia của HTX.
Vấn đề thứ hai, hiện nay, các HTX chủ yếu được hỗ trợ vốn vay từ Quỹ phát triển HTX, chủ yếu từ Liên minh HTX, nhưng số vốn vay tối đa chỉ được 1 tỷ đồng/HTX như hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất.
Cùng với đó là rất nhiều câu hỏi, trăn trở mà các HTX ở nhiều ngành nghề khác muốn gửi tới cơ quan quản lý nhà nước như việc xây dựng quản lý mã số vùng trồng, hỗ trợ công nghệ chế biến sâu, xây dựng dựng thương hiệu…
HTX vận hành tốt sẽ phát triển khu vực nông thôn
Trả lời lo lắng của HTX về vấn đề “bẻ kèo”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với vấn đề liên kết bền vững, hạn chế “bẻ kèo”, trước hết về mặt pháp lý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 98 năm 2018 về khuyến khích liên kết hợp tác, trong đó có nhiều giải pháp để hạn chế đôi bên, DN, HTX có thể từ bỏ, hay còn được gọi là “bẻ kèo”.
Tất nhiên, không phải cái gì cũng tổ chức từ sản xuất đến tiêu thụ, nhưng chức năng của HTX là sản xuất nguyên liệu, khi bắt đầu từ gieo giống đến chăm sóc, thu hoạch nếu như có quy trình do doanh nghiệp đặt hàng, đủ tiêu chuẩn chất lượng, thậm chí hướng dẫn về kỹ thuật, đầu tư một phần giống, vốn thì hợp đồng sau này sẽ không bị “bẻ kèo”. Đây là yếu tố quan trọng nhất.
Về vấn đề vốn, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, thực tiễn việc cho vay có thể có tài sản bảo đảm hoặc không tài sản đảm bảo như hàng tồn kho. Cho vay không tài sản bảo đảm thì đánh giá bằng khả năng trả nợ của khách hàng, dự án tốt hay không?... nói chung quy định cho vay của ngân hàng rất linh hoạt.
Ngân hàng dành nhiều ưu đãi cho các HTX, được vay từ 1-3 tỷ đồng dù không bảo đảm tài sản. Với trên 3 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay hiện nay thì có tới 700 nghìn là cho vay không bảo đảm tài sản. Tuy nhiên, với quy định hiện hành thì vay không bảo đảm tài sản là điều kiện quan trọng nhưng không phải phải tiên quyết, mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khả năng trả nợ, kinh doanh của các HTX nữa…
Dẫu biết “vạn sự khởi đầu nan”, không có sự thay đổi nào là dễ dàng cả mà đó là cả một hành trình phía trước, vẫn còn khó khăn với nhiều HTX”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận.
Theo Bộ trưởng Hoan, thành lập HTX như “một đứa trẻ mới sinh" ra, để trưởng thành với thân thể cường tráng, tinh thần minh mẫn, luôn cần người đồng hành trên từng bước đi. Đâu chỉ đào tạo một lần cho lãnh đạo, thành viên Hội đồng quản trị, kế toán, kiểm soát viên là coi như xong. Phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng cho tất cả thành viên HTX để không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Phải thường xuyên thông tin cho HTX về nhu cầu và những quy tắc của thị trường muốn hướng đến, phải giúp thành viên biết phân tích tình huống rủi ro thị trường và ứng xử thế nào khi rủi ro đó xảy ra.
Trong chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, HTX là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Một khi HTX vận hành tốt sẽ làm nền tảng cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển khu vực nông thôn. Khi ấy, sẽ tạo ra giá trị gia tăng trong nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn, tăng thêm thu nhập cho nông dân.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, đặt yêu cầu cần coi việc phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, từ đó dành nguồn lực tương xứng cho sự phát triển của các hợp tác xã, tổ hợp tác. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới kinh tế tập thể, HTX ở cơ quan, đơn vị từ trung ương tới địa phương...
Phó Thủ tướng cũng nhắc tới yêu cầu, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể. Ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở cơ quan, đơn vị từ trung ương tới địa phương. Xây dựng và quy hoạch các vùng nguyên liệu gắn với hợp tác xã, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhiều hơn nữa vào nông nghiệp, nông thôn…
Nhật Linh