Thanh Hóa vừa phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2020. Theo đó, tỉnh này có thêm 17 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Từ những nỗ lực của các hợp tác xã
Năm 2019, gạo nếp cái hoa vàng xã Hà Long (Hà Trung, Thanh Hóa) được phê duyệt đánh giá sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. Ở xã Hà Long, từ 27 ha trồng nếp cái hoa vàng (năm 2009), đến năm 2020, vùng nguyên liệu sản xuất gạo nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP đã phát triển lên 200 ha, với hơn 1.000 hộ dân tham gia sản xuất.Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát từ các khâu đầu vào, như: Giống, làm đất, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Đến vụ thu hoạch, sản lượng lúa được HTX dịch vụ nông nghiệp đứng ra làm đầu mối để tiêu thụ.
Ông Lê Minh Công, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long, chia sẻ: Trong quy trình sản xuất này, ngoài sự giám sát của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, các hộ sản xuất còn được chính quyền xã và chính các hộ giám sát lẫn nhau để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các sản phẩm được áp dụng các khâu kiểm soát nghiêm ngặt nên toàn bộ sản lượng được tiêu thụ với giá ổn định và cao hơn so với sản xuất truyền thống.
Với sản lượng khoảng 850 tấn/vụ/năm (trong đó có khoảng 200 tấn HTX đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Thương mại Sao Khuê (ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn), hiện sản phẩm nếp cái xã Hà Long không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, có mặt tại một số siêu thị lớn trong cả nước.
Trong thời gian tới, xã Hà Long tiếp tục quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất gạo nếp cái hoa vàng lên 230 ha, tăng cường công tác quảng bá, áp dụng công nghệ sấy lúa tươi để nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế của sản phẩm.
Đến địa phương điển hình của OCOP
Câu chuyện về nâng cao chất lượng của hạt nếp cái hoa vàng xã Hà Long (Hà Trung, Thanh Hóa), được tỉnh phê duyệt chất lượng OCOP 3 sao chỉ là một trong nhiều câu chuyện điển hình mà các HTX ở Thanh Hóa đang triển khai, nâng cao chất lượng hạt gạo nói chung, các sản phẩm nông sản ở Thanh Hóa nói riêng.
Với những nỗ lực đó, năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có 13 sản phẩm được xếp hạng, công nhận sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Thanh Hóa đã có 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, có 6 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 24 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
Nếp cái hoa vàng của HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long được phê duyệt là sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao (Ảnh: Tư liệu) |
Đến nay, đa phần các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chính thức triển khai chương trình này. Những lý thuyết, kinh nghiệm từ quốc tế, từ các địa phương đi trước trong cả nước đã được tập huấn đến đông đảo người tham gia sản xuất, lãnh đạo các HTX, chính quyền các địa phương, có được những kết quả điển hình trên một phần là do nỗ lực của các cấp địa phương.
Với mục tiêu tổ chức triển khai chương trình OCOP trên diện rộng, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã lựa chọn một số sản phẩm làm điểm để nhân rộng, nâng cao năng lực phát triển sản xuất, kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia chương trình. Đồng thời, hoàn thiện các sản phẩm đã có, phát triển thêm các sản phẩm mới, trong đó chú trọng về chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị, đảm bảo đạt chuẩn các tiêu chí theo quy định; củng cố, nâng cấp, tổ chức lại và hình thành mới các hình thức tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu của chương trình.
Huyện đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, kiến thức về chương trình OCOP cho các chủ doanh nghiệp, HTX cũng như hệ thống cán bộ thực hiện chương trình, xây dựng và triển khai một số dự án thành phần của chương trình OCOP. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức kinh tế, các hộ gia đình tham gia chương trình OCOP.
HTX nông sản hữu cơ Trúc Phương đã có được những sản phẩm OCOP "đầu lòng" (Ảnh: Tư liệu) |
Ông Lê Đình Trúc, Giám đốc HTX nông sản hữu cơ Trúc Phương (Yên Thọ, Như Thanh), chia sẻ, mặc dù được đánh giá là sản phẩm lợi thế của huyện, song để xây dựng thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh là điều không dễ. Thông qua các lớp tập huấn, những buổi tham quan các đơn vị đang làm OCOP trong, ngoài tỉnh, HTX đã bắt tay vào đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến và sản xuất theo chuỗi giá trị. Sau gần 1 năm tập trung cao độ, đơn vị đã có 3 sản phẩm là: Nấm bào ngư xám, nấm mộc nhĩ khô, nấm linh chi đỏ có đủ điều kiện để tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
"Nếu không có sự hỗ trợ, hướng dẫn, giám sát của cán bộ tổ giúp việc địa phương, chính quyền xã, huyện và các sở, ban, ngành thì HTX khó đạt được kết quả trong thời gian ngắn." Ông Trúc nói.
Ông Trần Đức Năng, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, thừa nhận, mặc dù tỉnh có rất nhiều sản phẩm, song cơ bản mới ở dạng tiềm năng. Hiện một số người vẫn hiểu, sản phẩm làng nghề truyền thống là sản phẩm OCOP là chưa đúng, cần phải nâng tầm sản phẩm theo hướng “sản phẩm địa phương, hướng tới toàn cầu. Chẳng hạn quả chanh, đừng coi nó chỉ là một thứ gia vị, mà phải nghĩ cách cho ra nhiều sản phẩm khác nữa, như kẹo chanh, vỏ sấy khô nghiền thành bột để sản xuất mỹ phẩm, hạt chanh chiết xuất làm thuốc...
"OCOP, ngoài quảng bá phát triển bền vững thị trường, cần phải gắn với sự sáng tạo để cho ra nhiều sản phẩm thành một chuỗi." Ông Năng chia sẻ.
Thy Lê