Liên minh HTX Việt Nam vừa ban hành Văn bản báo cáo số 935/BC-LMHTXVN về tình hình thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP (ban hành ngày 9/9/2021) trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và một số kiến nghị.
Báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam cho biết, thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP, bên cạnh công tác tuyên truyền, Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành Văn bản 630/LMHTXVN-CSPT hướng dẫn Liên minh HTX các cấp tỉnh, HTX, liên hiệp HTX thực hiện Nghị quyết 105, thực hiện các biện pháp hỗ trợ HTX sản xuất kinh doanh, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Từng bước phục hồi sản xuất
Liên minh HTX Việt Nam cũng đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các HTX kết nối cung cầu. Từ tháng 8/2021 đến nay, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ các HTX tiêu thụ 240.000 tấn nông sản, trị giá 7.60 tỷ đồng.
Nhiều HTX cũng đã tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay, đã có 16.500 HTX được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, 2.700 HTX được miễn lệ phí môn bài, 1.200 HTX được gia hạn nộp thuế, 20 HTX được giảm thuế nhập khẩu, 5.300 HTX được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ hưu trí và tử tuất, 100% HTX được hỗ trợ tiền điện.
Báo cáo cho biết năm 2021, tuy dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng mô hình kinh tế tập thể, HTX vẫn thể hiện được vai trò của mình trong việc hỗ trợ người dân sản xuất kinh doanh.
Cụ thể là năm 2021, cả nước đã thành lập mới 2.054 HTX và 1.800 tổ hợp tác (THT), thu hút gần 40.000 hộ cá thể tham gia và chủ yếu ở địa bàn nông thôn. Trong đó, phần lớn các HTX phục hồi sản xuất, quay trở lại làm việc. Điều này đã nâng tổng số HTX trên cả nước lên 28.132 HTX, ngoài ra còn có 103 liên hiệp HTX và 120.000 THT.
Không chỉ phát triển về số lượng, các HTX đã từng bước thích ứng linh hoạt và từng bước phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Để làm được điều này, có những HTX đã phải thực hiện giảm quy mô lao động, sử dụng tài chính dự phòng để trả lãi, hỗ trợ tài chính cho người lao động. Đi kèm với đó là HTX thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để quản trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ người lao động phòng chống dịch Covid-19.
Cổng thông tin kết nối cung cầu sản phẩm của Liên minh HTX Việt Nam là một trng những kênh tiêu thụ nông sản cho các HTX trên cả nước. |
Dịch bệnh xảy ra cũng chính là cơ hội để các HTX thay đổi nhận thức trong phát triển sản xuất kinh doanh, bỏ tư duy ỷ lại, thay vào đó là chủ động tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thực hiện chuyển đổi số để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Tiêu biểu như các HTX trồng vải ở Bắc Giang, hay các HTX trồng mận, na ở Sơn La, các HTX trồng cam ở Hòa Bình đã đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Postmart, Voso, Sendo và Cổng thông tin kết nối cung cầu Liên minh HTX Việt Nam…, nên đầu ra được khơi thông.
Bên cạnh đó, không ít HTX nông nghiệp, vận tải, thương mại-dịch vụ nhanh chóng chuyển đổi sang cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ phòng dịch, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly y tế, khu phong tỏa, vùng sâu, vùng xa.
Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, 42,6% số HTX vẫn tiếp tục duy trì chuỗi liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Các HTX chú trọng mở rộng lĩnh vực hoạt động, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để duy trì sản xuất, thực hiện truy xuất nguồn gốc, bán hàng trực tuyến trên các mạng xã hội, trang thương mại điện tử để mở rộng đầu ra.
Vẫn còn đó những khó khăn
Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng tác động không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của các HTX. Phần lớn HTX giảm doanh thu và thu nhập nên xảy ra tình trạng thiếu vốn sản xuất. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân khó khăn khiến một số HTX không có khả năng trả nợ vay và thanh toán đóng thuế.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến nay mới chỉ có chưa đến 10% trong tổng số HTX được tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Điều này khiến các HTX gặp khó trong phát triển và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, chi phí sản xuất tăng cao do giá đầu vào (giống, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, giá cước vận chuyển hàng hóa…) tăng hơn 40% so với đầu năm. Đi kèm với đó là chi phí phòng chống dịch Covid-19 (xét nghiệm, tiêm chủng, phun khử khuẩn, quần áo bảo hộ…) đã làm giảm thu nhập của thành viên và người lao động.
HTX giao thông vận tải là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi dịch Covid-19 diễn ra. |
Trong khi đó, sức mua của người dân đều giảm, phục hồi chậm. Công tác xuất khẩu nông sản gặp khó khăn do các nước tăng cường biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và tỷ lệ lớn hàng hóa của các HTX chưa bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của nhiều nước.
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, HTX nông nghiệp giảm 38,9% sản lượng tiêu thụ do không có kho bảo quản nông sản, liên kết chuỗi bị gián đoạn. HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bị thu hẹp tiêu thụ, HTX thương mại dịch vụ bị giảm doanh thu so sức mua và sử dụng các dịch vụ của người dân giảm. 90% HTX vận tải hoạt động cầm chừng, HTX xây dựng hoạt động khó khăn do giá một số loại vật liệu tăng cao. Trong khi đó, các quỹ tín dụng nhân dân giảm doanh thu, dư nợ cho vay giảm, nợ xấu có xu hướng tăng…
Hỗ trợ để tạo đà cho HTX phát triển bền vững
Để các HTX phục hồi và phát triển bền vững, Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ ngành và địa phương đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc xin cho người dân, trong đó ưu tiên tiêm vắc xin mũi thứ ba cho thành viên, người lao động trong HTX trực tiếp cung ứng lương thực, thực phẩm, logistics; đẩy nhanh tiến độ công nhận hộ chiếu vắc xin với các nước để phục hồi ngành dịch vụ trong nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần thực hiện có hiệu quả các chính sách xúc tiến thương mại và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có khoản mục riêng hỗ trợ cho HTX. Cung cấp thường xuyên và kịp thời cho HTX và các doanh nghiệp thông tin về thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước và quốc tế, nhất là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU. Hỗ trợ HTX tiếp cận các chính sách, hàng rào kỹ thuật hàng hóa xuất khẩu của các nước trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, kết nối với các đối tác (hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng, điểm bán trong nước, các sàn giao dịch điện tử, hỗ trợ chi phí thường niên cho HTX tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử nước ngoài (Alibaba, Amazon…).
Hiện nay, việc tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX ở một số địa phương còn chậm do văn bản của bộ, ngành liên quan chưa quy định đối tượng cụ thể được hưởng thụ là HTX. Chính vì vậy, Liên minh HTX Việt Nam mong muốn các bộ ngành cần rà soát các nghị quyết, nghị định, thông tư để quy định cụ thể HTX là đối tượng được hưởng thụ chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX và thành viên chủ động tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Để HTX phục hồi và phát triển bền vững, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tạo cơ chế chính sách thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể. |
Đi cùng với đó là tiếp tục thực hiện giãn thời hạn nộp thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của HTX, giảm tiền thuê đất, phí và lệ phí, giãn thời hạn nộp bảo hiểm xã hội, giảm phí, lệ phí liên quan đến logistics, thủ tục hải quan trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giúp cho HTX có thêm nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất.
Việc sửa đổi chính sách, cơ chế về thuế và sửa đổi Luật HTX năm 2012 sẽ khuyến khích các hộ cá thể tham gia HTX và giúp HTX và thành viên có nguồn lực tài chính phát triển sản xuất kinh doanh. Cụ thể là cần thực hiện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho HTX trong 3-5 năm, áp dụng phù hợp đối với từng loại hình HTX; không quy định thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần lợi tức được chia từ vốn góp của thành viên HTX để khuyến khích hộ cá thể tham gia HTX.
“Phần thu thuế này chiếm tỷ lệ không đáng kể trong thu ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng đến cân đối thu chi ngân sách trung ương và địa phương”, theo Báo cáo 935.
Đặc biệt, để tạo điều kiện cho HTX và thành viên HTX, nhất là ở địa bàn nông thôn vay và sử dụng vốn có hiệu quả từ tổ chức tín dụng và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, các bộ ngành cần ban hành, sửa đổi cơ chế tín dụng theo hướng tạo điều kiện cho HTX.
Trong đó, cần ban hành quy định tín dụng nội bộ HTX theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật HTX năm 2012; sửa đổi quy định cho phép Quỹ tín dụng nhân dân mở rộng cho vay ngoài thành viên, nhất là ở địa bàn nông thôn; bố trí gói tín dụng cho HTX vay đầu tư cơ sở hạ tầng, tham gia chuỗi giá trị nông sản chủ lực quốc gia và cấp tỉnh trong gói chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phục hồi và phát triển bền vững; sửa đổi quy định cho vay không có tài sản đảm bảo với HTX, thành viên HTX, hộ nông dân gấp 2-3 lần so với quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; cấp bổ sung vốn cho các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và địa phương để có khả năng mở rộng cho vay đối với HTX phù hợp quy định tại Nghị định 45/2021/NĐ-CP.
Nhằm bảo đảm lợi ích của người dân, thành viên HTX và nâng cao giá trị các sản phẩm, mặt hàng nông sản, theo Liên minh HTX Việt Nam, rất cần Nhà nước thực hiện các giải pháp để kiểm soát giá vật tư, chi phí đầu vào, không để chi phí sản xuất tăng lên mức quá cao, như giảm thuế VAT, điều hành linh hoạt tỷ giá USD/VND, giảm lãi suất tiền vay và phí liên quan đến logistics; xem xét có cơ chế quản lý giá phân bón tương tự như quản lý giá xăng dầu.
Đồng thời, tăng cường quản lý thị trường bất động sản, nhất là thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho HTX được chuyển nhượng, thuê đất để đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến, logistics; Sửa đổi Luật Đất đai và ban hành chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất để tạo điều kiện tích tụ và tập trung ruộng đất phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn theo chuỗi giá trị.
Đi cùng với đó là ban hành các chính sách tín dụng, thuế, bảo hiểm cây trồng và vật nuôi, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất và thông tin, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu… Ban hành chính sách thúc đẩy “vượt trội” về đất đai, thuế, tín dụng… so với các chính sách phát triển chế biến nông sản hiện nay để thu hút doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đầu tư chế biến, xuất khẩu nông sản gắn với chuỗi giá trị.
Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị Chính phủ dành nguồn lực ngân sách nhà nước trong đầu tư công trung hạn và các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo để hỗ trợ đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX theo Nghị quyết 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Huyền Trang