Tại Hội nghị toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp ngày 07/12, ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, Nghị quyết số 13-NQ/TW có quy định: “Thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các thành viên HTX và người lao động làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công lao động tại Bộ Luật Lao động. Các thành viên khác không tham gia bảo hiểm bắt buộc thì tạo điều kiện tham gia bảo hiểm tự nguyện theo yêu cầu".
7.415 HTX tham gia BHXH bắt buộc
Theo ông Hoan, định hướng nêu trên của Nghị quyết số 13-NQ/TW đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội từng bước thể chế hóa trong quá trình hoàn thiện văn bản pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 01/2003/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính Phủ. Trong đó, bổ sung nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là “Người lao động, xã viên làm việc và hưởng tiền công theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên trong các HTX thành lập, hoạt động theo Luật HTX”.
Từ năm 2016 đến nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tiếp tục hoàn thiện các quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với thành viên HTX và người lao động làm việc theo hợp đồng tại HTX theo hướng: Sửa đổi hoàn thiện quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người quản lý, điều hành HTX có hưởng tiền lương; Từ 1/1/2018 trở đi, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên trong HTX.
Hội nghị toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã bàn luận đến vấn đề chính sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với HTX cần linh hoạt hơn. |
Bên cạnh đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội còn xây dựng chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong đó, thành viên, người lao động tại nhiều HTX không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và được hưởng chính sách hỗ trợ này.
Có thể thấy, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đã từng bước được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện cho người quản lý, điều hành và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hưởng tiền lương được tiếp cận tham gia và hưởng thụ bảo hiểm xã hội. Nhờ đó, đến cuối năm 2020, đã có 7.415 HTX và 41.560 người thuộc HTX tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tiêu biểu như tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Triệu Thuận (Quảng Trị) đã triển khai đóng bảo hiểm xã hội cho 100% cho cán bộ chủ chốt, thành viên và cả cán bộ theo hợp đồng. Để làm được điều đó thì nguồn thu nhập của mọi thành viên phải ngang hoặc cao hơn mức lương tối thiểu. HTX đã nỗ lực để hỗ trợ đóng bảo hiểm cho các trường hợp không được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Khi đóng bảo hiểm, tất cả cán bộ, thành viên trong HTX đều bày tỏ sự tin tưởng, phấn khởi khi được tiếp cận với dịch vụ bảo hiểm và yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với HTX.
Tăng tính hấp dẫn
Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định của pháp luật lao động nói chung của HTX và người lao động còn những hạn chế. Đặc biệt đối với chính sách bảo hiểm xã hội.
Theo số liệu ước tính của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 25.454 HTX, thu hút 6,5 triệu thành viên, 2.547.748 người lao động thường xuyên. Tuy nhiên, số HTX tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới có 7.451 đơn vị, chiếm dưới 2% số lao động thường xuyên tại HTX.
Còn theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc các HTX còn có xu hướng không ổn định trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể năm 2016, số người tham gia bảo hiểm là 47.091,0 nhưng đến năm 2017 lại giảm còn 42.636,0 người. Đến năm 2018, số người tham gia bảo hiểm bắt buộc trong HTX lại tăng lên 43.103,0 người nhưng đến năm 2019 lại giảm còn 42.851,0 người và đến 2020 là 41.560,0 người.
Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. |
Tuy nhiên, số HTX tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động và thành viên trong HTX lại có xu hướng tăng trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể năm 2016 chỉ có 4.962.0 HTX tham gia bảo hiểm bắt buộc thì đến 2017 tăng lên thành 6.311,0 HTX, đến 2018 là 6.626,0 HTX. Số HTX tham gia bảo hiểm bắt buộc cho người lao động, thành viên tiếp tục tăng và đạt 6.934,0 vào năm 2019 và đến năm 2020 là 7.451,0 HTX.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu như số người tham gia bảo hiểm xã hội trung bình trong 1 HTX vào năm 2016 là 9 thì đến năm 2017, 2018, 2019 giảm xuống chỉ còn 6 người/HTX và đến năm 2020 chỉ còn 5 người/HTX.
Tiền lương là một trong những căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động trong HTX, về cơ bản tương đương với mức thu nhập bình quân của người lao động trong HTX (4,3 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người thuộc HTX thấp hơn mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động tính chung. Trong đó, mức tăng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người thuộc HTX về cơ bản còn thấp hơn so với tăng bình quân tiền lương chung làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (trừ năm 2018).
Theo đánh giá của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, do đặc điểm HTX ở nước ta quy mô nhỏ (dưới 10 lao động chiếm phần lớn), thu nhập của người lao động làm việc trong HTX thấp hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người tham gia bảo hiểm trong HTX chưa nhiều.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành, tuân thủ quy định của Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội của một bộ phận HTX còn hạn chế. Có những HTX bị giải thể, dừng hoạt động nên việc giải quyết chế độ chính sách đối với lao động thường xuyên, trong đó có chính sách bảo hiểm xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức.
Ngoài ra, công tác rà soát, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội tại các HTX chưa được chú trọng, dẫn đến việc sót, bỏ lọt đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Để cải thiện tình trạng trên, ông Nguyễn Bá Hoan cho rằng cần tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ KTTT, HTX. Đi liền với đó là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật sao cho phù hợp với đặc điểm khu vực HTX. Trong đó, việc rà soát, nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người quản lý, điều hành HTX không hưởng tiền lương khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW
“Nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút sự tham gia của người lao động trong khu vực HTX, chính sách về bảo hiểm cần gắn với đặc điểm của khu vực này, trong đó cần chú ý đến việc nhiều người làm trong HTX là không chính thức, thu nhập không ổn định. Đây cũng chính là cách tạo dựng niềm tin cho người dân gắn bó với mô hình HTX”, ông Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.
Như Yến