Trong năm 2022, các cấp Hội Nông dân Hải Dương vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới 92 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 6 HTX, 32 tổ hợp tác và 54 mô hình tổ nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, nâng tổng số mô hình kinh tế tập thể toàn tỉnh lên 452 mô hình.
Kênh vốn tiếp sức cho nông dân
HTX Nuôi gà lai chọi Gia Lương (xã Gia Lương, huyện Gia Lộc) là một trong những mô hình điển hình do các cấp Hội Nông dân hướng dẫn thành lập và hỗ trợ hoạt động. Lãnh đạo Hội Nông dân xã Gia Lương cho biết, từ hơn chục năm về trước, nhiều người dân xã Gia Lương đã bắt đầu nuôi gà thương phẩm. Tuy nhiên, thời điểm đó, người dân nuôi nhiều giống gà khác nhau và mạnh ai nấy nuôi.
Mô hình chăn nuôi gà tại HTX Nuôi gà lai chọi Gia Lương. |
Năm 2016, sau lớp học nghề chăn nuôi gia cầm do Hội Nông dân huyện Gia Lộc phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gà lai chọn thương phẩm. Sau khi thành lập, THT được vay 400 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương.
Năm 2019, THT phát triển thành HTX Nuôi gà lai chọi Gia Lương. Năm 2020, HTX được vay 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội. Mỗi hội viên được vay 40 triệu đồng để mua con giống, xây dựng chuồng trại hoặc mua thức ăn chăn nuôi.
Ông Đặng Quốc Thái, Giám đốc HTX Nuôi gà lai chọi Gia Lương cho biết: "Qua việc được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, tôi thấy các hội viên gắn bó với nhau hơn, thường xuyên trao đổi về kỹ thuật chăn nuôi và thị trường tiêu thụ, cùng nhau thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, cuộc sống ngày càng khấm khá".
Anh Lê Văn Hơn, thành viên HTX kể, do đông con và thiếu vốn làm ăn nên trước đây, nhiều năm liền, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Sau nhiều năm loay hoay với các cây, con giống truyền thống, năm 2000, gia đình anh vay 40 triệu từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Từ nguồn vốn vay này, cộng với một ít vốn tự có, gia đình mua 100 con gà lai chọi về nuôi.
Sau gần 3 năm chăn nuôi và được sự hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, được bao tiêu đầu ra, sản phẩm bán ra với giá cao, lợi nhuận tăng gấp đôi so với trước đây, đời sống gia đình anh Hơn không còn cảnh khó khăn. Năm 2022, anh đã có tiền để sửa sang lại nhà cửa khang trang hơn.
Mang lại hiệu quả kinh tế cao
Với phương châm "cùng hợp lực để phát huy hiệu quả kinh tế", các cấp hội nông dân Hải Dương đã trích Quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình HTX, THT, nhóm liên kết sản xuất, tiêu thụ. Các thành viên cùng tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tại huyện Cẩm Giàng, những năm gần đây đã thành lập gần 10 THT thu hút hàng trăm hộ dân tham gia. "Nhờ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân, chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương xây dựng thêm 5 THT: Trồng dưa hấu (xã Ngọc Liên), nuôi cá ở các xã Cẩm Văn và Cao An; trồng rau củ ở xã Đức Chính và bí ngô, bí xanh ở xã Cẩm Hưng", bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Giàng cho biết.
Các thành viên THT Trồng dưa hấu (xã Ngọc Liên, Cẩm Giàng, Hải Dương) đang thu hoạch dưa hấu. |
Cũng nhờ nguồn vốn 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, 3 THT tại các thôn Địch Tràng, Yển Vũ, Xuân Kiều ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) được thành lập để liên kết người dân trong vùng sản xuất. Cả 3 THT hiện có khoảng 300 thành viên, canh tác gần 300ha, chủ yếu là trồng cà rốt sạch xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia... "Kể cả thời điểm bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng nhờ kết nối tốt nên toàn bộ cà rốt đã được thu mua nhanh gọn. Bình quân mỗi ha cà rốt cho thu trên 100 triệu đồng", ông Vũ Văn Quang, thành viên tổ hợp tác Xuân Kiều cho biết.
Tương tự, THT và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn xã Tân Việt (huyện Thanh Hà) có 20 thành viên tham gia, tổng quy mô chăn nuôi 14 vạn con gà. Để động viên, thu hút các thành viên THT thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cũng đã hỗ trợ cho vay các nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội…
Chị Nguyễn Thị Chuyên, thành viên THT sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn xã Tân Việt cho biết: "Thời gian qua, các thành viên trong THT đã cùng liên kết mua thức ăn, thuốc thú y và giống gà ri Hòa Phát (Phú Thọ) để tiết kiệm chi phí chăn nuôi, tăng thu nhập. Nhờ liên kết chăn nuôi mà các thành viên đã giảm được giá thành sản xuất 1kg gà thương phẩm thấp hơn so với các hộ ngoài mô hình là 1.500 đồng/kg. Theo đó, cuộc sống của các thành viên THT ngày càng khá giả hơn so với trước đây”.
Mô hình nông dân liên kết của các THT nằm trong số hơn 400 mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân hướng dẫn xây dựng và hỗ trợ hoạt động hiệu quả. Các mô hình này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/mô hình/năm.
Nguồn vốn giúp nông dân phát triển các mô hình liên kết hiệu quả
Hiện, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh Hải Dương đạt quy mô hơn 93,55 tỷ đồng. Nguồn vốn này đang hỗ trợ cho 3.643 hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hàng năm, Hội Nông dân xây dựng cụ thể kế hoạch sử dụng vốn, phân bổ vốn cho từng đơn vị đạt tiêu chuẩn và đưa vào chỉ tiêu bình xét thi đua, đánh giá cuối năm.
Xác định vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân là "bà đỡ" giúp hội viên nông dân có vốn sản xuất, kinh doanh, các cấp Hội Nông dân Hải Dương đã tích cực tăng trưởng, phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay, toàn tỉnh có 12/12 huyện, 229/229 cơ sở Hội xây dựng được Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Trong đó, có 10/12 huyện có Quỹ cấp huyện đạt trên 1 tỷ đồng, 2/12 huyện có quỹ đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng; 80/229 cơ sở có quỹ trên 100 triệu đồng, 142/229 cơ sở có quỹ từ 50 - 100 triệu đồng, 7/229 cơ sở có quỹ dưới 50 triệu đồng. Nhiều cơ sở có Quỹ Hỗ trợ nông dân cao như: Thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc 263,1 triệu đồng; xã Tân Hương, huyện Ninh Giang 211 triệu đồng; xã Tân Quang, huyện Ninh Giang 191 triệu đồng; xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành 231 triệu đồng; xã Kim Liên, huyện Kim Thành 218 triệu đồng…
Đánh giá về hoạt quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Việc triển khai các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và các hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ mới trong sản xuất đã tạo được thêm nhiều việc làm ổn định; tích cực vận động, kết nối hội viên, nông dân tham gia xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tổ nhóm liên kết phù hợp với từng địa phương.
Có thể nói, việc cho vay từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế (trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề, dịch vụ...), phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho nông dân, xoá đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và xây dựng nông thôn mới.
Hoàng Hà