Xuất phát từ thực tế trên, trong những năm qua, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Liên minh HTX Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và công tác đào tạo nghề lao động nông thôn cho khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), HTX.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, công tác cán bộ vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là đòn bẩy hết sức quan trọng đối với sự phát triển của các HTX. “Chỉ khi cán bộ quản lý các HTX được đào tạo, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, mạnh dạn, tâm huyết tìm kiếm những giải pháp sản xuất kinh doanh mới, thì khu vực KTHT, HTX mới có được những bước phát triển nhanh và bền vững”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Tỷ lệ qua đào tạo còn thấp
Ông Đỗ Tùng Thanh - Trưởng ban Kế hoạch Hỗ trợ (Liên minh HTX Việt Nam), cho biết tính đến thời điểm này, khu vực KTHT, HTX với khoảng 22.456 HTX, trong đó có 7.563 HTX phi nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - TTCN, xây dựng, vận tải, thương mại, y tế, môi trường và 103.435 tổ hợp tác (THT).
“Khu vực KTHT, HTX tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 9 triệu thành viên, người lao động và hàng triệu lao động thời vụ. Số HTX thành lập mới và số thành viên, người lao động tăng mạnh hàng năm, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đã khiến cho nhu cầu đào tạo nghề và nâng cao trình độ nghề của người lao động trong khu vực HTX là rất lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong khu vực HTX mới đạt khoảng 22% đã dẫn đến trình độ tay nghề hạn chế, năng suất lao động thấp”, ông Thanh nói.
Theo ông Nguyễn Viết Cường - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc bộ, việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề lao động nông thôn cho khu vực KTHT, HTX trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Nếu được tham gia học tập, đào tạo nghề một cách bài bản sẽ giúp cho cán bộ của các HTX, thành viên HTX nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và công tác chuyên môn, qua đó giúp khu vực KTHT và các HTX phát triển bền vững, nâng cao đời sống, thu nhập của các thành viên, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
Theo ông Trần Việt Hùng - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam, trong giai đoạn tới, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cần tập trung đào tạo cho lao động nông thôn theo nhu cầu của doanh nghiệp, HTX, xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện nay; ưu tiên đào tạo nghề theo quy chuẩn, đào tạo nghề: Chế biến, bảo quản thực phẩm; tăng cường đào tạo nghề dài hạn, tăng số thời gian thực hành nghề tại các doanh nghiệp, trang trại; đa dạng hình thức dạy nghề, đổi mới nội dung dạy, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX với cơ sở đào tạo nghề.
Theo báo cáo của Cục KTHT và PTNT (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 10 năm tới (từ năm 2020 đến năm 2030), nhu cầu đào tạo nghề lao động nông nghiệp của lao động khu vực nông thôn sẽ rất lớn. Dự báo sẽ có 4,5 - 6 triệu lao động có nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp, với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn, trong đó tập trung đào tạo chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyên môn hóa, giúp nông dân thực sự trở thành công nhân nông nghiệp...
Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam làm việc với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về đào tạo nghề cho khu vực HTX |
Nhu cầu đào tạo rất lớn
Để đồng hành với các bộ, ngành và các cơ sở đào tạo nghề trong cả nước, Liên minh HTX Việt Nam đã chỉ đạo các trường trong hệ thống tích cực triển khai Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1836/QĐ- LĐTBXH ngày 27/2/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
Với hệ thống các trường gồm: Trường Bồi dưỡng cán bộ; Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Trung ương; Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam; Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bắc bộ; Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và đào tạo cán bộ HTX miền Trung - Tây Nguyên.
Trường Trung cấp Nghề đào tạo cán bộ HTX miền Nam đã triển khai 10 nghề được lựa chọn với các cấp độ khác nhau, đồng thời tích cực tuyển sinh và đào tạo một số chuyên ngành khác, như: Kế toán HTX và Quản trị HTX cho 1.200 - 1.700 cán bộ thành viên khu vực KTHT, HTX mỗi năm.
Liên minh HTX Việt Nam cũng chỉ đạo trong năm 2020, các trường đào tạo 30 lớp Kế toán HTX và 30 lớp Quản trị HTX cho đối tượng là lao động nông thôn làm việc trong các HTX trên địa bàn cả nước; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật, dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác; đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn làm việc trong các HTX trên địa bàn vùng núi, biên giới, hải đảo, đồng bằng trên phạm vi cả nước, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phấn đấu tỷ lệ học viên có việc làm sau khi học nghề đạt từ 60% trở lên.
Phạm Duy