Trong 6 tháng đầu năm 2019, giáo dục nghề nghiệp của các trường trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã đào tạo được 843 sinh viên hệ cao đẳng; 3.959 học sinh hệ trung cấp; bồi dưỡng 1.158 học viên là cán bộ chủ chốt HTX; 3 lớp tư vấn hỗ trợ xây dựng mô hình HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị…
Vấn đề đặt ra
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu thị trường và áp dụng mô hình đào tạo hiện đại thì hầu hết các trường trong hệ thống cuả Liên minh HTX Việt Nam đều gặp khó khăn.
Ông Phan Văn Đợi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Đào tạo cán bộ HTX miền Trung - Tây Nguyên, nêu thực tế: Nhu cầu đào tạo của các trường rất lớn, nhưng nguồn lực kinh phí dành cho nhà trường còn hạn chế, nhất là nguồn lực tại chỗ. Công tác tuyển sinh của nhà trường còn hạn chế. Cạnh tranh của các nhà trường trong bối cảnh hiện nay rất mạnh mẽ, dẫn đến khó khăn trong tuyển sinh.
Đây cũng là những khó khăn chung của các trường trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, như Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ HTX miền Nam; Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Trung ương; Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bắc bộ; Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam.
Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, cho rằng ngoài những nguyên nhân mà các trường đã nêu, còn một số nguyên nhân khác cũng dẫn đến khó khăn trong công tác tuyển sinh, như: Việc đầu tư nghiên cứu để đào tạo các nghề trọng điểm của một số trường còn dàn trải; công tác tuyên truyền, tư vấn chưa được quan tâm đúng mức; nội dung chương trình, quy trình đào tạo chưa được đổi mới và gắn với đặc điểm các nghề mà nhu cầu thị trường cần; hệ thống giáo trình, giáo án, chuẩn đầu vào của giáo viên, giảng viên chưa được đồng bộ... Đây là những khó khăn không chỉ riêng các trường trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, mà là khó khăn chung của hầu hết các trường hiện nay.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết Thường trực Liên minh HTX Việt Nam luôn coi trọng công tác đào tạo nghề và bồi dưỡng thành viên HTX. Liên minh HTX Việt Nam xác định, đào tạo nghề phải luôn gắn với thị trường; lấy đào tạo gắn với giải quyết việc làm làm thước đo hiệu quả của trường.
"Thường trực đã xây dựng phương án đổi mới tái cơ cấu toàn diện các trường trong hệ thống theo Đề án của Chính phủ và Tổng cục Dạy nghề. Với 8 triệu thành viên và trên 30 triệu lao động trong HTX nên nhu cầu dạy nghề, đào tạo rất cao. Mục tiêu là hướng đến năm 2020 cả nước có 40.000 HTX, trong đó có 15.000 HTX nông nghiệp hiệu quả theo Nghị quyết của Quốc hội. Muốn vậy thì ít nhất 60% lao động của các HTX phải được đào tạo nghề từ trung cấp, cao đẳng trở lên. Mục tiêu thì rất lớn, như do khả năng và nguồn lực của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam còn hạn chế nên rất mong có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương để từng bước tháo gỡ", Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh kiến nghị.
Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam và lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chụp ảnh lưu niệm sau buổi làm việc |
Phối hợp nâng cao hiệu quả
Để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo tại các trường của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nêu trọng tâm các trường của Liên minh HTX Việt Nam phải đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng khung chương trình và giáo trình chuẩn; nâng cao trình độ chuẩn của giảng viên, giáo viên; đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường, tức là đào tạo cái người ta cần chứ không phải đào tạo cái mình có. Đặc biệt phải đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập đáp ứng với xu thế đào tạo trong thời kỳ công nghiệp 4.0 như hiện nay.
"Phải xem xét, nghiên cứu và đánh giá thực chất hoạt động đào tạo để có hướng điều chỉnh phù hợp với thực tế hiện nay; đào tạo phải cấp chứng chỉ cho Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát, cán bộ quản trị, kế toán, tiếp thị và cả người lao động; nội dung công tác đào tạo phải theo nhu cầu thị trường và đặc biệt là phải đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam", Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam diễn ra ngày 24/7, ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng thời gian tới, Tổng cục sẽ phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX Việt Nam để xác định rõ nhu cầu phát triển nhân lực, nguồn lực để triển khai cho công tác đào tạo nghề đạt mục tiêu đề ra.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thống nhất với Thường trực Liên minh HTX Việt Nam về việc 2 bên sẽ xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho Liên minh HTX Việt Nam, trong đó có đào tạo mới và đào tạo, bồi dưỡng lại cho đội ngũ nòng cốt HTX; thống nhất việc nâng cấp hai trường trung cấp là Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Đào tạo cán bộ HTX miền Trung - Tây Nguyên, Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ HTX miền Nam lên thành trường cao đẳng; tái cơ cấu các trường của hệ thống Liên minh theo Nghị định 16 ngày 14/2/2015 của Chính phủ về Quy chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng từ năm 2021 các trường sẽ tự chủ.
"Tổng cục sẽ quan tâm đầu tư các nghề trọng điểm cho hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, đặt hàng đẩy mạnh công tác truyền thông cho hệ thống chính trị và xã hội nhằm nâng cao nhận thức về đào tạo nghề cho kinh tế hợp tác, HTX. Các nội dung này sẽ được thể chế hóa qua chương trình phối hợp được ký kết giữa hai cơ quan trong thời gian tới", ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.
Phạm Duy