Tại Hội nghị toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp diễn ra ngày 07/12, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "HTX là hợp vốn, hợp sức lại với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều”. Đồng thời cho rằng, khu vực KTTT, HTX nói chung và HTX lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng đang ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Phát huy sức mạnh của Kinh tế tập thể
HTX Dao Đỏ (Lào Cai) đang phát triển trồng cây dược liệu du lịch cộng đồng. Sau ba năm phát triển, đến nay, HTX có 150ha nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GACP tại xã Tả Phìn và Ngũ Chỉ Sơn. Sản phẩm HTX sản xuất ra mang tính bản địa nên thu hút du khách với dịch vụ tắm trải nghiệm. Hiện HTX là điểm du lịch tiêu biểu xã Tà Phìn và tạo việc làm 128 hộ liên kết và hàng trăm hộ dân.
HTX Dao Đỏ là mô hình tiêu biểu góp phần vào phát triển kinh tế nông thôn. Chia sẻ tại Hội nghị, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nói rằng, đây là mô hình ba trong một, vừa trồng, chế biến dược liệu vừa phát triển du lịch. Điều này đã khai thác triệt để tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, tiềm năng về du lịch của địa phương.
Hội nghị toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX 2012 diễn ra dưới hình thức trực tuyến với hơn 60 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trên cả nước. |
HTX Dao Đỏ chỉ là một trong số hàng nghìn HTX tiêu biểu cho mô hình HTX Phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả trong thời gian qua được nhắc đến trong hội nghị lần này. Rõ ràng, KTTT, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển và đạt được những hiệu quả nhất định. Các HTX phi nông nghiệp đã vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây. Nhiều HTX đã chủ động thay đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện dịch Covid-19...
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Nguyễn Văn Thịnh, cho biết có khoảng 55-80% số HTX phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, giai đoạn 2013-2021, tốc độ tăng thu nhập bình quân hàng năm của một lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 6,41%. Các HTX trong lĩnh vực này cung ứng dịch vụ cho thành viên với chi phí đầu vào giảm khoảng 20%-25%, trong khi giá bán sản phẩm tăng từ 10%-15%.
Những điều này không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, mà còn giúp ổn định chính trị cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao nhận thức của xã hội về HTX kiểu mới.
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. |
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, cho biết điều nổi bật nhất là các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho HTX tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ thành lập mới và chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và hỗ trợ tín dụng qua Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã được triển khai. Bên cạnh đó, một số thủ tục đã được đơn giản hóa và giảm thời gian đăng ký thành lập thông qua đăng ký HTX điện tử...
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh nói rằng, điều này đã giúp một số chính sách hỗ trợ HTX, Liên hiệp HTX đi vào thực tiễn. Chẳng hạn như, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đã được thực hiện cho 84,3 nghìn lượt cán bộ và thành viên HTX; 1.600 lượt HTX hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; 725 lượt HTX hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới cho 725 lượt HTX; 2.809 lượt HTX hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội…
KTTT, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển như hôm nay là do thể chế đối với lĩnh vực này từng bước được hoàn thiện, từ đó tạo môi trường thuận lợi hơn cho khu vực này phát triển. Cụ thể, Luật HTX năm 2012 thể chế hóa rõ hơn về bản chất, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các HTX.
Cùng với sự phát triển của khu vực kinh tế này, các Bộ luật, luật liên quan cũng được sửa đổi, bổ sung đối tượng HTX. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ HTX theo Điều 6 của Luật HTX năm 2012.
Còn đó những khó khăn
Tuy đã góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, nhưng hiện nay tại không ít địa phương, các chính sách chủ trương vẫn chưa được quan tâm, thậm chí là bỏ mặc lĩnh vực phi nông nghiệp. Đặc biệt, công tác quản lý về HTX lĩnh vực phi nông nghiệp chưa thống nhất, nằm ở nhiều cơ quan khác nhau nên gây khó cho các HTX trong việc chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, cho rằng KTTT, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp hiện vẫn còn phát triển chưa đều ở các địa phương và các lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh, chưa thu hút được nhiều thành viên tham gia mà thay vào đó phần lớn là các hộ liên kết.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam. |
Tiêu biểu như các HTX giao thông vận tải có hàng chục, hàng trăm xe phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa nhưng phần lớn số xe đó là của các hộ liên kết, trong khi xe của thành viên góp vốn vào HTX chỉ chiếm con số khiêm tốn. Thực tế này xảy ra là do quy định tại Điều 15, thành viên phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, nhưng thực tế đóng góp của thành viên cho HTX rất đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau như: Góp vốn đầu tư, kinh nghiệm, đạo đức, trí tuệ, uy tín, thương hiệu... Do đó, quy định này chưa khuyến khích người dân, pháp nhân gia nhập HTX.
Bên cạnh đó, vẫn còn những HTX phi nông nghiệp yếu về năng lực tài chính, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao, năng lực quản trị hạn chế...
Theo các chuyên gia và nhà khoa học, việc các chính sách chưa phù hợp với thực tiễn đã khiến các HTX phi nông nghiệp chưa phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh của mình.
Chẳng hạn như, một số quy định của Luật HTX 2012 còn chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ, Luật HTX 2012 còn có những quy định chưa phù hợp về tổ chức, hoạt động theo đặc điểm riêng của từng lĩnh vực hoạt động của HTX, liên hiệp HTX.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam. |
Cụ thể như Khoản 7, Điều 7 Luật HTX năm 2012 quy định chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên, HTX thành viên, nhưng chưa làm rõ nguyên tắc quan tâm đến cộng đồng xã hội. Hay như Khoản 1 Điều 13 không quy định doanh nghiệp tư nhân và Tổ hợp tác (THT) được tham gia thành viên HTX, làm hạn chế đến khả năng huy động nguồn lực và thu hút thành viên của HTX.
“Hiện nay, cả nước có 38.000 doanh nghiệp tư nhân và 120.319 THT, đây là những tác nhân quan trọng tham gia chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Nếu doanh nghiệp tư nhân, THT là thành viên của HTX chắc chắn họ sẽ gắn bó hơn với HTX. Hoạt động sẽ hiệu quả hơn thay vì chỉ có vai trò “liên doanh, liên kết” hoặc là thành viên liên kết của HTX”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường nói.
Tạo động lực cho HTX phi nông nghiệp phát triển
Một lần nữa, Hội nghị khẳng định, KTTT, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, an ninh của đất nước, giữ vai trò chi phối cho sự phát triển nhanh và bền vững của toàn bộ khu vực KTTT, HTX. Chính vì vậy, mô hình kinh tế này luôn được khuyến khích phát triển.
Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc . |
Tuy nhiên, làm sao để khu vực này phát triển nhanh và bền vững, cần chú trọng giúp HTX phi nông nghiệp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; không nóng vội, gò ép, không thờ ơ khi thành lập, tôn trọng nguyên tắc hoạt động của HTX, quy luật kinh tế thị trường.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, nếu thống kê khu vực KTTT, HTX nói chung chỉ đóng góp 4,8% GDP thì chưa thực sự chính xác vì hầu hết người dân hiện nay đều tham gia HTX, THT. Chính vì vậy, cần tính thêm đóng góp của số thành viên để tăng thêm đóng góp của khu vực KTTT vào GDP của cả nước.
Nhằm tạo động lực cho HTX phi nông nghiệp phát triển, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, những tồn tại, hạn chế trong các văn bản, cơ chế chính sách như vốn, đất, tín dụng, khoa học công nghệ… trong Luật HTX 2012 rất cần sửa chữa kịp thời, đồng thời cần kiến Nghị lên Ban Bí thư Trung ương Đảng để có thể ban hành những cơ chế mới trong Nghị quyết 13.
“Dù chính sách pháp luật có thay đổi như thế nào thì vẫn xác định rõ vai trò của KTTT, HTX nói chung và HTX phi nông nghiệp nói riêng ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, đây là đòi hỏi của thực tiễn khách quan. Bên cạnh đó ba chương trình mục tiêu quốc gia là nông thôn mới, giảm nghèo, dân tộc miền núi phải góp phần thúc đẩy kinh tế từng vùng miền”, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam nói.
Nhấn mạnh vai trò của mô hình KTTT, HTX trong phát triển vùng dân tộc miền núi, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng thu nhập của người dân vùng dân tộc miền núi gấp 2 lần so với 2020, 50% xã, bản thoát khỏi khó khăn, tổ chức đào tạo cho 2,2 triệu người.
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, HTX, THT ở vùng dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Đến nay đã có 11.558 HTX ở khu vực miền núi (chiếm 42,8% HTX cả nước). 53% trong số đó hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho 1,1 triệu người, góp phần bảo đảm an ninh và an sinh xã hội.
Đánh giá cao mô hình HTX phi nông nghiệp, ông Hầu A Lềnh cho biết, không chỉ thúc đẩy kinh tế phát triển, các HTX phi nông nghiệp còn góp phần phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, vùng dân tộc miền núi là vùng đặc biệt khó khăn của cả nước nên việc phát triển các HTX nói chung và HTX phi nông nghiệp nói riêng đã góp phần giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về thu nhập.
“Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, tích hợp nhiều chính sách, tạo điều kiện phát triển kinh tế, an ninh, phát triển tổng thể vùng miền núi, thu hẹp mức sống của người dân, kết nối với các vùng trọng điểm của cả nước” Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh.
Tuy nhiên hiện nay, cả nước vẫn còn 3.434 xã vùng dân tộc thiểu số, 1.551 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, 13.222 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Vùng dân tộc thiểu số chiếm 14,7% dân số và ¾ dân số cả nước. Chính vì vậy, việc phát triển KTTT nói chung, HTX phi nông nghiệp nói riêng là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu trên.
Để làm được điều này, ông Hầu A Lềnh cho rằng, các cấp ngành và các địa phương cần quán triệt đưa KTTT, HTX thực sự là một thành tố quan trọng. Cần xây dựng các chuỗi giá trị nhằm phát huy thế mạnh từng vùng dân tộc thiểu số. Đi kèm với đó là phát triển nhân lực vùng dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện để phụ nữ dân tộc thiểu số có việc làm, tham gia các HTX.
“Đề nghị các bộ, ngành tiếp tục tham mưu các chính sách về đất đai, vốn, khoa học công nghệ để HTX thực hiện kinh tế số, chuyển đổi số, đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư và mở rộng vốn cho hộ dân. Từ đó, giúp các HTX thích ứng thị trường, thu hẹp khoảng cách về thu nhập của người dân”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Huyền Trang