Tính đến hết tháng 8/2019, tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ đạt hơn 8,2 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ 8 tỷ đồng và nguồn vốn được bổ sung từ kết quả hoạt động qua các năm 257 triệu đồng.
Hỗ trợ nhiều HTX
Sau 5 năm hoạt động, Quỹ đã đạt được những kết quả nhất định, là một kênh huy động vốn hiệu quả, giải quyết được khó khăn về vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm của các HTX. Từ nguồn vốn vay của Quỹ, nhiều HTX đã mở rộng quy mô hoạt động, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa...
Các món vay đều tập trung vào các dự án đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm từ nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và phát triển các sản phẩm mới mang tính đặc thù của tỉnh, sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, như: Sản phẩm trà hoa đủ đủ, tinh bột nghệ, thịt bò khô vùng Cao nguyên đá; chế biến chè, nuôi ong mật, chăn nuôi đại gia súc giống bản địa; chế biến thực phẩm từ chăn nuôi hàng hóa...
Từ nguồn vốn vay tại Quỹ, HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp tổng hợp Trung Thành, xã Bằng Lang (Quang Bình) đã cải tạo, mở rộng thêm 8 ki ốt bán hàng tại 8 xã của huyện để cung cấp phân bón cho nông dân với giá thành thấp hơn thị trường; góp phần tăng khả năng cạnh tranh.
HTX Trung Thành ra đời từ năm 2003, với gần 100 thành viên, sau khi chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 vào tháng 9/2015. HTX Trung Thành hiện có 32 thành viên với tổng số vốn hoạt động trên 450 triệu đồng. Đến nay, HTX đã có 8 điểm bán hàng, 4 tổ sản xuất với tổng thu nhập 600 triệu đồng/năm.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, ông Lê Thành Nam cho biết: Nhờ nguồn vốn vay của Qũy, HTX đã phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh cung cấp phân bón, HTX phát triển ngành nghề kinh doanh đa dạng gồm: Cung ứng, hỗ trợ giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi trâu, bò; trồng cây lâu năm, sản xuất gạch...
HTX Nông nghiệp tổng hợp Phiêng Lang, xã Khuôn Lùng (Xín Mần), với nguồn vốn được Quỹ giải ngân 250 triệu đồng, đã đầu tư chuồng trại, con giống nuôi dê hàng hóa...
HTX Kiên Giang, xã Ngọc Minh (Bắc Mê), với 300 triệu được giải ngân từ nguồn vốn vay của Quỹ đã đầu tư trồng mới 10 ha chè hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP; từ đó đã chủ động vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến sản phẩm.
Một dây chuyền chế biến chè được đầu tư từ nguồn vốn vay của Qũy hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Hà Giang |
HTX chè Kiên Giang thành lập năm 2012, đã ứng dụng hệ thống sản xuất chè hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhưng năm 2018, HTX phải tạm ngừng hoạt động do chất lượng sản phẩm đầu vào do bà con cung ứng không đảm bảo. Nhằm củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua giống, mua đất trồng thử nghiệm giống chè Kim Tuyên. Giống chè này rất tốt, cho búp đều, dùng để sản xuất chè Ô Long và chế biến chè viên. Sau 1 năm trồng thử nghiệm, cây chè phát triển tốt, từ đó HTX dự kiến sẽ mở rộng diện tích lên 20 ha...
Ưu tiên bố trí các nguồn vốn để phát triển KTTT
Giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về sử dụng tài chính đối với Quỹ trong năm 2019, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đánh giá: “Quỹ đã phát huy được hiệu quả hỗ trợ hoạt động đổi mới, phát triển sản phẩm, công nghệ, kỹ thuật của các HTX; hỗ trợ các hoạt động tổ chức phát triển thị trường, mở rộng tiêu thụ sản phẩm và góp phần xây dựng, phát triển phong trào kinh tế tập thể (KTTT) tại địa phương...”.
Thực tế, tại tỉnh Hà Giang, đa số các HTX đều gặp khó khăn về vốn. Lãnh đạo, thành viên các HTX phần nhiều là người DTTS, thuộc địa bàn miền núi, điều kiện phát triển sản xuất còn nhiều hạn chế. Với khát vọng làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, nhiều cá nhân đã tập hợp liên kết với nhau thành lập HTX để sản xuất kinh doanh. Với đồng vốn tự có ít ỏi, không có trụ sở, đất đai để thế chấp vay vốn ngân hàng... thì việc hỗ trợ cho vay vốn của Qũy hỗ trợ phát triển HTX tỉnh là việc làm vô cùng quan trọng, thiết thực, giúp các HTX vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.
Được biết, để phát triển KTTT, HTX của tỉnh Hà Giang hiệu quả hơn trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên lồng ghép bố trí các nguồn vốn, các chương trình kinh tế, các dự án phát triển kinh tế - xã hội với phát triển KTTT. Tỉnh tập trung đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT theo chiều sâu trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc và giá trị HTX theo Luật HTX...
Nếu coi các HTX như “bà đỡ” hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tăng cường liên kết thì các quỹ hỗ trợ phát triển HTX chính là “bà đỡ” giúp các HTX giải quyết cơn khát vốn, hoạt động và phát triển hiệu quả. Hàng trăm HTX mong muốn, các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn cho Qũy để có thêm nhiều HTX được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.
Thu Thảo